Ngành kỹ xảo điện ảnh trong nước

Lớn nhanh nhưng còn nhiều nghịch lý

Những năm gần đây, Việt Nam dần trở thành nơi chuyên gia công kỹ xảo cho nhiều phim điện ảnh, truyền hình tầm cỡ quốc tế. Sự tin tưởng của các đoàn phim nước ngoài dành cho các nhân sự Việt nhiều lúc vượt quá khả năng cung ứng. Ngoài nghịch lý cung-cầu, còn một nghịch lý khác là ở trên chính thị trường quê nhà, kỹ xảo Việt lại chưa thể tạo dấu ấn trong những sản phẩm phim ảnh nội địa.
0:00 / 0:00
0:00
Kỹ xảo trong phim Kẻ ăn hồn có sự góp tay của đội ngũ VFX của Bad Clay Studio. Ảnh: ĐPCC
Kỹ xảo trong phim Kẻ ăn hồn có sự góp tay của đội ngũ VFX của Bad Clay Studio. Ảnh: ĐPCC

Nhiều việc, thiếu người

Trong năm nay, những ai theo dõi các phim bộ của Hàn Quốc chiếu trên Netflix như: The Glory 2, Black Knight, Unlocked đều bắt gặp những cái tên người Việt ở phần credit phim (giới thiệu các thành phần làm nên bộ phim). Cụ thể ở cuối credit tập 14 của The Glory 2, có một studio Việt Nam ghi dấu vào danh sách những cái tên sản xuất VFX (Visual Effects- hiệu ứng hình ảnh) cho các bộ phim trên Netflix là Synapse Studio Việt Nam. Đội ngũ các nhân sự của đơn vị này đã tham gia vào nhiều khâu quan trọng như: Compositing (kết hợp các yếu tố hình ảnh từ các nguồn khác nhau về góc quay, ánh sáng, mầu sắc,… để tạo nên một hình ảnh cuối cùng), Rotoscope (vẽ lại các cảnh hình chuyển động, khung hình qua khung hình, để tạo ra chuyển động thật), Matchmove (theo dõi chuyển động để kết hợp dữ liệu 3D vào cảnh quay)... Cùng với các đồng nghiệp của Bad Clay Studio, họ cũng là những người xây dựng VFX những khung cảnh khói bụi mịt mù hay khu vực dành cho dân tị nạn trong phim Black Knight.

Kể từ khi Netflix đổ tiền đầu tư vào dòng phim bộ độc quyền của Hàn Quốc, sự tham gia của các nhân sự Việt trong các siêu phẩm Netflix ngày một nhiều hơn. Đáng chú ý nhất là phim Sweet Home (năm 2020) quy tụ đến bốn studio Việt cùng gia công, gồm: Bad Clay Studio, CYCLO VFX, OPIM Digital, The May. Trong đó Bad Clay Studio - đơn vị VFX hàng đầu của Việt Nam - sản xuất khoảng 61 shot phim (cảnh phim) cũng như đảm nhận phần thiết kế cho những con quái vật xuất hiện trong tác phẩm. Tuy nhiên, tác phẩm giúp cho đội ngũ VFX Việt Nam thật sự bước ra ánh sáng chính là Squid Game. VFX của phim có sự tham gia của các nhân sự đến từ The May và OPIM Digital.

10 năm trở lại đây, Việt Nam đang trở thành nguồn thuê ngoài đáng tin cậy trong lĩnh vực kỹ xảo điện ảnh của nhiều sản phẩm điện ảnh "bom tấn" nước ngoài. Ngoài các phim bộ trên Netflix, nhiều bom tấn Hollywood có phần hậu kỳ phức tạp như: Jurassic World, Avenger: Infinity War, Transformers: The Last Knight, Aquaman, Captain Marvel, Black Panther 2: Wakanda Forever… cũng có bàn tay thầm lặng của đội ngũ người Việt. Sau các studio tiên phong ngành này ở Việt Nam như Bad Clay Studio, CYCLO VFX hay SPARX*- A Virtuos Studio, những studio trẻ như OPIM Digital, The May, Magnon,… cũng bắt đầu gia nhập vào thị trường quốc tế và được nhiều người biết đến.

Với lợi thế về giá thành nhân công nhưng tay nghề không thua kém nhân sự các nước khác, ngành kỹ xảo điện ảnh trong nước hoàn toàn không sợ thiếu việc mà chỉ sợ thiếu người. Theo anh Võ Huy Giáp - Giám đốc Học viện MAAC - đơn vị tiên phong đào tạo ngành này ở Việt Nam: "Mỗi năm MAAC chỉ đào tạo được 20 người, trong khi các studio mới tuyển dụng liên tục. Có nơi cần 50 người, có nơi thậm chí cần đến 200 người như SPARX*". Tháng 5 vừa qua, MAAC đã "xuất xưởng" 46 học viên tốt nghiệp khóa VFX& Animation lứa đầu tiên. Hầu hết người học đều có ngay việc làm sau khi tốt nghiệp, cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn của nghề này.

"Bụt chùa nhà không thiêng"

Bên cạnh nghịch lý nguồn cung- cầu, ngành VFX trong nước còn đối mặt nghịch lý nữa là nhân sự Việt rất "mát tay" làm phim ngoại nhưng với phim Việt, kỹ xảo lại không phải là thế mạnh. Rất nhiều phim Việt ra rạp có phần kỹ xảo hình ảnh đặc biệt sơ sài, lạc hậu. Kể cả phim được đầu tư lớn như Đất rừng phương Nam ra rạp gần đây cũng bị chê hình ảnh kỹ xảo con chim đang bay, cá sấu lội dưới sông còn giả, chưa đẹp. Tiến bộ rõ nét nhất mà ngành kỹ xảo để lại trong phim Việt chỉ dừng ở chuyện các phim Việt giờ đây không phải làm hậu kỳ VFX ở nước ngoài nữa mà do các công ty trong nước đảm nhiệm. Còn lại, rất hiếm những phim cho thấy kỹ xảo được đầu tư đẹp mắt, chân thật. Có thể kể đến số hiếm đó là các phim: Trạng Tí phiêu lưu ký, Hai Phượng, Thanh Sói, Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác, Mắt biếc, Em và Trịnh.

Lý do kỹ xảo mờ nhạt trong phim Việt nằm ở sự đầu tư. Thị trường phòng vé trong nước còn nhỏ bé, khả năng thu hồi vốn khó khăn nên ít nhà làm phim nào dám "móc hầu bao" nhiều cho khâu kỹ xảo, cho dù có mong muốn. Nếu như ở nước ngoài có thể chi từ 10-50% kinh phí cho VFX của một bộ phim, với cả nghìn shot kỹ xảo, thì một phim Việt có 300 shot đã là nhiều. Trạng Tí phiêu lưu ký là phim Việt giữ kỷ lục về kỹ xảo hiện nay với hơn 1.000 shot. Sắp tới đây có ba dự án phim Việt ra rạp hứa hẹn có sự đột phá về kỹ xảo là Người mặt trời, Móng vuốt, Kẻ ăn hồn. Điều đáng mừng là các nhà làm phim nội địa đã có ý thức hơn về tầm quan trọng của VFX. Anh Thierry Nguyễn - đồng sáng lập của Bad Clay Studio cho biết: "Trước đây nhà sản xuất quay xong phim mới liên hệ đội ngũ làm kỹ xảo còn giờ đây hai bên phối hợp chặt chẽ từ khâu kịch bản. Các dự án dù lớn hay nhỏ cũng chuẩn bị kỹ phần VFX".

Ngành kỹ xảo điện ảnh Việt Nam đã và đang có những bước tiến rất nhanh so với các nước trong khu vực. Đây là tín hiệu đáng mừng. Hy vọng những nghịch lý đang tồn tại lâu nay sẽ sớm được người trong cuộc giải quyết, để nguồn cung chất xám cho nước ngoài ngày càng được mở rộng và nhân lực VFX cũng có thêm đất dụng võ trong nước.