Một tầm cao mới

Tối 17/5, SEA Games 32 đã bế mạc trên sân Morodok Techo (Pnom Penh, Campuchia). Sau 11 ngày tranh tài, thể thao Việt Nam (TTVN) đã thể hiện vị thế mới khi đứng nhất toàn đoàn với 136 Huy chương vàng (HCV).
0:00 / 0:00
0:00
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vô địch SEA Games 4 lần liên tiếp.
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vô địch SEA Games 4 lần liên tiếp.

Vượt chỉ tiêu ban đầu

“Đoàn TTVN thành công về mặt kết quả. Chúng ta vượt trội đoàn xếp thứ hai là Thailand”, trưởng đoàn Đặng Việt Hà không giấu được sự hài lòng khi kết thúc cuộc tranh tài ở SEA Games 32. Xét về mặt thành tích, TTVN đã vượt xa chỉ tiêu ban đầu (90-120 HCV), khi xếp nhất toàn đoàn với 136 HCV. Thailand được xem là cường quốc khu vực Đông Nam Á, đứng sau với ít hơn 28 HCV.

Có rất nhiều môn thế mạnh của TTVN không được đưa vào đại hội, bao gồm cả nội dung Olympic như bắn cung, bắn súng. Nhiều môn võ quốc tế nổi bật ở Thế vận hội mùa hè như judo, karate cũng không thi đấu toàn bộ nội dung. Vì vậy, có thể thấy kết quả thu về là sự tiến bộ vượt bậc của các vận động viên (VĐV) Việt Nam.

Đây là lần thứ ba trong lịch sử Việt Nam nhất toàn đoàn. Tuy vậy, cả hai lần trước đều là kết quả trên sân nhà, gồm SEA Games 22 (158 HCV) và SEA Games 21 (205). Lần này diễn ra trên sân khách, một yếu tố quan trọng để đánh giá thành tích. Có một điểm đáng chú ý: TTVN chưa bao giờ chạm đến cột mốc 100 HCV mỗi khi thi đấu nơi đất khách.

Trong quá khứ, TTVN chọn con đường “đi tắt đón đầu”, nhưng hiện tại đã thay đổi. Các môn quốc tế và Olympic được ưu tiên, với sự đầu tư dài hạn. Điều này thể hiện qua 12 HCV điền kinh, trong bối cảnh “nữ hoàng tốc độ” Lê Tú Chinh không dự các nội dung cá nhân vì chưa hồi phục 100% sau phẫu thuật. Nguyễn Thị Oanh dẫn đầu với 4 HCV các nội dung cá nhân (1.500m, 5.000m, 10.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật). Oanh đã có 12 HCV trong sự nghiệp dự SEA Games, chỉ kém 1 HCV so với kỷ lục thuộc về Nguyễn Thị Huyền - người có 3 HCV (400m vượt rào, 4 x 400m tiếp sức, 4 x 400m tiếp sức hỗn hợp).

Bơi lội Việt Nam có 7 HCV, chỉ sau Singapore đạt đẳng cấp thế giới (22). Cô gái 14 tuổi Nguyễn Thúy Hiền với HCĐ nội dung 100m tự do nữ hứa hẹn tương lai tươi sáng cho TTVN. Giống như điền kinh, bơi lội là một trong những môn định giá sức mạnh của các đoàn.

Ấn tượng không kém là Nguyễn Quốc Toàn, chàng trai sinh năm 2002 phá ba kỷ lục SEA Games khi giành HCV cử tạ hạng cân 89kg. Đây là một tin vui khác, khi cử tạ cũng nằm trong nhóm nội dung nổi bật của Olympic.

Chiến tích vang dội ở SEA Games 32 là bước chuẩn bị quan trọng cho Asian Games 2022 hay xa hơn là Olympic Paris 2024.

Một tầm cao mới ảnh 1

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vô địch SEA Games 4 lần liên tiếp.

Sức mạnh bóng đá nữ

Tối 16/5, một ngày trước lễ bế mạc, đội tuyển nữ Việt Nam đã có mặt tại Hà Nội với sự chào đón nồng nhiệt của người hâm mộ. Thầy trò HLV Mai Đức Chung rời Phnom Penh với kỳ tích: lần thứ tư liên tiếp giành HCV môn bóng đá nữ.

SEA Games 32 không phải ưu tiên của HLV Mai Đức Chung. Giải đấu là sự thử nghiệm và trao cơ hội cho một số cô gái trẻ, nổi bật là Vũ Thị Hoa mới 19 tuổi. Đây là một bước đệm trước ngày sang New Zealand và Australia để tham dự World Cup. Chiếc HCV là sự khẳng định đội nữ Việt Nam đã bước lên đẳng cấp châu lục, có tính cạnh tranh cao và sự kế thừa trong đội hình. Những Thanh Nhã (21 tuổi), Vạn Sự (22) và Hải Linh (22) thể hiện phẩm chất của thủ lĩnh trong tương lai, từng bước kế thừa Huỳnh Như hay Tuyết Dung.

Đội nữ Việt Nam dự SEA Games lần đầu tiên vào năm 1997, giành HCĐ. Kỳ tiếp theo, năm 2001, khởi đầu chuỗi 10 sự kiện liên tiếp các cô gái vàng vào đến chung kết. Trong 10 trận chung kết, Việt Nam thắng 8 và chỉ thua 2. Đây cũng là kỷ lục về HLV bóng đá nữ SEA Games. HLV Mai Đức Chung có mặt 6 trong 8 lần đăng quang này (2003, 2005, 2017, 2019, 2021, 2023), Steve Darby (2001) và Chen Yun Fa (2009) gắn với hai chiến thắng còn lại.

Tổng cục Thể dục-Thể thao đang xem xét đề xuất trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho vị HLV sinh năm 1951. Không chỉ đội nữ, HLV Mai Đức Chung để lại di sản lớn cho bóng đá Việt Nam.

Một tầm cao mới ảnh 2