Lương hưu và bài toán đa tầng

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2023 có nhiều nội dung quan trọng, trong đó, nội dung được người lao động quan tâm nhất là quy định giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu. Liên quan vấn đề này, nhiều chuyên gia kiến nghị nên có các giải pháp từ xa, đa tầng để bảo đảm an sinh xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan chức năng cần giải pháp đa tầng, hỗ trợ người lao động. Ảnh: VĂN HỌC
Cơ quan chức năng cần giải pháp đa tầng, hỗ trợ người lao động. Ảnh: VĂN HỌC

Mâu thuẫn giữa mục tiêu và quy định

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu. Còn Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, nhiều người hơn 40 tuổi mới tham gia bảo hiểm xã hội, hoặc không tham gia liên tục, nếu quy định đóng tối thiểu 20 năm họ không đủ điều kiện nhận lương hưu, việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để có lương hưu xuống 15 năm sẽ có thêm nhiều người được nhận lương hưu. Với 15 năm đóng, lao động nam sẽ nhận mức lương hưu hơn 1,9 triệu đồng/tháng; lao động nữ nhận mức lương hưu hơn 2,5 triệu đồng/tháng, song vẫn phải đủ điều kiện: nam đủ 60 tuổi chín tháng, nữ 56 tuổi. Mỗi năm sau đó, tuổi hưởng lương hưu tăng thêm ba tháng với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và thêm bốn tháng với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Đây là số tiền ít nhưng theo nhiều người, có còn hơn không có.

Song, không ít ý kiến cho rằng, quy định này vẫn chưa sát thực tế, bởi rất nhiều doanh nghiệp thải loại lao động 45-47 tuổi và ở độ tuổi này, người lao động rất khó tìm việc làm để được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội. Chị Nguyễn Thị Huyền, công nhân Công ty TNHH Pou Yuen (đóng tại TP Hồ Chí Minh) bị cho nghỉ việc ở tuổi 45, tâm tư: "Tôi đã gắn bó với công ty 10 năm, nay để được hưởng mức lương hưu khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, tôi phải tiếp tục đóng bảo hiểm 5 năm nữa. Trong khi bây giờ không xin được việc mà tôi không có khả năng đóng tự nguyện".

Trước vấn đề này, PGS, TS Nguyễn Đức Lộc, Viện Nghiên cứu đời sống xã hội, đánh giá: Hạ năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng tuổi nghỉ hưu đang tăng theo lộ trình, đó là một nghịch lý, tạo nên khoảng trống từ khi lao động nghỉ làm cho đến khi được lĩnh lương hưu.

Đồng quan điểm, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết thêm: Việc rút xuống 15 năm như đề xuất lần này chỉ xử lý được khoản lương hưu cho lao động gia nhập hệ thống muộn, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn.

Trong khi mục tiêu sâu xa hơn của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi là hạn chế người rút một lần hoặc để lao động về một cục khi quay lại hệ thống có thể tích lũy đủ số năm đóng nhằm hưởng lương hưu.

Nhiều chuyên gia nêu quan điểm, việc kéo giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm không đủ sức ngăn những người muốn rút về một cục; công nhân làm 14 năm sẽ quyết định nghỉ để nhận "một cục" thay vì chờ đủ tuổi nhận lương hưu. Còn theo ông André Gama, Chương trình An sinh xã hội Việt Nam (Tổ chức Lao động Quốc tế-ILO), đang có sự mâu thuẫn là bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm bảo đảm lao động về già có lương hưu, song pháp luật Việt Nam lại cho phép rút một lần hoặc ở lại. Trong tương lai, Việt Nam nên dần bỏ chính sách trợ cấp một lần.

Ðâu là giải pháp căn cơ?

Đồng ý quan điểm giảm năm đóng để tạo điều kiện cho một nhóm lao động chưa đủ điều kiện theo quy định hiện hành, song ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị, cần hướng tới một hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt. Giảm năm đóng chỉ là điều kiện tối thiểu, nhưng vẫn cần khuyến khích người lao động có nhiều năm tham gia để có mức lương hưu cao.

Còn ông Phạm Minh Huân nêu giải pháp, cần tạo điều kiện cho người lao động khi không làm việc tại doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để về già được hưởng lương hưu. Đồng thời, phải tạo điều kiện cho người lao động mất việc được nhận mức trợ cấp thất nghiệp cao hơn để có đủ điều kiện tìm việc làm mới.

Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là quan trọng và cần thiết, song cần liên kết với chính sách kinh tế, việc làm và lao động. Nhà nước cần có chính sách để ngăn việc phân biệt độ tuổi lao động mà thay vào đó phải xem xét năng lực của những người lao động này. Đặc biệt, phải có cơ chế bảo vệ lao động lớn tuổi bởi doanh nghiệp thường chuộng lao động trẻ. Trước mắt, cần có chính sách ưu tiên cho những doanh nghiệp sử dụng lao động lớn tuổi, như giảm thuế, phí nhằm khuyến khích họ bố trí công việc phù hợp sức khỏe, năng lực người lao động. Các cơ quan chuyên môn cũng cần xây dựng các chính sách phát triển thị trường lao động, đào tạo nâng cao tay nghề, phát huy tốt hơn vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm.

Một trong những việc cần làm ngay, PGS, TS Nguyễn Đức Lộc, cho rằng, hiện Việt Nam có Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với kết dư lớn, có thời điểm lên đến gần 90 nghìn tỷ đồng. Mục tiêu của quỹ là nâng đỡ, hỗ trợ thị trường lao động. Do đó, lúc này, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cần phát huy đúng vai trò, có chính sách rõ ràng cho nhóm lao động trên 40 tuổi, giúp họ quay lại thị trường.