Trận tranh Siêu cúp nước Anh giữa Liverpool và Man City đặc biệt gây chú ý, không chỉ vì đó là cuộc đối đầu của hai đội bóng mạnh bậc nhất xứ sương mù và châu Âu, mà còn bởi sự xuất hiện của các chân sút trẻ đắt giá vừa cập bến hai CLB này: Darwin Nunez và Erling Haaland.
Ở màn so tài cá nhân, có thể nói vui rằng, Nunez đã “dẫn trước” Haaland. Tân binh của Liverpool chỉ vào sân từ phút 59, nhưng đã góp công vào hai bàn thắng của Liverpool. Trong khi đó, dù đá trọn vẹn cả trận, Haaland lại không thể ghi bàn. Anh thiếu cảm giác bóng, bỏ lỡ một pha đối mặt thủ môn và thậm chí dứt điểm hỏng ở một tình huống khác cách khung thành vỏn vẹn… 5m.
Những gì chân sút 22 tuổi thể hiện trở thành tâm điểm của truyền thông sau trận đấu. Con số 86 bàn sau 89 trận cho Borussia Dortmund được nhắc lại, trở thành dẫn chứng cho luận điểm rằng Haaland có thể là “máy làm bàn” ở Đức, nhưng sẽ gặp khó khi phải chứng tỏ tài năng trong môi trường bóng đá khắc nghiệt.
Mức phí chuyển nhượng của Haaland “chỉ” 60 triệu euro, bằng phân nửa so bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử Man City là Jack Grealish nhưng áp lực tỏa sáng của anh thậm chí còn lớn hơn. Chân sút người Na Uy được kỳ vọng sẽ là “át chủ bài” đưa City đến đỉnh cao Champions League khi hiện tại, anh là đối trọng của Kylian Mbappe và ứng viên giành Quả bóng vàng sau “triều đại” của những cái tên kiệt xuất như Messi hay Ronaldo.
Tuy nhiên, việc Haaland chỉ chơi trận ra mắt cho City và thua ở Siêu cúp Anh cũng không phải điều gì quá tồi tệ. Trước một đối thủ mạnh như Liverpool và bị kèm cặp bởi một “siêu trung vệ” như Van Dijk, chuyện Haaland chưa lên tiếng chẳng có gì khó hiểu. Thống kê cho thấy ở trận đấu vừa qua, anh “đói bóng” trầm trọng với chỉ 16 lần chạm suốt hơn 90 phút, do không tìm được sự kết nối với các vệ tinh chung quanh.
Khi đưa về một trung phong đúng nghĩa như Haaland, Pep Guardiola phải thay đổi lối chơi, chuyển từ chiến thuật tiền đạo “ảo” sang một hệ thống trực diện, xuyên phá vòng cấm nhiều hơn. Chuyện này cần thời gian, mà đây là thứ Pep chưa có đủ, do cả mùa hè mới chơi hai trận giao hữu trong tour du đấu trên đất Mỹ.
Thêm nữa, để Haaland tỏa sáng, Pep cần cả những nhân tố đủ xuất sắc để cung cấp cơ hội cho chân sút tân binh. Trước Liverpool, Grealish “tàng hình”, De Bruyne không chơi đúng sức. Vì thế, thất bại của City không phải lỗi của cá nhân Haaland mà là câu chuyện của cả tập thể.
Phía trước Haaland là một mùa giải đầy thử thách, nhưng đây cũng là giai đoạn “lửa thử vàng” để biến một ngôi sao trẻ thành một tiền đạo xuất chúng.