Nan giải thoái vốn

Câu chuyện thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước dù đã có kế hoạch, mục tiêu rất rõ ràng nhưng nhiều năm nay vẫn “giậm chân tại chỗ”. Nếu không có phương án rốt ráo, quyết liệt hơn, thì hoạt động này có khả năng tiếp tục chững lại trong giai đoạn tới.
0:00 / 0:00
0:00
Cổ đông xem xét báo cáo tài chính của công ty tại đại hội cổ đông. Ảnh: NAM ANH
Cổ đông xem xét báo cáo tài chính của công ty tại đại hội cổ đông. Ảnh: NAM ANH

Tính đến tháng 10/2023, có 49 doanh nghiệp được phê duyệt theo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg năm 2022, nhưng không có đơn vị nào phát sinh cổ phần hóa. Hoạt động thoái vốn cũng không mấy khả quan, khi hơn hai phần ba chặng đường của năm 2023 đã đi qua, chỉ ghi nhận diễn ra tại bốn đơn vị (3 đơn vị theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg, 1 đơn vị theo Thông báo số 281/TB-VPCP), thu về 19 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã thoái vốn tại bảy đơn vị, thu về 206,3 tỷ đồng.

Kế hoạch khó thành

Lý giải nguyên nhân chậm trễ của công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong suốt thời gian dài vừa qua, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, có những nguyên nhân khách quan đến từ sự bất ổn của thị trường tài chính trong nước và quốc tế, nguyên nhân chủ quan đến từ nội tại doanh nghiệp như khó xác định giá trị tài sản, nhận thức của người đứng đầu còn chưa cao, chưa xử lý được các vướng mắc tài chính…

Từ năm 2021 đến nay, hệ thống các cơ chế, chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN đã được ban hành đầy đủ. Các cơ quan quản lý cũng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, bảo đảm việc cổ phần hóa, thoái vốn minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Tuy nhiên, sự chậm trễ vẫn đến từ những nguyên nhân đã được chỉ ra từ giai đoạn trước, liên tục kéo dài từ năm này qua năm khác.

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết, nguyên nhân cơ bản nhất của việc chậm cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước là Nghị quyết 60 của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ quy định không cho chuyển mục đích sử dụng đất từ thuê sang ở, dẫn đến không còn chênh lệch địa tô, trong khi nhà đầu tư khi mua cổ phần nhà nước đều nhìn vào các khu đất “vàng”.

Theo dự kiến của Bộ Tài chính, tổng giá trị nguồn thu từ bán vốn nhà nước nộp về NSNN giai đoạn 2021-2025 là 9.029 tỷ đồng, trong đó cổ phần hóa là 1.976 tỷ đồng, thoái vốn là 7.053 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng giá trị các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn trước năm 2023 chưa nộp về NSNN theo quy định là 494 tỷ đồng, bao gồm cổ phần hóa là 14 tỷ đồng, thoái vốn là 480 tỷ đồng.

Như vậy, tổng giá trị dự kiến thu từ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2023 - 2025 vào khoảng 16.484 đồng. Nếu tính cả số tiền đã thu từ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2022 đang giữ tại địa phương, chưa nộp tiền thu về NSNN là 16.979 tỷ đồng. Theo đó, với tổng giá trị vốn nhà nước được thu về tính đến thời điểm tháng 10/2023, kế hoạch mới thực hiện được khoảng hơn 1,3%.

Đánh giá về kết quả cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian qua, tại tọa đàm “Chính sách, pháp luật cổ phần hóa - những vấn đề đặt ra”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH cho biết, cổ phần hóa DNNN vẫn còn những “vùng xám”, khó lý thuyết theo kế hoạch đơn thuần. Nếu trong giai đoạn tới không có phương án khắc phục rốt ráo, điều chỉnh rõ ràng, cụ thể, hoặc có lộ trình và quyết liệt để phù hợp bối cảnh, thì hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa sẽ tiếp diễn tình trạng “thất bát”.

“Điểm đen” bán vốn

Có rất nhiều lý giải về nguyên nhân của sự chậm trễ trong công tác cổ phần hóa DNNN và thoái vốn, nhưng hầu hết các ý kiến đều cho rằng, mắt xích quan trọng nhất phải nhắc tới là quá trình xác định giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp lên được phương án định giá nhưng vẫn không thể bán được cổ phần.

Thí dụ rõ ràng nhất là Tổng công ty CP Sông Hồng, rao bán năm lần bảy lượt nhưng nhà đầu tư không quan tâm. Theo kế hoạch, ngày 22/12 tới, Bộ Xây dựng sẽ bán đấu giá 100% cổ phần đang sở hữu tại Tổng công ty CP Sông Hồng (mã chứng khoán: SHG) với giá khởi điểm 10.500 đồng/cp, tương đương tổng giá trị đạt 139 tỷ đồng, gấp gần 5 lần thị giá cổ phiếu SHG đang giao dịch trên thị trường chứng khoán (2.500 đồng/cp). Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SHG đang giao dịch quanh vùng giá 2.500 đồng/cp, thấp hơn gần 5 lần so giá mà Bộ Xây dựng đưa ra và chỉ được giao dịch vào thứ sáu hằng tuần. Kết quả kinh doanh của Tổng công ty CP Sông Hồng cũng không mấy khả quan trong nhiều năm qua… Tất nhiên, Tổng công ty CP Sông Hồng không phải là trường hợp cá biệt của tình trạng “mãi không thoái được vốn”.

Nhìn vào hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong khoảng 10 năm trở lại đây, năm 2017 được đánh giá là thành công nhất cả về chất và lượng. Ngoài yếu tố khách quan từ thị trường, nhiều thương vụ thành công là đóng góp lớn từ nội tại doanh nghiệp và sự chuẩn bị trước thềm thoái vốn.

Như trường hợp của Sabeco, một năm trước khi thoái vốn, doanh nghiệp này đã đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Một tháng trước đấu giá, Sabeco cũng tổ chức giới thiệu cơ hội tìm kiếm nhà đầu tư (roadshow) tại hai thị trường tài chính lớn là Singapore và Anh, góp phần làm nên thành công trong phiên đấu giá lịch sử cuối năm 2017 của hãng bia này.

Do đó, bên cạnh những yếu tố khách quan dẫn đến sự thất bại của công tác cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua, cũng cần đặc biệt lưu ý tới những nguyên nhân chủ quan. Nội tại, DNNN do nhiều yếu tố cấu thành nên chậm đổi mới, chưa theo kịp và thích ứng với yêu cầu và bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, dẫn đến kém hấp dẫn với nhà đầu tư. Đặc biệt, vẫn còn tồn tại tư tưởng không muốn thoái vốn từ đơn vị sở hữu.