Nhiều đường dây mua bán vũ khí
Đầu tháng 11 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy mô rất lớn trên địa bàn. Cơ quan Công an cũng đã tạm giữ bốn đối tượng liên quan. Theo thông tin ban đầu, thông qua các nguồn tin và biện pháp nghiệp vụ, Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện đường dây này. Từ đó, Ban giám đốc đã chỉ đạo và giao Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Công an TP Thủ Đức, quận 12, quận Gò Vấp điều tra.
Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, tài liệu, các lực lượng phối hợp đã phục kích bắt giữ nhóm đối tượng trên; đồng thời thu giữ lượng tang vật khá lớn, gồm: Gần 150 súng các loại, 250 viên đạn, hơn 4.000 dao, kiếm... Kết quả điều tra Công an TP Hồ Chí Minh xác định, các đối tượng đã sử dụng mạng xã hội làm phương tiện quảng cáo, tìm kiếm khách. Khi khách có nhu cầu mua, các đối tượng sẽ yêu cầu thanh toán tiền đặt cọc qua tài khoản ngân hàng. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, ứng dụng giao hàng để chuyển hàng đến tay người mua. Số tiền còn lại người mua sẽ thanh toán chuyển khoản sau khi nhận được hàng.
Việc triệt phá đường dây kể trên khiến nhiều người liên tưởng tới vụ án gây bàng hoàng dư luận xảy ra vào cuối tháng 10 tại địa bàn TP Thủ Đức. Theo đó, do thường xuyên bị cha chửi mắng, Huỳnh Nguyễn Quan Thảo (20 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) đã đặt mua một khẩu súng bắn đạn bi sắt trên mạng rồi dùng làm phương tiện bắn cha ruột của mình gây thương tích nặng… Hành vi của Thảo cho thấy việc đặt mua súng bắn đạn bi qua mạng khá dễ dàng.
Một vụ việc khác diễn ra trên địa bàn quận Tân Bình. Qua công tác nghiệp vụ, đêm 4/11, Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Tân Bình đã phát hiện đối tượng đi xe gắn máy mang theo một hộp có chứa hai roi điện, ba gậy tam khúc, hai bình xịt hơi cay tại khu vực gần Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tại cơ quan Công an, đối tượng khai tên là N.T.B.N (29 tuổi, thường trú quận Tân Phú; tạm trú Bình Dương), đã nhận số vũ khí này từ Nguyễn Anh Vũ (29 tuổi, quê Tây Ninh; hiện ở Thuận An, Bình Dương) và đang đi giao hàng cho khách đã đặt mua qua mạng xã hội.
Công an quận Tân Bình phối hợp Công an TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) xác định và bắt giữ Vũ. Vũ thừa nhận hành vi sử dụng các mạng xã hội với tên "Tự vệ tôm" để mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ hơn một năm nay. Hàng của Vũ mua từ các tỉnh phía bắc vào bán cho khách để thu lợi. Khám xét nơi ở của Vũ, Công an phát hiện có 232 đao, kiếm các loại, 23 roi điện và nhiều hộp đựng đao, kiếm.
Một vụ việc khác cũng đã gây chú ý lớn khi Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Công an tỉnh Bình Dương phát hiện nhiều đối tượng có nhiều giao dịch mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ tại TP Hồ Chí Minh, từ tháng 8 đến tháng 10 vừa qua. Đến nay, Công an tỉnh Kiên Giang đã bắt giữ 16 bị can, thu giữ 366 khẩu súng các loại, hơn 300 viên đạn các loại... Đường đây này được xác định là đường dây chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quy mô lớn nhất cả nước. Theo Đại tá Diệp Văn Thế, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, số súng đạn này có nguồn gốc từ nước ngoài, được chuyển qua tỉnh Tây Ninh về TP Hồ Chí Minh, sau đó chuyển đưa đi tiêu thụ. Trước khi bị triệt phá, đường dây này đã cung cấp vũ khí ra 16 tỉnh, thành phố.
Kết hợp nhiều biện pháp mạnh
Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, công an nhiều địa phương đã tổ chức các cuộc ra quân, xử lý các đối tượng phạm pháp. Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết, từ đầu năm 2020 đến 2022, Công an tỉnh Bắc Kạn đã thu hồi hơn 950 khẩu súng các loại; hơn 17kg thuốc nổ và 227 linh kiện chế tạo súng. Lực lượng chức năng cũng xử lý 76 vụ việc liên quan sử dụng, tàng trữ súng trái phép với 79 đối tượng. Trung tá Đinh Trung Tình, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý trật tự hành chính, Công an tỉnh Bắc Kạn kiến nghị, cần nâng mức xử phạt các hành vi tàng trữ, sử dụng, vận chuyển, mua bán trái phép súng, công cụ hỗ trợ để tăng tính răn đe, tạo hiệu quả hơn trong công tác vận động giao nộp, thu hồi.
Tại Lào Cai, trong hai năm 2020-2021 và sáu tháng đầu năm 2022, Công an tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng đấu tranh, xử lý 48 vụ việc, thu giữ 41 khẩu súng các loại; 190 viên đạn; 23,7kg đạn ghém và 1.575 công cụ hỗ trợ. Nhiều trang mạng xã hội của các hội nhóm như "Chợ trời Tằng Lỏng-Xuân Giao-Phú Nhuận..."; "Chợ Mường Hum-Bát Xát", "Lào Cai PcP"… đăng trực tiếp hoặc kết nối cho các tài khoản cá nhân đăng tin rao bán các loại súng hơi, công cụ hỗ trợ.
Thượng tá Bùi Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Lào Cai cho biết: Để ngăn chặn tình trạng rao bán công khai súng săn và công cụ hỗ trợ, ngoài việc tăng cường quản lý nhà nước của Sở Thông tin và Truyền thông đối với các trang mạng xã hội, thì việc cấp bách là lập các chuyên án bóc gỡ các đường dây buôn bán súng săn, công cụ hỗ trợ, đưa các đối tượng cầm đầu ra trước pháp luật.
Trong thời gian cuối năm 2022 và dịp lễ hội xuân 2023, Công an các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tấn công trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm xâm phạm sở hữu, gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích. Đồng thời, tiếp tục triển khai phong trào vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ… trong nhân dân; xác minh, điều tra đối tượng mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên không gian mạng để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm, có hiệu quả hơn nữa với loại tội phạm này. Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội kiến nghị công an các đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng ngoài ngành tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, nhất là các địa phương có tuyến biên giới, chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát Biển tổ chức rà soát, xác định đối tượng nghi vấn trên tuyến, địa bàn trọng điểm để có biện pháp đấu tranh, xử lý.