Một tay mài tre đẽo cật

“Làm bàn ghế tre này, thích thú nhất là khi lắp ráp ra dáng một bộ ghế đều nhau, ngồi lên không chênh vênh, lỏng lẻo”, ông Chánh “một tay” mở đầu câu chuyện về gốc tre của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Bàn ghế gốc tre óng ánh sắc vàng.
Bàn ghế gốc tre óng ánh sắc vàng.

Bàn chân đỡ lấy cánh tay

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), ông Phan Văn Chánh (61 tuổi) quý trọng bờ tre quê hương hơn điều gì hết. Từ nhỏ, nhìn trong góc nhà toàn các dụng cụ nông nghiệp bằng tre, cậu bé Chánh khi đó chỉ nghĩ đơn giản, chắc nó dễ dùng cật tre trở thành cái nong, đôi thúng gánh lúa. Biết trong gia đình còn lưu giữ chiếc giường tre làm từ thời các cụ hơn trăm năm trước, ông Chánh càng nể sức bền của cây tre làng. Năm tháng thiếu niên của ông Chánh, từng cật tre đã mềm hơn sau khi qua đôi tay của ông. Tuy nhiên, uốn cật tre chỉ dễ khi ông Chánh còn đủ hai cánh tay. Một tai nạn trong khi đi làm công đã thay đổi cuộc đời của lão nông Chánh “một tay”.

“Sụp đổ, trước mắt chẳng biết làm chi để tự nuôi sống mình, rồi còn gia đình, vợ con nữa. Ngày tôi bị tai nạn mất cánh tay phải, tâm trạng khi đó rất rối bời. Con nhà nông nhưng chỉ còn một cánh tay sẽ rất khó làm ăn, chưa nói đến công việc nặng”, ông Chánh nhớ lại. Một thời gian dài như rơi vào hố sâu, chính hình ảnh bụi tre trước nhà cứ bị nước lụt xô ngã rồi đứng lên, thợ tre Phan Văn Chánh quyết tâm xây lại tương lai cho mình. Nhìn thấy gốc tre bị bật lên nằm trơ trọi lấm lem bùn đất, rễ con mọc xù xì, trí sáng tạo đột nhiên lóe lên trong đầu ông Chánh. Vẽ ngay lại hình dung về một món đồ gì đó ra giấy, sau cùng, chiếc ghế tựa lưng từ gốc tre mang dấu ấn ông Chánh “một tay” ra đời.

Làm việc trong xưởng tre, hết loay hoay bên bàn khoan lỗ, cánh tay trái của ông Chánh gồng lên xách nửa thân ghế nặng cỡ 20 kg qua bàn máy mài. Một chân đứng trụ, chân kia đè lên bàn máy mài. Cứ thế, bàn chân phải của ông Chánh gánh thêm trọng trách ghì giữ gốc tre. Với người khác, đôi tay giữ một vật trước lực xoay của máy mài công suất lớn khó một thì đối với ông Chánh sẽ khó gấp 10 lần.

Chỉ vào thùng đồ nghề có mấy chục loại mũi khoan, ông bảo rằng chính những mũi khoan đó là công cụ quan trọng nhất. Vì chỉ còn một tay, dùi cui phải gõ lên đầu mũi đục mấy chục nhát liên hồi mới đẽo xong một ống tre. Mặc dù tốc độ làm việc chậm nhưng tất cả bộ phận của bàn ghế đều được kết nối cứng cáp với nhau.

Rất khó để làm nên một sản phẩm thủ công rồi bán ra thị trường, vậy nhưng ông Chánh lại nghĩ khác. Ông không nhận trước tiền cọc từ khách, thay vào đó là say mê làm việc đến khi sản phẩm hoàn chỉnh, vừa ý nhất mới giao cho khách hàng các nơi. Nhìn bộ bàn ghế mầu vàng óng ánh gồm sáu chiếc ghế lớn, hai chiếc bàn và hai ghế đôn, không ai biết cái nhọc của người thợ đi tìm gốc tre.

Dọc triền sông Thu Bồn chảy qua xã Đại Thạnh, tre mọc sát mép nước nhiều vô kể. Tuy nhiên, chẳng có gốc bụi tre nào đạt chuẩn để làm bàn ghế. “Gốc tre mọc sát dòng nước thường mềm, dễ bị mối mọt cắn phá. Tìm đúng loại vật liệu như là thấy chiêm bao (rất khó). Phải vào khu giữa làng mới có”, ông Chánh phân trần. Đi quanh xã, nhà nào có bụi tre lâu năm, gốc cứng chắc thì đều có dấu bước chân ông Chánh ở đó. Trung bình một bụi tre sẽ có phần gốc đủ để làm vài ba bộ bàn ghế.

Tìm tre đâu chỉ nhìn, xem. Phải cắt, khoan thử nhằm kiểm tra vòng đời bộ gốc tre. Theo đó, gốc tre từ 5 năm tuổi trở lên mới đạt tiêu chuẩn làm bàn ghế. Vì cây tre có đặc điểm phần đọt măng to đến mức độ nào thì gốc tre cũng to tương tự. Chỉ khác ở chỗ, thêm một vài năm, gốc tre càng cứng cáp, chắc khỏe.

Một tay mài tre đẽo cật ảnh 1

Ông Phan Văn Chánh chế tác bàn ghế gốc tre.

Phận tre đổi thay phận người

Từ xa xưa, đa phần người thợ đan tre chỉ dùng phần thân của tre. Bộ gốc nằm dưới mặt đất vô tình bị quên lãng. Chính phần đó sẽ rất cứng chắc, bền bỉ theo tháng năm. 12 năm gắn bó với gốc tre quê hương, ông Chánh đã thay đổi “số phận” cho gốc tre và cả số phận của bản thân mình. Cái duyên đó thêm phần thú vị mỗi khi thu gom gốc tre về xưởng, ông lại ngồi cả mấy ngày phân chia kích thước vật liệu. “Chở một xe gốc tre về sân, sắp quanh rồi lựa lớn nhỏ đi riêng. Thiếu một gốc thôi cũng phải tìm cho bằng được. Một quy luật khi làm ghế là gốc này bật qua bên trái, gốc kia sẽ bật qua phải mới tương xứng. Tìm xong 12 gốc tre cho một ghế, trong đầu tôi mới thoải mái được. Khoái nhất là vậy”, ông Chánh hào hứng.

Phân loại xong gốc tre là đã đi được bảy phần việc cần phải làm. Ba phần còn lại là công đoạn khoan cắt, lắp ráp, đánh bóng… Tất cả được làm trong thời gian hai tháng ròng rã. Gốc tre nhỏ đi theo một bộ ghế thông thường, gốc lớn dành riêng cho những khách hàng có nhu cầu đặc biệt. Do đó, giá thành bán ra một bộ bàn ghế tre trải từ 40 triệu đến 60 triệu đồng, cá biệt có bộ giá 80 triệu đồng (bộ bàn ghế cỡ đại).

Tính cách làm gì cũng phải kỹ lưỡng, ông Chánh cho gốc tre vào nước ao ngâm trong ba tháng rồi vớt lên phơi giữa nắng gió cả năm trời. Ông cho rằng, nếu trong thử nghiệm khắc nghiệt như vậy mà gốc tre không bị mối mọt, nứt vỡ thì đó đúng là thứ nguyên liệu cần tìm. Làm bàn ghế bán cho khách sử dụng cũng như chính bản thân người thợ sẽ ngồi, trải nghiệm. Khác với những chất liệu khác, bàn ghế từ gốc tre rất nặng nề. Một khi đã lắp các mảnh ghép vào nhau, vĩnh viễn không tháo ra được nữa. “Điểm nhận dạng gốc tre được phơi kỹ là khi hoàn thiện, bề mặt bàn ghế không có dấu thâm lốm đốm, vốn là do rễ con hiện lên. Qua nắng gió hong khô, độ ẩm trong gốc mất đi, không còn dấu thâm đó nữa”, ông Chánh nói.

Dù với một cánh tay, phải điều khiển nhiều máy móc phức tạp, thô cứng, ông Chánh luôn tìm ra cách thư giãn cho mình. Mỗi ngày, nhìn vào hai chiếc ghế đôn, ông Chánh liên tưởng ra như hai con sứa gốc tre, rất độc đáo. Ghế đôn được hoàn thiện sau cuối, kích thước mặt ghế khoảng 40x40cm, cao chừng 50cm, bốn chân cong tròn tựa phần tua của loài sứa biển. Cũng nhờ trí tưởng tượng đó mà suốt 12 năm qua, chỉ với một bản vẽ ngày đầu tiên, hàng chục bộ bàn với cả trăm chiếc ghế sau khi qua bàn tay trái của ông Phan Văn Chánh luôn đều như in.

Tìm ra lối đi làm kinh tế hiệu quả từ gốc tre, ông Chánh mong muốn tìm được lớp thợ giỏi nghề để tiếp tục con đường làm đồ mỹ nghệ độc đáo này. Dẫu vậy, suốt nhiều năm tìm kiếm vẫn chưa có thợ thủ công nào theo đuổi được gốc tre. Bởi vượt qua thử thách đơn giản nhất ông đưa ra là cho sẵn một hình mẫu chiếc ghế, người thợ tự đi đến vườn nhà người dân tìm đúng gốc tre có hình dáng đó đã là rất khó. “Sở dĩ tìm gốc tre sau Tết là bởi trong thời gian này, gốc tre cho ra mầu đỏ sẫm, khi mang về chế tác bàn ghế sẽ đẹp mắt nhất”.

“Khó chịu! Chế tác ra bàn ghế từ vật liệu gốc tre phải nói như vậy. Bản thân tôi khi làm có muốn uốn cho nó cong cũng không được. Gốc tre sống trong đất đai tự nhiên thế nào thì cả đời nó vẫn như vậy. Cái hay của gốc tre là mình càng ngồi trên nó lâu thì bề mặt nó thêm bóng bẩy, óng ánh. Tính chất bền bỉ với thời gian đằng sau hình ảnh bụi tre là động lực cho bản thân tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn, biến cố của mình. Ngày xưa chưa có máy móc, ông cha mình đục tre tươi rồi mới ngâm mà lại không hiệu quả. Giờ có thiết bị khoan cắt dễ dàng, tôi cho ngâm trước là vậy. Nếu sau thời điểm bị tai nạn mà không rẽ lối sang làm bàn ghế từ tre, tôi nghĩ cuộc sống hiện tại của mình sẽ không thể dễ dàng được đâu”, ông Phan Văn Chánh tâm sự.