Nga trở lại đường đua chinh phục Mặt trăng

Lúc 2 giờ 10 phút 57 giây theo giờ Moscow (tức 6 giờ 10 phút, theo giờ Hà Nội) ngày 11/8, Nga phóng tàu vũ trụ Luna-25 vào không gian, đánh dấu sự trở lại đường đua xây dựng căn cứ trên Mặt trăng đầy tham vọng của Nga sau gần nửa thế kỷ.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu vũ trụ Luna-25 của Nga được phóng lên không gian. Ảnh: TASS
Tàu vũ trụ Luna-25 của Nga được phóng lên không gian. Ảnh: TASS

Theo TASS, tàu vũ trụ Luna-25 được phóng từ Sân bay vũ trụ Vostochny của Nga ở Viễn Đông, lần đầu kể từ năm 1976 khi nước này còn là một phần của Liên Xô (trước đây). Tàu Luna-25 dự kiến “cập bến” Mặt trăng vào ngày 23/8, cùng ngày với tàu Ấn Độ được phóng hôm 14/7. Tàu vũ trụ Luna-25 sẽ mất khoảng 5,5 ngày để di chuyển đến vùng lân cận của Mặt trăng, sau đó dành từ 3 - 7 ngày bay quanh quỹ đạo trước khi hạ cánh gần cực nam. Đây là nơi các nhà khoa học tin rằng có một nguồn cung cấp nước dồi dào bị đóng băng vĩnh cửu dưới các rặng núi.

“Sứ mệnh đầu tiên của Luna-25 là tìm ra nguồn nước để xác nhận rằng nước có ở đó”, bà Olga Zakutnyaya làm việc tại Viện Nghiên cứu Không gian thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga ở Moscow nhấn mạnh. Tăng cường dự trữ nước là một yêu cầu quan trọng để hỗ trợ sự sống trên Mặt trăng bằng oxy, nước uống và thậm chí cả nhiên liệu tên lửa, sau đó sẽ giúp các quốc gia khám phá thêm vũ trụ từ bất kỳ tiền đồn nào trên Mặt trăng trong tương lai. Ngoài ra, cỗ máy nặng 800 kg này sẽ lấy và phân tích đất cũng như tiến hành nghiên cứu khoa học dài hạn.

Giới quan sát nhận định, trong bối cảnh bị các lệnh trừng phạt của phương Tây phong tỏa, việc Nga phóng tàu vũ trụ thám hiểm Mặt trăng lần đầu kể từ năm 1976 cho thấy, quốc gia này đang tìm cách khôi phục lại hình ảnh một cường quốc vũ trụ độc lập với phương Tây. Bằng cách tạo ra các sứ mệnh khám phá Mặt trăng, Nga đang tạo ra hướng đi riêng, độc lập với sứ mệnh Artemis của Mỹ.

Nhưng khác với lần phóng tàu thám hiểm Mặt trăng năm 1976, lần này Nga muốn đi tiên phong trong việc khám phá cực nam trên bề mặt “chị Hằng”. “50 năm sau các sứ mệnh Apollo đầu tiên, các nhà khoa học Nga muốn kiểm tra những tảng đá mới từ các vùng Mặt trăng khác nhau. Đây chính là lý do khiến Luna-25 phải hạ cánh xuống cực nam, ở địa hình hiểm trở”, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) cho hay.

Đến nay, chỉ có ba quốc gia là Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô từng hạ cánh thành công tàu vũ trụ trên Mặt trăng và chỉ có người Mỹ đặt chân lên bề mặt Mặt trăng, trang mạng Politico.eu cho hay. Trong khi đó, Ấn Độ, Nhật Bản và Israel gần đây đều đã thử và thất bại. Vào năm 2019, sứ mệnh Chandrayaan-2 của Ấn Độ đã gặp sự cố, trong khi nỗ lực trước đó của các công ty Israel với sứ mệnh “Beresheet” cũng không thành công vào năm đó. Tháng 4 năm nay, công ty khởi nghiệp Nhật Bản ISPACE cũng gặp sự cố với tàu đổ bộ Hakuto-R Mission 1.

Mới đây, ngày 5/8, Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết, nước này đã đưa thành công tàu thám hiểm Chandrayaan-3 lên quỹ đạo của Mặt trăng. Tàu dự kiến hoàn thành hành trình 40 ngày hạ cánh ở điểm gần cực nam Mặt trăng vào ngày 23/8, sau đó thực hiện nhiệm vụ thăm dò và thí nghiệm trong vòng hai tuần. “Thực tế là cả Nga và Ấn Độ đều nhắm mục tiêu hạ cánh ở cùng một khu vực trên Mặt trăng, qua đó cho thấy một số khu vực nhất định có giá trị hơn những khu vực khác”, Benjamin Silverstein - nhà phân tích thuộc Dự án Không gian Carnegie tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế (Mỹ) nhận định.

Tim Marshall, tác giả cuốn sách “Tương lai của địa lý” về địa-chính trị không gian cho rằng, nếu lần này Nga thành công, đó sẽ là thành tựu khoa học và công nghệ to lớn. Ông Tim Marshall cũng khẳng định, một cuộc đổ bộ thành công của Nga và một năm nghiên cứu hiệu quả sẽ đánh dấu bước tiến lớn trong kế hoạch xây dựng căn cứ trên Mặt trăng với Trung Quốc vào những năm 2030.