Ngăn nguy cơ "lãng phí kép" từ phế thải

Phế thải xây dựng được xác định là một nguồn tài nguyên có thể tái chế, sử dụng, nhưng đang trở thành nỗi nhức nhối trong phát triển đô thị ở Hà Nội, rất cần phương thức quản lý thật sự hiệu quả từ phía cơ quan chức năng.
0:00 / 0:00
0:00
Đoạn phố Trịnh Đình Cửu, giáp cầu Định Công, liên tục bị đổ trộm phế thải.
Đoạn phố Trịnh Đình Cửu, giáp cầu Định Công, liên tục bị đổ trộm phế thải.

Ðổ trộm cả ngày lẫn đêm

Suốt thời gian dài, tại khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai) liên tục xảy ra tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt của người dân. Chị Đỗ Thị Hoa (công nhân Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội) làm việc tại khu vực bán đảo Linh Đàm chia sẻ: "Ngoài rác thải sinh hoạt bị đổ tràn lan, người ta đổ trộm phế thải xây dựng cả ban ngày lẫn ban đêm. Chúng tôi đã phải rất vất vả để vận chuyển, nhưng chỉ sạch được một hai ngày rồi đâu lại vào đó".

Tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng cũng thường xuyên xảy ra ở đường gom - Đại lộ Thăng Long, khu vực cầu vượt phố Nguyễn Văn Trác (cầu vượt Yên Nghĩa) thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Tại đường Trịnh Đình Cửu, Mạc Thái Tổ, Nguyễn Quốc Trị cũng xảy ra tình trạng này. Ở các huyện ngoại thành như Thường Tín, Thanh Trì, Đông Anh… người dân còn dùng phế thải xây dựng lấp ao, hồ, lấn chiếm đất công. Các bãi bồi, chân đê ven sông Hồng cũng bị biến thành nơi chứa phế thải xây dựng trái phép. Cụ thể tại thôn Mạch Lũng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh và bãi ven sông thuộc cụm dân cư số 4, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ trở thành "núi" phế thải xây dựng. Nhiều hơn nữa, hằng ngày vẫn có hàng chục lượt xe kéo vào ngõ 76, đường An Dương (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) đổ trộm nhằm lấn đất bãi sông Hồng. Tại đây, đất thịt được người ta tập kết sẵn để sau khi đổ thải sẽ dùng phủ lên bề mặt. Dù giữa ban ngày, hoạt động san lấp bằng phế thải vẫn diễn ra trước sự bất lực của chính quyền địa phương.

Theo tìm hiểu, từ năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã giao cho UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm quản lý tổng thể về môi trường. Một số quận, huyện đã thực hiện các giải pháp, như lắp camera trên một số tuyến đường, tuyến đê để kịp thời xử lý hành vi đổ trộm rác, phế thải. Tuy nhiên, cho đến nay tình trạng này vẫn không được cải thiện bao nhiêu. Cũng theo quy định về quản lý phế thải xây dựng, chủ nguồn thải trong từng trường hợp cụ thể, phải có trách nhiệm quản lý. Đối với công trình nhà ở: Lập và gửi thông báo thực hiện quản lý chất thải rắn xây dựng đến cơ quan cấp phép và UBND phường, xã trên địa bàn trước khi khởi công xây dựng. Đối với công trình xây dựng: nhà thầu phải lập kế hoạch quản lý chất thải rắn xây dựng; ký hợp đồng với đơn vị có đủ chức năng xử lý. Quy định chặt chẽ như vậy nhưng thực tế triển khai lại vẫn đang là một câu chuyện khác.

Cần biện pháp tái sử dụng, tránh gây ô nhiễm môi trường

Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, trung bình mỗi ngày lượng chất thải rắn phát sinh từ hoạt động xây dựng ước tính khoảng 2.500-3.000 tấn, trong khi các bãi tập kết chung của thành phố đều đã lấp đầy. Theo TS Tống Tôn Kiên (giảng viên Bộ môn Vật liệu xây dựng - Trường đại học Xây dựng Hà Nội), nguồn phế thải xây dựng hiện nay chủ yếu được xử lý theo cách chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường, vừa phải dành diện tích ao, hồ, bãi để chôn lấp, phải mất công vận chuyển xa, trong khi, nguồn phế thải này có thể được phân loại, tái chế, bán được như thép, kim loại, gỗ, nhựa. Đó là tình trạng lãng phí kép. "Phế thải xây dựng hoàn toàn có thể dùng để đổ nền những con đường nhỏ, nền nhà, làm cốt liệu bê-tông, tấm ốp tường và vữa xây dựng", TS Kiên nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia đánh giá, trong khi nguồn tài nguyên đang dần bị cạn kiệt, thì việc tận dụng phế thải làm vật liệu sẽ rất tiết kiệm, giảm chi phí vận chuyển, đồng thời tăng hiệu suất sử dụng các loại vật liệu tự nhiên. Việc sử dụng vật liệu tái chế có thể chế tạo được các loại sản phẩm có giá thành thấp hơn vật liệu chế tạo mới, tăng hiệu quả dự án. Ở Hà Nội, bảy năm qua, thành phố thí điểm hai điểm nghiền, xử lý tái chế phế thải xây dựng ở Pháp Vân-Cầu Giẽ và chân cầu Thanh Trì, song chưa có đánh giá cuối cùng.

Thực tế nhiều năm nay, cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành các quyết định về quản lý chất thải rắn nhưng hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn kỹ thuật chi tiết để thúc đẩy việc xử lý, tái chế phế thải xây dựng. Bên cạnh đó, những tiêu chuẩn cần thiết cho vật liệu tái chế và hướng dẫn về việc sử dụng vật liệu tái chế chưa được quy định đầy đủ.

Kỹ sư Ngô Kim Tuân (Trường đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý phế thải xây dựng thân thiện với môi trường và phù hợp điều kiện của Việt Nam; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn và các quy định về quản lý và tái chế phế thải xây dựng; phát triển công nghệ mới và các loại vật liệu tái chế trong một số lĩnh vực như: vật liệu xây dựng, hạ tầng giao thông, kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường…