Thực tế, quà tặng du lịch đã từng được những người làm du lịch quan tâm, xới xáo với nhiều nỗ lực và cách làm, trong đó, có phần học hỏi từ cách làm du lịch thành công của các quốc gia láng giềng từ nhiều năm trước. Vậy nhưng, có một điều khó lý giải, là sau khi tạo nên một số sản phẩm du lịch có dấu ấn, thì việc tiếp nối, nâng tầm cho những sản phẩm đó lại bị đứt quãng. Hoặc, rất nhanh chóng, những sản phẩm du lịch thu hút sự quan tâm của du khách sẽ được nhân bản và bày bán ở hầu hết các địa điểm du lịch nổi tiếng khác của đất nước, với không nhiều câu chuyện thật sự mang dấu ấn văn hóa bản địa. Cũng bởi vậy, sau những thích thú ban đầu, các sản phẩm quà tặng du lịch của Việt Nam chưa thật sự tạo ấn tượng đặc biệt đối với du khách, nhất là du khách quốc tế. Điều nữa, độ bền và khả năng vận chuyển trong những quãng đường dài vẫn là điểm yếu của nhiều sản phẩm quà tặng du lịch nội địa.
Quá chú trọng mẫu mã mà thiếu đi những bổ sung hàm lượng văn hóa, gắn kết với những sắc mầu văn hóa xứ sở... đang là khuyết thiếu của hệ thống sản phẩm quà tặng du lịch Việt. Thêm nữa, ngay chính những người kinh doanh sản phẩm quà tặng cũng chưa thật chú trọng, ý thức rõ về việc bảo vệ bản sắc văn hóa trong kinh doanh du lịch, nên thường bày bán bất cứ sản phẩm nào thu hút sự chú ý của du khách, kể cả sản phẩm quà tặng du lịch của quốc gia khác. Điều đó rất dễ tạo nên những ngộ nhận văn hóa, và làm nhòa dấu ấn Việt trong cảm nhận của du khách.
Bên cạnh những nỗ lực của các địa phương, như cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch Nha Trang - Khánh Hòa năm 2023, thiết nghĩ, ngành du lịch cần giữ vai trò nhạc trưởng, huy động sức sáng tạo của nhà thiết kế gắn kết cùng những người làm văn hóa để tạo nên những sản phẩm quà tặng độc đáo, hàm chứa những câu chuyện đậm sắc mầu văn hóa xứ sở Việt Nam, ngắn gọn mà sâu sắc. Theo chân du khách, những món quà đó sẽ lan tỏa sức hấp dẫn của đất nước, văn hóa Việt, góp phần mời gọi du khách đến với Việt Nam.