Một khảo cứu lịch sử và hệ âm luật ả đào (Kỳ 1)

LTS: Công trình ròng rã 9 năm “Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” (NXB Văn học và Omega Plus) đang được dư luận và giới nghề chú ý về sự công phu trong lao động nghề nghiệp. Đặc biệt là những phát hiện, phân tích làm sáng thêm những lý do để ca trù được xác định là thể loại âm nhạc điêu luyện, tinh tế và “hiểm hóc” bậc nhất trong kho tàng nghệ thuật dân tộc. Thời Nay xin được giới thiệu bài viết của tác giả Bùi Trọng Hiền, giúp bạn đọc phần nào cảm nhận về góc nhìn và phương pháp làm việc của một nhà nghiên cứu tâm huyết.
0:00 / 0:00
0:00
Tọa đàm ra mắt sách ngày 6/4 tại Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Ảnh: QUANG HƯNG
Tọa đàm ra mắt sách ngày 6/4 tại Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Ảnh: QUANG HƯNG

Kỳ 1: Lo đàn hát không có phách, không đúng khuôn khổ

Chúng ta đang cố gắng xây dựng một nền công nghiệp văn hóa. Vậy hãy cùng ngược dòng lịch sử để xem cha ông ta đã biết cách thương mại hóa một nghệ thuật âm nhạc đỉnh cao như thế nào.

1/Ngày 1/10/2009, UNESCO chính thức ghi danh nghệ thuật ca trù của Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn khẩn cấp. Không mấy ai biết rằng, ca trù vốn có tên ả đào, cô đầu, hát ca công, hát nhà tơ… Còn trong cung vua, phủ chúa danh giá thời xưa, nó được gọi là hát cửa quyền. Điều này có những nguyên do của lịch sử.

Bấy lâu nay, nói đến ca trù, dư luận xã hội thường nghĩ ngay đến “nhà hát cô đầu” cùng những thú ăn chơi mà người ta mặc định là “sa đọa, trụy lạc” - tàn dư của chế độ thực dân phong kiến thời đầu thế kỷ 20. Rất ít ai biết được rằng trong nền âm nhạc dân tộc, ả đào là thể loại ở tầng bậc kỹ thuật cao với hệ âm luật phức tạp nhất. Ngược dòng lịch sử, từ nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, ả đào là một thể loại cổ nhạc chuyên nghiệp, bao phủ khắp các vùng từ miền bắc trở vào cho đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Sang nửa sau thế kỷ 20, khi lịch sử sang trang, cuộc chơi nghệ thuật nghìn năm tuổi chấm dứt. Khắp các vùng miền, giáo phường ả đào giải tán, nhà hát cô đầu chốn thị thành buộc phải đóng cửa, đào kép mai danh ẩn tích, khuất dần theo bóng xế chiều. Và, ả đào biến mất hoàn toàn khỏi đời sống xã hội. Ở Hà Nội chỉ còn vài bậc danh ca, danh cầm thi thoảng mới tiếp tục cuộc chơi “khép kín” tại tư gia của một số văn sĩ danh tiếng - những người có khả năng bảo trợ đào kép. Mất hẳn môi trường làm nghề, hệ giá trị nghệ thuật của ả đào cũng vì thế mai một, nhạt nhòa dần theo thời gian.

2/Trong các loại hình âm nhạc cổ truyền, ca trù là thể loại rất ít xuất hiện trên các phương tiện nghe nhìn, truyền thông ở nửa cuối thế kỷ 20. Công chúng Việt Nam khi đó thường chỉ biết đến chèo, quan họ, cải lương, ca Huế hay hát chầu văn… Tháng 4/1976, GS, TS Trần Văn Khê về Việt Nam thu âm giọng hát bà Quách Thị Hồ để UNESCO in đĩa nhựa 33 vòng và phát hành. Năm 1983, bài “Tỳ bà hành” trong đĩa hát được bình chọn là 1 trong 9 tiết mục xuất sắc nhất ở Diễn đàn âm nhạc châu Á tại Bình Nhưỡng (Triều Triên). Việt Nam ngay sau đó đã phong tặng bà danh hiệu NSND. Năm 1994, NXB Âm nhạc - Dihavina đã phát hành băng nhạc tôn vinh giọng ca của bà với nhan đề “Thề non nước”.

Trên các phương tiện truyền thông, ta đều thấy rằng, sau khi được UNESCO công nhận danh hiệu di sản thế giới, ca trù đã được nhắc đến nhiều hơn. Trong cả nước bắt đầu các hoạt động sôi nổi, với những cuộc liên hoan của nhiều CLB Ca trù trên mười mấy tỉnh, thành phố. Xem ra ca trù đã được bảo tồn, như lời khuyến nghị “cần bảo vệ khẩn cấp” của UNESCO. Thế nhưng, trong giới những nghệ nhân cao tuổi cuối cùng của loại hình, vẫn thấy lan truyền câu chuyện than phiền, rằng đào kép trẻ theo ca trù hiện nay phần lớn đều “đàn hát không có phách, không đúng khuôn khổ”. Điều này dẫn đến một thực tế là nếu các nghệ nhân nhà nghề nói đúng thì hiện trạng của ca trù thế hệ tiếp nối quả là đáng báo động. Có nghĩa, giới trẻ kế thừa đã và đang đàn hát sai hoàn toàn so với chuẩn mực của ca trù trong cổ truyền.

Vậy thế nào là chuẩn mực cổ điển của ca trù? Liệu có cách nào giải quyết vấn đề này?

3/Nhìn lại tàng thư nghiên cứu ca trù, các tác giả phần lớn đều tiếp cận đối tượng dưới góc độ lịch sử, văn học hay khảo cứu tư liệu Hán nôm. Theo đó, âm nhạc ca trù mới chỉ dừng lại ở việc gọi tên danh mục bài bản, mô tả sơ lược hay duy danh các yếu tố âm nhạc… Nhìn chung, các vấn đề nghiên cứu chuyên sâu về âm luật vẫn còn bỏ ngỏ. Nhìn tổng quan vào khối tư liệu, sẽ thấy có khá nhiều mâu thuẫn, mỗi sách nói một kiểu. Thí dụ về khổ đàn, khổ phách ca trù, các tài liệu chỉ viết chung chung, sách thì nói có 4 khổ, sách thì nói có 5 khổ… và không giải thích gì thêm. Hay về bài bản - làn điệu, có sách nói ca trù có hơn 40 bài, có sách thì “thống kê” trong tư liệu Hán nôm ra tới ngót 100 bài…

Tóm lại, bước sang thế kỷ 21, hệ thống tư liệu và trình độ của đào kép ca trù thế hệ mới là một thực trạng tồn đọng, khiến những người yêu mến muốn tìm hiểu, học hỏi không biết được đâu là đúng - sai, hay - dở như thế nào.

(Còn nữa)