Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Thổi hồn dân gian vào sáng tạo kiến trúc

Kiến trúc sư Lê Lương Ngọc (sinh năm 1975) vừa kế thừa sự nhạy bén từ gia đình, vừa tự mình tìm tòi, học hỏi những kinh nghiệm truyền thống, tạo ra ngôn ngữ kiến trúc đương đại có bản sắc.
0:00 / 0:00
0:00
Cụm ba nhà tại Hội An của KTS Lê Lương Ngọc.
Cụm ba nhà tại Hội An của KTS Lê Lương Ngọc.

1/Văn phòng kiến trúc V - Architecture của KTS Lê Lương Ngọc ở trên chính mảnh đất quê nhà -Long Biên, Hà Nội. Công trình có tên Nhà Gi mà theo anh chia sẻ, đó là chữ viết tắt các từ: Giậu-Giại-Giàn, 3 thành tố luôn tồn tại trong nhà truyền thống của người Việt.

Căn nhà có lớp bao che ở hướng tây và tây bắc khá đặc biệt, là những cành tre khô đan cài, tạo thành một mặt tiền, cho cây cối mọc chung quanh. Thoạt nhìn, bất cứ ai cũng có thể nghĩ vui, ngôi nhà trông giống như “chuồng gà” cỡ lớn, đúng với tâm ý của Lê Lương Ngọc khi tạo ra một không gian làm việc, đồng thời cũng là nơi ở của những người thân trong gia đình khi chuyển từ phố về quê. “Mặc dù là ở nhà tầng nhưng tôi mong muốn mọi người vẫn có thể tương tác với nhau qua những khoảng không gian hở, thoáng. Người già có thể cảm nhận được thiên nhiên - gió, cảm nhận được mùi qua các tầng khi nấu nướng, có thể gọi nhau, cảm nhận được âm thanh đường phố... Những điều đó làm cho mối quan hệ cá nhân giữa các tầng được gắn kết với nhau”, Lê Lương Ngọc nói.

2/Những tấm giại, liếp tre nứa trong ngôi nhà truyền thống của người Việt đã gần như không còn nữa và được thay thế bởi vật liệu chắn nắng hiện đại như nhựa, nhôm, thép… Trong những công trình kiến trúc, Lê Lương Ngọc đã trở lại với tre, với cót ép, để những ngôi nhà trở nên thân thuộc mà vẫn giữ được công năng vốn có. Nhà áo tơi ở Quảng Nam ra đời từ ấn tượng hình ảnh chiếc áo tơi xưa kia người nông dân thường mặc để che mưa, chắn nắng, giữ ấm khi làm đồng hoặc đi ra ngoài. KTS Lê Lương Ngọc đã tìm kiếm tại vùng đất Quảng Nam những ngôn ngữ bản địa cho công trình của mình. Anh đã tạo nên một ngôi nhà có hai lớp mái: một lớp mái bên dưới bằng tre và đất, mái bên trên bằng chính loại lá quen thuộc của địa phương (lá mái).

“Về cơ bản, người thiết kế cần hiểu được khí hậu của mỗi vùng, miền. Thêm nữa, nếu mình có những nghiên cứu, hiểu biết về vật liệu thì dần dần công việc sẽ dễ hơn. Ví dụ như ngói vẩy cá ngày xưa được các cụ nung bằng rơm, vì thế những viên ngói thường non, không chín quá và thường lên rêu rất nhanh. Chúng ta cứ tưởng rêu đó là thừa nhưng thực ra nó giữ cho ngói không trượt, lâu lâu mới phải đảo. Còn với ngói nung lò điện hiện nay thì phải dùng thêm vữa xi-măng, nếu không sẽ bị trượt. Nhưng với ngói dùng thêm vữa xi-măng thì nó không “thở” được. Trong khi đó ngói kia được ngậm hơi ẩm, trời nắng nước sẽ bốc hơi làm cho mái nhà mát hơn. Rêu cũng giữ hơi ẩm trên mái. Vào buổi tối, mái ngói mà chúng ta đổ lớp bê-tông đâu có giải nhiệt được vào buổi tối và ngôi nhà vẫn nóng nguyên”, KTS Lê Lương Ngọc nói.

Trong bối cảnh bê-tông hóa một cách ồ ạt, khi tìm hiểu những kinh nghiệm xây dựng của cha ông mới thấy phải chăng chúng ta đang đi quá nhanh, tưởng chừng như đã cập nhật những điều cho là “hiện đại”, nhưng nhìn lại bỗng thấy mất đi quá nhiều. Còn với Lê Lương Ngọc, anh quan niệm rằng: Kiến trúc là phương tiện để tâm hồn con người đồng điệu với vạn vật chung quanh, từ đó thể hiện sự mộc mạc, chan hòa nhưng vẫn mang nét hiện đại, tinh tế, đòi hỏi một quá trình học hỏi, đào sâu văn hóa truyền thống. KTS Lê Anh Tuấn, một người bạn thân thiết của anh cho rằng: “Nỗ lực của Lương Ngọc là việc đào sâu tìm hiểu văn hóa trước sau đó mới kết nối với kỹ thuật được lưu lại trong ngạch xây dựng. Thứ nữa, phải tâm huyết mới làm được, đó là các ghi chép của cha ông ta truyền lại qua các người thợ, nghệ nhân. Việc tìm lại và làm việc với họ đòi hỏi nhiều nỗ lực: tìm tòi, kiểm chứng, ứng dụng. Điều đó đòi hỏi người đó phải có góc nhìn văn hóa khá logic vì kiến trúc không phải chỉ là khai thác bên ngoài mà còn là chiều sâu bên trong liên quan đến đời sống con người”.

3/Lê Lương Ngọc thường đặt cho những công trình của mình những cái tên thân thuộc, gắn với vật liệu chủ đạo anh sử dụng, cũng có thể gắn với tên người, tên nơi chốn như: Nhà Gi, Nhà mẹt, Nhà áo tơi, Nhà Truyền… Anh cũng có những công trình với mong muốn mọi người được cảm nhận, ngắm nhìn thiên nhiên theo cách của mình, để nghe mưa, nghe gió và nghe những thanh âm quen thuộc của nước khiến cho lòng ta tĩnh tại… Những công trình kiến trúc của Lê Lương Ngọc gần gũi, thân thuộc, vừa hiện đại nhưng vẫn thấp thoáng bóng hình quá khứ. Tuy vậy, học hỏi kinh nghiệm của người xưa để sử dụng trong điều kiện hiện nay, với những phong cách mới, xu hướng mới… không phải là câu chuyện dễ dàng, đòi hỏi sự đồng lòng của nhiều bên, khi hiểu được những giá trị truyền thống.

Theo TS, KTS Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, những tâm tư, trăn trở ấy của KTS Lê Lương Ngọc như một quá trình nén và nở, thông qua các công trình có chiều sâu và tinh tế. “Ngọc vẽ từ tốn, như là tự sự, tâm sự. Ngọc làm mới nhưng không lạ, ra đi từ gốc rễ. Chúng ta hay nói đến những từ như nơi chốn, không gian, qua hình thức, qua cách xử lý không gian nhỏ nhưng kỹ, không ồn ào, chát chúa, không đối kháng với công trình xây dựng, tận dụng cao nhất những gì đang có ở địa điểm mình xây cất để đưa ra phương án phù hợp”, KTS Ngô Doãn Đức nói.

Anh và các cộng sự của mình đang hoàn thiện công trình “Lều pha lê”- gần hồ Ban Tiện, cách bãi rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) không xa. Đây là một điểm nóng về ô nhiễm môi trường do tình trạng tập kết rác quá tải từ trung tâm thành phố. Công trình được xây dựng từ những vật liệu quen thuộc của địa phương và một phần tận dụng phế liệu như chai thủy tinh, túi nylon từ bãi rác Nam Sơn.