Lợi nhuận tối thiểu 40%
Năm 2009, UBND tỉnh An Giang ủy quyền cho Hội Nông dân tỉnh hợp tác với Công ty Angimex - Kitoku triển khai Dự án "Sản xuất lúa Nhật". Mỗi bước đi của dự án đều rất cẩn trọng. Đến nay, An Giang đã trồng bốn giống lúa: Hana, Kinu, Akita và KZ4 được mang từ Nhật sang. Theo các chuyên gia lúa gạo nhận định, các giống lúa Nhật rất thích hợp để phát triển trên vùng đất nhiễm phèn ở khu vực ĐBSCL. "Nếu tính từ lúc có mặt khảo sát và trồng thử nghiệm lúa Nhật trên đất An Giang, chúng tôi đã có mặt ở đây gần 20 năm. Trong đó mất gần nửa thời gian để trồng khảo nghiệm, rồi mới triển khai rộng ra cho nông dân trồng" - ông Akira Omori, Phó Giám đốc TNHH Angimex - Kitoku cho biết.
Sau này khi đã phát triển nhanh do mức độ trồng lúa thuần thục của nông dân và lợi nhuận khá bền vững tạo lực hút cho nông dân An Giang tham gia. Theo kết quả có được rất khả quan khi diện tích trồng lúa Nhật đã phát triển vùng nguyên liệu lên 3.000 ha (trong 3 vụ) với tổng sản lượng thực mua của nông dân theo hợp đồng là hơn 30 nghìn tấn lúa hàng hóa để xuất khẩu và 2.000 tấn lúa giống. Hơn 4.000 lượt nông dân thuộc 22 xã của năm huyện Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn, Tri Tôn và TP Long Xuyên tham gia trồng lúa Nhật, cung cấp hàng chục nghìn tấn lúa hàng hóa cho Angimex - Kitoku. Trong đó, mô hình này bảo đảm lợi nhuận tối thiểu cho nông dân 40%...
Xu thế tất yếu của liên kết qua mô hình hợp tác
Phải thấy rằng, các chuyên gia Nhật đã, đang rất chú trọng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân tham gia dự án. Trong quá trình trồng lúa Nhật, nông dân An Giang được Angimex - Kitoku triển khai quy trình khép kín từ việc cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh; hỗ trợ nông dân tạm ứng trước giống, vật tư phân bón và hoàn trả vốn sau khi thu hoạch... Theo ông Akira Omori, đây là bước tiến giúp chúng tôi gần nông dân hơn, nhất là lợi ích của nông dân cũng là lợi ích của doanh nghiệp.
Nghe đơn giản nhưng quá trình hợp tác trồng lúa Nhật cũng phải tiến triển qua nhiều giai đoạn để xác lập được "bộ khung" như hiện nay. Thực tế, phía công ty không thể đi ký từng hợp đồng với nông dân trồng lúa. Nhu cầu liên kết qua các mô hình hợp tác là xu hướng tất yếu. Cụ thể, như Hội Nông dân phường Mỹ Hòa đã thành lập 16 tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật, hơn 60 thành viên sản xuất khoảng 560 ha. Đây cũng là mô hình đang được nhân rộng ở nhiều địa phương tỉnh An Giang. "Trồng lúa Nhật có cái sướng là biết giá bán trước khi ký hợp đồng, ổn định lâu dài giúp cho người dân yên tâm sản xuất. Song, nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình được hướng dẫn, nhất là sử dụng giống, gieo sạ, chăm sóc, khử lẫn, phơi khô..."-ông Sáu Bình ở xã Vọng Thê cho biết.
Mặc dù diện tích sản xuất lúa theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn" ở ĐBSCL đang gia tăng, nhưng hiện đang "chững lại" vì một số doanh nghiệp đã không thực hiện hết các cam kết mua lúa bao tiêu với nông dân... Trong khi không ồn ào và có phần "kín kẽ", mô hình trồng lúa Nhật, sản phẩm được tiêu thụ hết theo hợp đồng; lợi nhuận được bảo đảm, vai trò Hội Nông dân được phát huy trong việc "tổ chức lại sản xuất". Nếu như những mô hình "Cánh đồng lớn", "Cánh đồng liên kết" đang lần dò những bước đi chập chững thì "làm lúa kiểu Nhật" là một mô hình đã vững buớc, rất đáng được quan tâm về cách thức hợp tác khép kín!

Lão nông Hai Ngon (bên phải) là một trong những nông dân "may mắn" ở xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên được tham gia từ ngày đầu trồng khảo nghiệm lúa Nhật. Vụ rồi, ông Hai Ngon tính nhẩm, một công lúa lời khoảng 4-5 triệu đồng (40-50 triệu đồng/ha). Không tính đất thuê sản xuất, với hai ha đất nhà vụ rồi ông thu về gần 100 triệu đồng.