Họa sĩ Thu Trần:

“Lụa và sắt thép đứng cạnh nhau”

Triển lãm sắp đặt hội họa với chủ đề “Tiếng gọi” của họa sĩ Trần Thị Thu (Thu Trần) sẽ diễn ra tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm từ ngày 18 đến 26/11, trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo 2023. Đó là “Tiếng gọi” từ trong tâm thức sáng tạo của người nghệ sĩ khi mong muốn được “trở về” cùng “mẹ thiên nhiên”.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Trần Thị Thu (Thu Trần)
Họa sĩ Trần Thị Thu (Thu Trần)

Phóng viên (PV): Người ta nói “Thu Trần thích chơi lớn”. Sau những triển lãm sắp đặt “Trở về” (Sơn La), “Giăng tơ” (Hội An-Quảng Nam)… thì lần này, ngay Thủ đô Hà Nội, chị có “Tiếng gọi”?

Họa sĩ Thu Trần: Tôi đã có một câu chuyện dài về ý tưởng “Tiếng gọi”. Khi đứng trước không gian rộng lớn của Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc vì nó đúng với những mong muốn mà mình hằng tưởng tượng để có dịp giới thiệu tác phẩm. Tôi cũng khá lo lắng vì thời gian chuẩn bị cho triển lãm chỉ có hai tháng. Tôi đã vẽ bộ tranh dài 60 m, với hình ảnh mẹ thiên nhiên đang kêu cứu. Những năm qua, thế giới bị đảo lộn, tính mạng con người bị đe dọa bởi dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai… Con người không hòa thuận cùng nhau, không chung sống một cách hài hòa với thiên nhiên. Tôi cho rằng đó là bi kịch bởi chúng ta được sinh ra là một điều may mắn. Thế nhưng, chúng ta đang ứng xử với nhau, ứng xử với thiên nhiên, môi trường như thế nào? Tôi lại cố gắng hình dung ra hình thể con Covid bằng trí tưởng tượng của mình, hiện diện khắp nơi và trở thành nỗi ám ảnh “vô hình”. Và có lẽ sự sống-cái chết dường như cũng nhẹ nhàng, vô thường chăng?

Trong sáu năm tham gia thực hành nghệ thuật cộng đồng ở làng Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam, tôi hình dung biển cả cũng giống như một người mẹ bao dung, đã cho tôi cơ hội được sống và trở về. Tôi đã vẽ lên trên tất cả thuyền thúng hình ảnh chùm vú của người mẹ thiên nhiên, lại nhớ về mẹ Âu Cơ với 100 người con. Chính quá trình hoạt động cộng đồng ấy đã cho tôi nhiều ý tưởng, làm triển lãm “Ra khơi”, “Cánh đồng mắm” và những cảm xúc ấy còn nguyên vẹn đến bây giờ để tiếp tục làm triển lãm sắp đặt “Tiếng gọi”.

“Lụa và sắt thép đứng cạnh nhau” ảnh 1

Một phần tác phẩm hội họa sắp đặt với chủ đề “Tiếng gọi“ của họa sĩ Thu Trần trong không gian nhà xưởng 3B, Nhà máy xe lửa Gia Lâm.

PV: Ý tưởng ấy sẽ được hiện thực hóa như thế nào, thưa chị?

Họa sĩ Thu Trần: Lần này, nhà xưởng 3B (Nhà máy xe lửa Gia Lâm) sẽ là nơi tôi giới thiệu tác phẩm của mình đến công chúng yêu hội họa, yêu di sản. Với không gian gần 2.000 m2, những bức tranh sẽ treo trên trần, mỗi bức dài 40-60 m, bằng vải oganza và lụa. Tôi cũng phải tính toán để bố trí tác phẩm sao cho khán giả có thể tiếp cận một cách hợp lý, vừa tầm mắt, trong một khu nhà xưởng rộng lớn như thế này. Các bức tranh khác sẽ treo trên tường ra sao? Ánh sáng nhiều lớp đan xiên nhau như thế nào? Tôi không quan tâm việc sẽ tạo ra một điều gì đó khác lạ, kỳ vĩ. Điều tôi mong muốn là làm sao mọi người có thể hiểu được ý đồ của mình khi nói về “Tiếng gọi” của mẹ thiên nhiên, mẹ trái đất đã “mang nặng đẻ đau” tất cả những sinh linh trên thế giới này. Cùng với những bức tranh lụa khổ dài, tôi còn treo các tác phẩm trừu tượng vẽ trên giấy giang, với những vết tích của “Xứ Mường” trong hành trình khám phá kho tàng âm nhạc, mo Mường, sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, với hình ảnh những tộc người từ thuở sinh hoạt ban sơ, với những mảng mầu xưa cũ, như một sự điểm xuyết hợp lý trong không gian mênh mang này.

PV: Không gian của Nhà máy xe lửa Gia Lâm thật sự như “chốn về”, thỏa mãn sự trải nghiệm và ý tưởng không gian cho chị?

Họa sĩ Thu Trần: Bố tôi là một người thợ cơ khí. Trong sáu người còn thì có lẽ chỉ có tôi là tỏ ra thích thú với công việc của bố. Từ chiến trường trở về, bố tôi đã mang theo những chiếc chảo, chiếc nồi, chiếc chậu… do ông tự gò từ vỏ máy bay, vỏ trái bom… Khi ông là một người thợ gò hàn ở chợ Chuông (Hà Tây trước kia) tôi thường ra nơi ông làm việc và xin bố mua một chiếc bánh mì sau buổi đi học về. Hồi ấy, đó là một thức quà xa xỉ. Tôi cũng thường xin bố được “làm việc” cùng. Bố đã cắt những miếng tôn nhỏ để tôi gò thành chiếc xô, hay vá nồi, vá ấm. Đó là những kỷ niệm tuổi thơ hồn nhiên, tự học nhưng có lẽ, như một cách tự nhiên, các kết cấu của sắt hàn đã khiến cho tôi thích thú. Và câu chuyện “sắp đặt hội họa” đã đến với tôi trong nhiều năm nay, để thỏa sức được tái hiện không gian rộng lớn. Chính họa sĩ Trịnh Minh Tiến đã gợi ý cho tôi địa điểm này, tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm.

Như một cơ duyên, khi đến đây tôi thật sự ngỡ ngàng, choáng ngợp và chắc chắn rằng đây chính là không gian mình mơ ước. Được làm nghệ thuật trong một không gian đầy hoài niệm, ký ức như thế này thật tuyệt! Tôi đã hình dung ngay trong đầu: Lụa và sắt thép có thể đứng cạnh nhau.

PV: Trân trọng cảm ơn họa sĩ Thu Trần!

Nhà máy xe lửa Gia Lâm được xây dựng từ 1905, từ 1940 đến 1954 đã trải qua rất nhiều thay đổi, có thời điểm buộc thay đổi mục đích sản xuất hoặc đối diện với việc tạm ngừng hoạt động (1948). Ngày 10/10/1954, nhà máy vận hành trở lại. Đến năm 1967, khi hứng chịu sáu cuộc đánh bom, khu nhà xưởng đã bị hủy diệt hoàn toàn. Thời kỳ đổi mới, với sự giúp đỡ của Ba Lan, nhà máy được tôn tạo.