BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Nâng tầm giá trị cây bơ Việt

Phát triển giống bơ bản địa vượt trội, gắn mã QR theo dõi quá trình chăm sóc, thu hoạch từng cây bơ... anh Đặng Dương Minh Hoàng đã giúp thay đổi số phận cây bơ khi tăng giá trị gấp nhiều lần, trở thành thứ quả “quý ông” trong hệ thống siêu thị toàn quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu trong nông trại của anh Hoàng.
Máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu trong nông trại của anh Hoàng.

Kỹ sư hồi hương làm nông dân

Đến thăm nông trại Thiên Nông của anh Hoàng ở xã Phú Văn (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) chắc chắn du khách sẽ ngỡ ngàng không chỉ bởi mầu xanh bạt ngàn của bơ mà còn trên từng cây bơ đều dán mã QR. Du khách chỉ cần bỏ điện thoại ra quét mã sẽ có ngay toàn bộ lịch sử của từng trái bơ từ lúc trồng, chăm sóc, thu hoạch đến khi vận chuyển đến bàn ăn gia đình.

Đó chính là bước đột phá công nghệ mà anh Hoàng áp dụng trong nông trại bơ suốt 8 năm qua. Nhờ đó 12 ha bơ của anh Hoàng hằng năm đều cho thu lãi hơn 10 tỷ đồng, giá trị mỗi quả thương hiệu “Bơ ông Hoàng” cho giá trị xuất khẩu gấp 3-4 lần quả bơ thông thường.

Anh Hoàng sinh ra trong gia đình nông dân chính gốc, có ba mẹ là người trồng bơ lâu năm. Song, với khát vọng vươn lên trong học tập đã giúp anh chinh phục được tấm bằng kỹ sư ngành hệ thống tự động và thông tin tại Viện Công nghệ Grenoble, Pháp. Sau đó, anh Hoàng làm việc tại tập đoàn điện lực Électricité tại TP Lyon với mức lương 3.000 euro một tháng (tương đương 75 triệu đồng Việt Nam) vào thời điểm năm 2012. Môi trường làm việc hiện đại và cơ hội thăng tiến cao nhưng Hoàng lại nung nấu ý định nâng cấp cây bơ bản địa thành đặc sản, tăng thêm sinh kế cho bà con địa phương.

Anh Hoàng chia sẻ: “Tôi xuất thân trong một gia đình nhà nông. Từ nhỏ tôi đã thấy cây bơ bản địa giống như một cây rừng và không khó chăm sóc như các cây ăn trái khác. Năng suất của cây bơ trên 20 năm tuổi mỗi năm đạt 300 kg trở lên. Tôi phát hiện quả bơ ngoài độ béo lại có độ ngọt thanh hậu, bơ không tạo ra sự chán cho khách hàng. Họ có thể ăn salad bơ hoặc ăn trứng nướng bơ và bơ có thể chế biến được nhiều loại món ăn cũng như sinh tố. Cho nên tôi quyết định đưa giống bơ này vào vườn nhân rộng và thực hiện số hóa từng cây”.

Số hóa công nghệ cho thương hiệu “Bơ ông Hoàng”

Với kiến thức tích lũy được, anh Hoàng nhận thấy, ở thị xã Phước Long đã có bơ giống thực sinh bản địa, trong quá trình trồng 20 năm sẽ có cây đột biến tạo ra trái có hương vị khác biệt. Từ bơ đột biến, anh kết hợp ghép với bơ thực sinh tạo ra chất lượng trái đồng đều.

Hiện, anh Hoàng còn kết hợp với các giảng viên của ĐHQG TP Hồ Chí Minh để nghiên cứu và đưa ra giống bơ có chất lượng cao hơn, dễ chăm sóc hơn. Toàn bộ 12 ha bơ của anh cùng với sầu riêng và tiêu đều được trồng theo phương pháp hữu cơ. “Trồng hữu cơ tuy khó chăm sóc hơn nhưng cho giá trị rất cao. Nông trại của tôi đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và AseanGAP từ năm 2018”, anh Hoàng cho biết.

Từng làm việc tại nước ngoài, anh Hoàng cũng biết được thị trường nước ngoài rất khó tính. Khách hàng luôn có nhu cầu tìm hiểu về gốc gác thực phẩm trên bàn ăn sau đó mới yên tâm đưa vào dạ dày. Vì vậy, Hoàng đã biến mỗi cây bơ thành một trang web, một nhật ký điện tử để khi khách hàng mua một quả bơ biết được toàn bộ lịch sử chăm sóc của quả bơ đó. “Chẳng hạn như bơ tới Bình Dương thì cũng cập nhật trên nhật ký, tạo ra sự minh bạch cho cây trồng giống như mỗi người có một căn cước công dân thì mỗi cây của Hoàng có một mã QR”, Hoàng chia sẻ.

Về ứng dụng AutoAgri - Nông nghiệp thông minh, anh Hoàng cho biết, đây là ứng dụng giúp thiết lập nhật ký điện tử, số hóa từng cây rất ưu việt. Ứng dụng giúp cập nhật cho cả một khu như bơ, tiêu, cao-su về quy trình sản xuất như nào, thu hoạch ra sao, xử lý vôi cho tiêu bệnh... đều được cập nhật.

Nông trại của Hoàng còn áp dụng hệ thống tưới tiêu tự động IoT dựa trên cảm biến độ ẩm, ánh sáng, độ pH... và được đưa về máy chủ xử lý, phân tích và ra quyết định mở van điện tưới cây, bón phân phù hợp. Ngoài ra, anh còn ứng dụng hệ thống điện mặt trời áp mái để bảo đảm hiệu điện thế cung cấp cho mỗi thiết bị trong nông trại luôn là 220V, tránh bị sụt áp.

Thậm chí, lượng điện dồi dào anh Hoàng còn bán lại được cho ngành điện. Trong một số chuyến đi học tập chuyển giao công nghệ do Tỉnh đoàn Bình Phước tổ chức, anh Hoàng ấn tượng nhất về phương pháp xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh bản địa IMO và đã áp dụng triệt để trong nông trại.

Ngoài ra, Hoàng còn áp dụng hệ thống camera giám sát toàn vườn, máy bay không người lái, công nghệ blockchain truy xuất nguồn gốc... Hoặc chỉ với một xe phun sức chứa 1.000 lít anh Hoàng có thể rửa nước mưa trái mùa chứa axit, phun thuốc dập dịch trên diện tích 12 ha chỉ trong một buổi sáng. Vì máy móc đã làm thay sức người nên nông trại Thiên Nông thường chỉ duy trì 2 nhân công chủ yếu công việc đi chỉnh sửa van và ống nước.

Hiện, Hoàng còn kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước và chủ nhiệm Mạng lưới Giải thưởng Lương Định Của để tìm đầu ra sản phẩm, lan tỏa thương hiệu, truyền cảm hứng, kinh nghiệm khởi nghiệp nông nghiệp số tới các bạn trẻ trên toàn quốc.

Một số giải thưởng của anh Hoàng: Giải thưởng Lương Định Của năm 2021; giải thưởng Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022; giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023; Một trong 75 gương điển hình tiên tiến toàn quốc nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nhân Kỷ niệm 75 năm Bác Hồ kêu gọi thi đua ái quốc năm 2023.

Nhân rộng mô hình kinh tế - du lịch cộng đồng

Những năm gần đây, nông trại bơ của anh Hoàng còn nổi lên là điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn của Bình Phước. Anh Hoàng đã liên kết với một số trường quốc tế để giúp các em học sinh có trải nghiệm một ngày làm nông dân, xây dựng thương hiệu du lịch gắn với văn hóa bản địa quê hương.

Để tạo thêm sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số, anh Hoàng đã xây dựng dự án liên kết nuôi bò, dê 50:50. Hoàng sẽ bỏ vốn 50% xây lán, bà con sẽ góp 50% vốn nuôi dê, bò. Họ lấy thức ăn cỏ trong trang trại, con dê, bê sinh ra bà con có 50%, Hoàng có 50% giá trị. Nhờ đó Hoàng tận dụng được toàn bộ phân chuồng bón cho cây tạo nên mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông trại.

Ông Lê Ngọc Đạo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Văn chia sẻ: Mô hình trồng bơ của Hoàng là mô hình tiên phong áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đem đến cú hích lớn cho kinh tế địa phương. Bà con nơi đây còn có thêm việc làm khi tham gia sản xuất, phân phối bơ cho nông trại cũng như mô hình kinh tế kết hợp tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 nông dân.

“Bơ ông Hoàng” còn trở nên “đắt hàng” trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook hoặc bán bơ thông qua các KOL đến thu hoạch, trải nghiệm vườn bơ tại nông trại. Hiện nay, thương hiệu “Bơ ông Hoàng” đã có mặt trong siêu thị tại một số quốc gia như Thái Lan, Singapore, Malaysia... và Hoàng đang định hướng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu... Hoàng cũng đã liên kết với Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Bình Phước phát triển mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm vườn bơ, thưởng thức văn hóa cồng chiêng của người Stiêng...

Chuyên gia Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết: “Hoàng áp dụng công nghệ cao trồng bơ, đối với du lịch cộng đồng đã tạo thêm sinh kế cho người dân. Đặc biệt, trong khi thực phẩm sạch lên ngôi, mô hình nông nghiệp sạch công nghệ cao rất phù hợp, gắn liền với bảo vệ văn hóa bản địa, phát triển du lịch cộng đồng. Khởi nghiệp trẻ cần gắn kết nhiều hơn tạo việc làm cho địa phương, gắn kết lan tỏa cộng đồng sẽ giúp người trẻ thành công hơn”.