Muôn kiểu quảng cáo bánh Trung thu trên báo xưa

Trong thiên phóng sự tháng Tám “Sáng, Mê” đăng trên tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy năm 1949, nhà văn Vũ Bằng có thuật lại quang cảnh sau: “Từ đầu tháng, những hàng bánh Trung thu không còn thiếu một cách quảng cáo gì mà không đem ra dùng. Báo chí. Truyền thanh bươm bướm”. Các nhà buôn xưa đã hăm hở “quảng cáo”, “PR” cho nhãn hiệu bánh của mình.

Một số quảng cáo bánh Trung thu trên báo xưa.
Một số quảng cáo bánh Trung thu trên báo xưa.

Chở bánh bằng… máy bay!

Ngày nay chúng ta thường biết đến cụm từ “ngon - bổ - rẻ” trong truyền thông tiếp thị, nhưng ít ai biết, trước kia người ta đã nhuần nhuyễn cách quảng cáo này.

Trước hết, để tự quảng bá về độ ngon, chất lượng của bánh Trung thu, các hiệu bánh xưa đã dùng nhiều cách thức đánh vào tâm lý của người tiêu dùng. Trên báo Tia Sáng, số 653, ngày 16-9-1950, có đăng tin quảng cáo như sau: “Bánh trung thu Hiệu Tiên Xương, 91 phố Hàng Bạc, Hà Nội, các thứ bánh do thợ chuyên môn lâu năm rất tinh khiết. Được giải nhất cuộc thi bánh mứt tại Khai Trí Tiến Đức ngày 8 và 9-9-1935”. Có thể thấy, các giải thưởng, chứng nhận đã được các nhà buôn lấy làm tiêu chuẩn bảo đảm cho chất lượng, làm cho thực khách yên tâm, tin tưởng lựa chọn.

Đặc biệt, có một hiệu bánh ở Hải Phòng, đăng một quảng cáo thoạt nghe rất “kêu” và hút khách: “Bánh trung thu Thuận Lợi (số 73 Phố Khách, Hải Phòng) đã được vang tiếng khắp Bắc Kỳ, ai ăn qua đều khen ngợi là ngon”. (Báo Tia Sáng, số 653, ngày 16-9-1950).

Có nhà buôn lại chứng tỏ độ ngon, chất lượng của bánh qua hàng chục năm kinh nghiệm của hiệu mình như hiệu Đông Hưng Viên (số 90 Hàng Buồm, Hà Nội): “Bánh trung thu Đông Hưng Viên, một hiệu bánh từng đã nổi tiếng và tín nhiệm khắp 3 Kỳ ngoài 70 năm…” (Báo Thời sự, số 821, ngày 23-9-1949).

Lại có một quảng cáo rất ấn tượng về sự kỳ công của cửa hàng trong vận chuyển bánh Trung thu: “Hiệu bánh Tai Quynh Lam ở Chợ Lớn, Sài Gòn, nguyên liệu toàn thứ hảo hạng, thanh khiết và trong sạch. Ngày nào cũng có bánh mới chở bằng máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội và Hải Phòng để các ngài dùng” (Báo Tia Sáng, số 653, ngày 16-9-1950).

Còn riêng nhấn mạnh về giá rẻ, các hiệu bánh cũng tung ra rất nhiều nội dung hút khách. Như hiệu bánh ZILY (Quán Đô Thành, số 24 Lê Quý Đôn, Hà Nội) tuyên bố: “ZILY ngon có tiếng, nhất định rẻ hơn các hiệu khác” (Báo Tia Sáng, số 644, ngày 7-9-1950). Không kém cạnh, hiệu bánh Cửu ký đáp trả: “Bánh trung thu Cửu Ký (số 60 phố Huế, Hà Nội), thơm ngon rẻ tiền không đâu bằng” (Báo Tia Sáng, số 653, ngày 16-9-1950).

Tặng quà cho trẻ em, làm thơ quảng cáo… bánh Trung thu!

Ngoài những cách thường thấy của các hiệu bánh Trung thu xưa, một số nhà buôn đầu thế kỷ 20 lại có những “độc chiêu” hút khách, thông minh và tinh tế.

Nhằm thu hút thực khách đến với hiệu bánh của mình, hiệu bánh trung thu Tây Nam đã nghĩ ra một “độc chiêu” là tặng quà cho trẻ em: “Từ mồng 1 tới 12 tháng 8 ta, quý ngài mua từ 2 cân bánh trở lên. Bản hiệu sẽ xin biếu một quả bóng Nguyên tử ở bên Mỹ mới sang để làm quà cho trẻ em và tạ ơn quý ngài đã chiếu cố tới bản hiệu” (Báo Tia Sáng, số 1374, ngày 27-9-1952). 

Không chỉ có hiệu Đông Hưng Viên, hiệu bánh Chi Hưng (số 2b Hàng Đường, Hà Nội) cũng dùng chiêu tặng quà biếu cho thực khách: “Đặc biệt: Có quà biếu trong 10 hôm, từ mồng 1 đến mồng 10. Tùy theo số bánh của các ngài mua” (Báo Tia Sáng, số 650, ngày 13-9-1950).

Chưa hết, vẫn hiệu Đông Hưng Viên, còn nảy ra ý tưởng làm thơ quảng cáo bánh Trung thu, khi mà đọc thơ vẫn là thú vui của nhiều độc giả. Hơn nữa, quảng cáo bằng thơ ca có vần điệu, thường  dễ nghe, dễ nhớ lại dễ thuộc. Vậy là hàng loạt bài thơ quảng cáo ra đời: “Bánh dẻo, bánh nướng thơm ngon/Thủ đô nhất định không còn đâu hơn. Đông Hưng Viên Đại Tửu Gia…” (Báo Tia Sáng, số 1374, ngày 27-9-1952).

Rồi các nhà khác cũng đua nhau ra thơ quảng cáo bánh Trung thu: “Trung thu mua bánh hiệu nào?/Bánh ngon nhất chỉ tìm vào Tây Nam”(Báo Tia Sáng, số 1374, ngày 27-9-1952); “Bánh Trung thu hiệu Nhật Tân/Thủ đô nức tiếng xa gần đâu hơn?” (Báo Tia Sáng, số 1373, ngày 26-9-1952).

Đúng là muôn kiểu quảng cáo bánh Trung thu trên báo chí xưa. Kết lại câu chuyện, có thể dùng lời của một ký giả báo Phụ nữ Tân Văn viết năm 1933 đánh giá về một hiệu bánh: “Đó là tại Đức Thành Hưng (tên hiệu bánh) vụng quảng cáo; nếu không mối lợi ấy thì họ phát đạt hơn nhiều mới phải” (Báo Phụ nữ Tân Văn, số 220, ngày 12-10-1933).