Người viết cho rằng, nếu tính đúng, tính đủ tất cả chi phí và lợi ích, kể cả những chi phí và lợi ích ẩn, thì phát triển xanh có lợi hơn về kinh tế trong tầm nhìn dài hạn nếu lấy đồng bằng sông Cửu Long làm một thí dụ.
Phát triển xanh cần nhìn rộng hơn chỉ số GDP
GDP là chỉ số được sử dụng trên toàn thế giới để đo hoạt động kinh tế của một quốc gia. Nó là tổng giá trị thị trường của tất cả các sản phẩm, dịch vụ tạo ra trong biên giới quốc gia trong một năm. Thông thường chúng ta vui mừng khi nào đọc báo cáo thấy GDP tăng trưởng cao. Nó là một chỉ số cần thiết để đo hoạt động kinh tế mạnh hay yếu của quốc gia, nhưng nếu chỉ nhìn con số này thì rất phiến diện vì chúng ta không biết được để có GDP cao thì các vốn liếng khác của quốc gia có được bảo vệ, vun đắp hay bị mài mòn. GDP đo được sức mạnh của nền kinh tế tại thời điểm đo chứ không đo được sức khỏe tổng thể của một quốc gia về lâu dài, vì những vốn liếng nào chưa hoặc không qua thị trường thì không được đo! Không khí sạch để thở miễn phí, sông ngòi sạch để sử dụng nước miễn phí thì không thể hiện qua GDP nhưng chi phí xử lý không khí, xử lý nước thì có giá trị GDP.
Nhược điểm chính của GDP là khi có hoạt động kinh tế thì có tăng GDP, nhưng nó không phân biệt được hoạt động đó có đóng góp cho sự phát triển hay không. Thí dụ: Xây dựng đường sá tốt có thể không làm tăng GDP nhiều so với xây dựng đường sá kém chất lượng. Đường sá kém chất lượng, nhiều ổ gà, nhiều tai nạn giao thông thì xe bị mau hỏng sẽ giúp doanh số bán xe, sửa chữa xe tăng lên. Dùng sản phẩm rẻ tiền, mau hỏng thì người tiêu dùng sẽ phải chi tiêu thường xuyên để mua lại sản phẩm, để sửa chữa, vì thế hoạt động kinh tế sẽ nhộn nhịp hơn làm cho GDP tăng cao hơn so với hàng hóa tốt sử dụng lâu bền.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần phân biệt giữa tăng trưởng kinh tế và sự phát triển. Sự tăng trưởng kinh tế là chỉ nói về số lượng còn sự phát triển thực chất thì bao gồm tăng trưởng và cả khía cạnh chất lượng môi trường, chất lượng cuộc sống và sự bền vững của các nguồn vốn liếng khác của quốc gia.
Bài toán kinh tế quốc gia nếu chỉ dựa vào chỉ số GDP thì rõ ràng bị méo mó. Nếu chỉ nhắm đến tăng trưởng GDP mà làm mài mòn các vốn liếng khác của quốc gia thì ví như việc xây một tòa lâu đài mà lấy vật liệu nền móng để xây, kết quả là nhà thì cao nhưng nền móng thì rỗng bên dưới. Như vậy, để chuyển hướng sang phát triển xanh, cần có cách nhìn rộng hơn chỉ số GDP.
Trọng tâm cho việc chuyển dịch sang phát triển xanh
Ở đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất lúa thâm canh ba vụ mỗi năm thì GDP tăng cao nhờ xây dựng công trình, chi phí phân bón, thuốc trừ sâu. Nhưng những chi phí ẩn là ô nhiễm sông ngòi làm gia tăng sử dụng nước ngầm gây sụt lún đồng bằng. Nghiên cứu của Tiến sĩ Tống Yên Đan ở ĐH quốc gia Australia, năm 2016, đã chỉ ra rằng, ở châu thổ Cửu Long, canh tác lúa ba vụ mỗi năm trên một ha đất trong 15 năm nếu tính cả chi phí làm đê bao, chi phí mất phù sa, bạc màu đất đai, mất nguồn thủy sản tự nhiên thì xã hội bị lỗ 47,3 triệu đồng, tức là càng canh tác ba vụ thì quốc gia càng nghèo thêm. Thế nhưng, nếu đo GDP thì sẽ thấy vẫn tăng vì doanh số phân bón tăng, thuốc trừ sâu tăng. Mất nguồn thủy sản tự nhiên thì phải nuôi cá, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp và GDP càng tăng mạnh.
Các báo cáo kinh tế dựa trên chỉ số GDP thường có ba cột: cột một gồm nông, lâm, thủy sản; cột hai gồm xây dựng, công nghiệp; cột ba gồm dịch vụ. Nhưng đối với đồng bằng sông Cửu Long nếu nhìn sâu hơn thì chỉ có hai trụ cột kinh tế chính là nông nghiệp và thủy sản, các thứ khác đều xây trên hai trụ cột chính này. Theo đó, đối với đồng bằng sông Cửu Long, để đạt được mục tiêu về tăng trưởng xanh theo Quyết định số 1658, thì ngoài những định hướng chiến lược chung của quốc gia cho các ngành như năng lượng, nông nghiệp, giao thông, thì có ba lĩnh vực cần nhấn mạnh theo đặc thù của vùng này.
Về nông nghiệp, Quyết định số 1658 đã nêu rõ định hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Đây là một định hướng đúng đắn nhưng vì đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực nên sẽ có những lo ngại rằng đi theo hướng này có thể khiến tổng sản lượng nông nghiệp giảm và như vậy có bảo đảm an ninh lương thực quốc gia không? Tuy nhiên, an ninh lương thực cần phải hiểu là lâu dài, chứ không phải chỉ trong vài chục năm. An ninh lương thực không phải là sản lượng lúa gạo hay lượng lúa gạo xuất khẩu. Để bảo đảm an ninh lương thực lâu dài thì cần bảo vệ sức sản xuất của đất. An ninh lương thực, vì vậy, không nên đánh đồng với tối đa hóa sản lượng bằng mọi giá.
Để tạo thành một "bản nhạc giao hưởng" về tăng trưởng xanh thì về công nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long nên tập trung vào công nghiệp bổ trợ cho nông nghiệp như chế biến để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp thay vì chỉ tăng sản lượng. Trong Quy hoạch tích hợp đồng bằng sông Cửu Long đã đề ra tám cụm đầu mối nông nghiệp tương ứng các vùng sản phẩm chiến lược. Các cụm này đảm nhiệm các nhiệm vụ như thu gom, chế biến, tạo thương hiệu, logistics, tiếp thị, thương mại. Nếu được đầu tư tốt, các cụm đầu mối nông nghiệp này sẽ tăng cao giá trị nông sản theo hướng phát triển xanh.
Về xây dựng, trong bối cảnh cạn kiệt nguồn cát, nước biển dâng, và sụt lún đồng bằng, ngành xây dựng đồng bằng sông Cửu Long nên dịch chuyển theo hướng xây dựng xanh, tiết kiệm cát, sử dụng vật liệu và kết cấu nhẹ thay vì sử dụng bê-tông như cách từ trước tới nay.
Như vậy, nếu tính đúng, tính đủ thì phát triển xanh có lợi hơn về kinh tế, nếu kinh tế được hiểu theo nghĩa rộng hơn, bao gồm tất cả những giá trị "miễn phí" không có trong các báo cáo kinh tế như sông ngòi sạch, thông thoáng; không khí sạch; nước ngầm không cạn kiệt, đồng bằng không bị sụt lún. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, giảm tác động tiêu cực đến môi trường sẽ là một khởi đầu tốt cho hành trình bền vững hơn của sức khỏe tổng thể của kinh tế quốc gia.