Sức mua có dấu hiệu “ấm” dần kể từ tháng 9 khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 524,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,5% so cùng kỳ năm trước.
Kích cầu tiêu dùng để cải thiện sức mua những tháng cuối năm
Trong báo cáo cập nhật các ngành hàng trọng điểm quý IV/2023 được Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán BVSC phát hành mới đây, cho rằng nhờ những chính sách hỗ trợ gần đây của Chính phủ (chủ động cắt giảm lãi suất, hạ thuế VAT cho một số mặt hàng), thì điều kỳ vọng là thu nhập và tiêu dùng cá nhân dần phục hồi trong các quý tới.
Theo BVSC, tình hình kinh tế vĩ mô cải thiện cho tín hiệu tốt đến tâm lý người tiêu dùng, khiến họ nới lỏng chi tiêu chuyển sang các sản phẩm thiết yếu cao cấp hơn. Trong dài hạn, khách hàng cũng có thể chuyển từ các chuỗi cửa hàng truyền thống sang các cửa hàng bách hóa hiện đại. Điều này đổi lại sẽ giúp cải thiện lượt khách tới cửa hàng, giá trị giỏ hàng và biên lợi nhuận.
Ghi nhận tại Hà Nội, các “ông lớn” bán lẻ trong ngành hàng tiêu dùng, để đạt mục tiêu tăng trưởng trong mùa mua sắm cuối năm, họ đang đẩy mạnh phát triển thị trường, triển khai chương trình khuyến mãi, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm các dịp lễ, Tết cuối năm.
Đại diện WinCommerce cho biết, đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm san sẻ nỗi lo chi phí với người tiêu dùng. Theo đó, bên cạnh việc triển khai các chương trình khuyến mãi, việc đa dạng hóa các mô hình bán lẻ với chiến lược bảo đảm giá cả phải chăng là một trong số ưu tiên hàng đầu của WinCommerce thời điểm hiện tại.
Các doanh nghiệp sản xuất cũng đã bắt đầu tung ra thị trường các sản phẩm có giá khuyến mãi hấp dẫn để tăng doanh thu vụ cuối năm. “Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp ngành bán lẻ gặp khó khăn khi sức cầu sụt giảm, một số công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lao dốc. Do đó, mùa kinh doanh cuối năm được xem là cơ hội “vàng” để các doanh nghiệp, nhà bán hàng bứt phá doanh thu, bù đắp cho khoảng thời gian đầu năm và phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả năm”, đại diện Công ty Vissan cho hay.
Do đó, tại Vissan đã triển khai chương trình giảm giá thịt với mức phổ biến từ 10 - 30% trong tháng qua và khả năng sẽ còn duy trì trong nhiều tháng tới.
Còn theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, vào mùa mua sắm cuối năm nay, chẳng hạn như các sản phẩm giỏ quà Tết của công ty sẽ giảm giá khoảng 40% nhưng chất lượng sẽ không đổi. Bên cạnh đó, điều quan trọng trong lúc này là cần nắm rõ sự thay đổi của thị hiếu, thói quen và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Hơn nữa, doanh nghiệp phải bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp, làm mới sản phẩm theo xu hướng xanh từ bao bì đến thành phẩm…
Bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc Đối ngoại và Đầu tư Tập đoàn Central Retail cho biết, các doanh nghiệp phân phối đang lên phương án tiết giảm thấp nhất chi phí, đưa ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn. “Để có được một chương trình khuyến mãi là đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị bán lẻ cùng với nhà cung cấp, nguồn cung tốt, chất lượng và giá luôn luôn tốt nhất trên thị trường. Tại hệ thống siêu thị của chúng tôi có rất nhiều các chương trình khuyến mãi, không chỉ trong tháng mà thậm chí diễn ra trong tuần và chương trình khuyến mãi đặc biệt để giúp kích cầu nhiều hơn”, bà Linh cho hay.
Chiến lược thích ứng với thị trường
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng ngành dịch vụ bán lẻ và các hệ thống sẽ đẩy mạnh từ giờ đến cuối năm. Và tăng trưởng của ngành này sẽ góp ích cho tổng cầu của nền kinh tế được gia tăng từ nay đến cuối năm. Những ngành hàng mà chúng tôi thấy là có xu hướng tăng như những ngành liên quan đến dịch vụ thiết yếu, thực phẩm chức năng, rồi các sản phẩm về nông nghiệp, lâm nghiệp chất lượng cao chắc chắn sẽ được gia tăng trong thời gian tới”.
Mặc dù các doanh nghiệp tung ra nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng cuối năm, song theo nhận định của các chuyên gia, thị trường cuối năm nay thật sự khó khăn. Thứ nhất là sức mua giảm rõ rệt. Thứ hai là thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, có nhiều yếu tố bất định và có rất nhiều sự thay đổi đối với tình hình thị trường hiện nay, nên các nhà bán lẻ cũng có sự dè chừng, theo sát nhau về giá bán để tăng tính cạnh tranh.
Vì vậy, ngoài các chương trình khuyến mãi, yếu tố quan trọng nhất hiện nay vẫn là chất lượng của sản phẩm. Yếu tố thứ hai mà doanh nghiệp cần chú ý là hệ thống phân phối đang có những thay đổi và sự lựa chọn của người tiêu dùng. Từ đó, các doanh nghiệp có sách lược thay đổi như thế nào để thích ứng với tình hình, cũng như chú ý đến hệ thống dịch vụ như thế nào để được người tiêu dùng chấp nhận.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nắm chắc những thông tin, dự báo về thị trường để đưa ra những giải pháp phù hợp trong ngắn hạn cho đến những giải pháp trung hạn để đáp ứng được yêu cầu mới của người tiêu dùng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị tốt nguồn lực về hàng hóa, con người để phục vụ nhu cầu tăng đột biến trong thời gian tới.
Với doanh nghiệp, tác động từ những khó khăn trong giai đoạn vừa qua cũng ảnh hưởng phần nào đến nguồn vốn và chi phí dành cho việc tăng cường số hóa các hoạt động vận hành của doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, nhìn chung, các doanh nghiệp vẫn khẳng định, đây là xu thế tất yếu và họ sẽ tiếp tục tập trung đầu tư trong thời gian tới. Bởi lẽ, dù điều này có thể khiến chi phí tăng lên, song về lâu dài sẽ giúp các nhà bán lẻ cắt giảm chi phí và giảm rủi ro vận hành.