"Mùa mới" của sân khấu thiếu nhi

Nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật trên cả nước đã chuẩn bị kịch mục đón mùa hè sôi động cùng khán giả thiếu nhi. Bên cạnh việc chỉnh lý các chương trình được dàn dựng từ trước, không ít đơn vị nghệ thuật đã đầu tư chương trình hoàn toàn mới. Sự xuất hiện của các đơn vị lần đầu tiên dàn dựng chương trình hướng đến khán giả nhí đem lại sức sống cho địa hạt nghệ thuật biểu diễn lý thú này.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở Hai viên ngọc thần. Nguồn: Nhà hát Kịch Hà Nội.
Cảnh trong vở Hai viên ngọc thần. Nguồn: Nhà hát Kịch Hà Nội.

Sức hấp dẫn từ những tác phẩm mới

Nhà hát Chèo Hà Nội đã khởi công vở Chuyện thằng Bờm (tác giả: NSƯT Tạ Tấn Minh; đạo diễn: NSƯT Lê Tuấn) từ đầu tháng 4/2023 để kịp ra mắt khán giả nhí vào đúng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Đây là tác phẩm thuộc chương trình Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030.

Nhà hát Kịch Hà Nội nổi tiếng với các tác phẩm sân khấu chính luận cũng đã kịp ra mắt khán giả nhỏ tuổi vở Hai viên ngọc thần hay còn gọi là Cổ tích dã tràng (tác giả: Nhật Linh; đạo diễn: NSND Tuấn Hải) với một suất diễn ra mắt tại rạp Công Nhân vào tối chủ nhật cuối cùng của tháng 5 này. Sân khấu tư nhân Lệ Ngọc đã chuẩn bị từ rất sớm để đón thời điểm vàng của sân khấu thiếu nhi bằng vở Đám cưới con gái chuột, đưa vào biểu diễn, phục vụ khán giả nhỏ tuổi từ đầu tháng 5/2023. Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Galaxy cũng đã có những bước chuẩn bị với chủ đề kịch mục, chương trình tạp kỹ hoàn toàn mới, tăng sức hấp dẫn khán giả nhỏ tuổi.

Năm nay, Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng cùng lúc hai vở diễn mới là Chú mèo dạy hải âu bay và Giấc mơ của Bờm. Việc thương lượng để mua bản quyền tác phẩm Chú mèo dạy hải âu bay của nhà văn Chile Luis Sepulveda đã được triển khai từ năm 2022. Giám đốc, NSƯT Sĩ Tiến cho biết, Nhà hát Tuổi Trẻ đã mua được bản quyền với mức giá khá "dễ chịu". Sau đó tác phẩm được đưa vào dàn dựng và tập luyện luôn với đội ngũ gồm các nghệ sĩ có kinh nghiệm. Tác phẩm được kỳ vọng sẽ đáp ứng thị hiếu của các khán giả nhỏ tuổi và mang thông điệp về việc giữ lời hứa, lòng quyết tâm vững tin không bỏ cuộc trước khó khăn, lòng can đảm và khát khao vươn tới bầu trời cao rộng…

Từ cuối năm 2022, TP Hồ Chí Minh có thêm một địa chỉ mới của kịch nghệ: sân khấu Trương Hùng Minh. Đơn vị này cũng đã nhanh chóng nhập cuộc với vở kịch chuyển thể từ cổ tích Cây tre trăm đốt, tiêu đề Bí mật trăm đốt tre, do diễn viên Huỳnh Lập là tác giả kịch bản kiêm đạo diễn. Cùng với địa chỉ mới này, một số sân khấu quen thuộc của trẻ em thành phố như IDECAF, sân khấu 5B vẫn duy trì đều đặn các suất diễn.

Thông điệp về tình người

Dù khác nhau ở thể loại, đề tài song có thể nhận thấy nội dung kịch bản nhiều chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi được chuyển thể từ các tác phẩm văn học dân gian hoặc kinh điển thế giới.

Theo NSND Lệ Ngọc-Giám đốc Sân khấu tư nhân Lệ Ngọc, việc chuyển thể tác phẩm văn học phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, trong đó chú trọng tác phẩm của Việt Nam, được sân khấu tư nhân của bà tập trung hơn cả, bởi cốt truyện sẵn mang thông điệp nhân văn rõ ràng, chứa đựng văn hóa, hồn cốt của từng dân tộc. Khi thêm một lần được chuyển thể lên sân khấu, các tác phẩm sân khấu như thế sẽ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ trẻ nhỏ. Đây cũng là một cách giáo dục tình yêu đất nước và quê hương với những tâm hồn thơ bé. "Người cầm bút và người làm ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật phải chọn trúng tác phẩm và định hướng đúng để nhân lên cái tốt, truyền tải các giá trị về văn hóa, dân tộc. Do vậy, các chương trình dàn dựng cho thiếu nhi cần có tầm nhìn, có cả cái tâm và cái tầm", NSND Lệ Ngọc nhấn mạnh.

Có một điều đáng mừng là lượng vé phát hành sớm của các chương trình nghệ thuật dành cho trẻ em năm nay đạt kết quả khá tốt. Nhiều chương trình được các cơ quan, đoàn thể, bậc phụ huynh đặt mua từ sớm. Hai vở diễn mới của Nhà hát Tuổi Trẻ hiện đã lên lịch cho hơn 20 suất diễn. Nhà hát chủ trương không tăng giá vé trong mùa hè năm nay nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các phụ huynh cho con tới rạp. Với kinh nghiệm dựng vở cho thiếu nhi ở nhà hát dành riêng cho thanh thiếu niên, theo NSƯT Sĩ Tiến, cái khó trong dựng vở cho thiếu nhi chính là đổi mới chính mình, không lặp lại cái cũ nhưng cũng không nên đi quá xa, quá mới mẻ tới mức con trẻ không nhận ra, không tiếp thu được thông điệp của vở.