Đọc sách

"Lời chào" từ Côn Ðảo

ồn tại trên một thế kỷ, "địa ngục trần gian" Côn Ðảo sụp đổ ngày Côn Ðảo giải phóng, 1-5-1975. Trong thăm thẳm trời xanh biển biếc Côn Sơn, hãy còn vẳng trong gió sóng nơi đây lời chào từ biệt của những chiến sĩ cách mạng vọng qua cửa sắt các banh khám cấm cố nhà ngục Côn Lôn đến bãi bắn và huyệt mộ nghĩa địa Hàng Dương: "Chào anh em ở lại! Chúng tôi đi Hàng Dương!" Lời chào ấy gây xúc động sâu sắc với Trần Mạnh Thường, một nhà thơ công tác ở Ðài Tiếng nói Việt Nam. Sau hai chuyến đi thực tế Côn Ðảo 1975, 1978, trường ca "Lời chào" viết về nhà tù Côn Ðảo gồm tám chương, hơn một nghìn câu thơ được tác giả hoàn thành năm 1987, nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 1997 trong tập Thơ và Trường ca.

Viết trường ca về nhà tù Côn Ðảo, Trần Mạnh Thường dồn bút lực khai thác, tái hiện cuộc đấu tranh trực diện dai dẳng quyết liệt, khi âm thầm như ngọn lửa cháy trầm 'mình đối diện với chính mình', lúc bùng phát lẫm liệt, ngời lên phẩm cách của người chiến sĩ cách mạng giữa nhà tù đế quốc - nhân vật trữ tình trung tâm của trường ca. Trên nền trầm tích của tư liệu lịch sử nhà tù Côn Ðảo, tác giả thận trọng 'thâm nhập' địa ngục trần gian, một mình xuôi ngược thác ghềnh vực thẳm các sự kiện, tiếp cận các cảnh huống, những thân phận tù nhân giữa mùi xú uế xích còng lưu cữu, mùi máu rệp, mùi chuồng cọp, chuồng bò; mùi sặc sụa tởm lợm miệng lưỡi nanh nọc bọn cai ngục, ma tà, bọn giám thị, tên chúa đảo, lũ quan thầy...

Côn Ðảo bắt đầu từ thuở ban sơ 'khai thiên lập địa':... Hạc trắng bay giữa nước biếc non xanh/ Cửa hang mênh mông nắng gió thơm lành/Tiếng người lạ lùng như tình yêu thứ nhất/ Ngón chân cái choãi ra in dấu trên mặt đất/ Cho bàn tay hái quả ngọt bùi...

Một 'đảo tù' tồn tại trên một thế kỷ bạo tàn! Thời gian hú hồn bao nhiêu tiếng còi tàu thét giọng roi song, củi chẻ, dùi cui giáng xuống tù nhân! Bao nhiêu con sóng dữ dằn dồn đuổi những người tù qua Cầu Tàu 914 đầm đìa máu vã. Tội ác của kẻ thống trị phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật:

Chúng tôi ra đảo tù đã thấm máu các anh/ Các anh đến giữa mùa gió chướng/ Ðốt xương khô gió không thể cuốn/ Nằm phơi trên bãi cát mịt mù/ Ðốt xương khô/ Lăn lóc đốt xương khô/ Những thế hệ bị thực dân săn đuổi... (Biển đục). Xương cốt ba trăm người tù khổ sai 'hóa thạch' sừng sững hai mố cầu Ma Thiên Lãnh. Một Bãi Sọ Người, thực dân chôn sống hai mươi người đào huyệt cùng một trăm xác tù nhân khởi nghĩa cuối thế kỷ 19. Hai vạn mạng người bị đọa đày thảm khốc, bị hành quyết, vùi thây từ nghĩa địa Hàng Keo sang Hàng Dương. Mùa gió chướng thổi dài, cào xơ xương cốt, gió gào qua tường đá thép gai mái tôn lộng óc. Những chuyến vượt ngục thành và bất thành hơn một thế kỷ lưu đày. Những tù nhân Côn Ðảo lòng đầy phấn khích, ngực phanh trần, cột cây làm bè, ghép áo làm buồm, quần thảo với sóng lừng và đạn giặc, máu đổ òa vào biển xanh, hồn thơm về đất Tổ. 'Biển chết' Côn Ðảo bịt bùng quyết liệt:

Gió chướng rít đêm ngày/ Thổi dọc hai bờ địa ngục/  Tiếng Chúa đảo thách thức/ Xoáy vào từng lỗ thông hơi... (Chương Ba - Quả dưa đỏ).

Ðây khám biệt giam những nữ tù nhân kiên trinh, gan góc. Cuộc đối thoại giữa tên cai ngục hiểm độc và người mẹ tù nhân bên cánh cửa sắt nhìn ra một mảnh sân tù, một đứa trẻ khát sữa:

- Tên Cộng sản tóc dài kia, con mày đang bò ngoài sân hãy nhìn cho rõ/ - Ôi con tôi, con đang ở đâu?/ - Con mày đang bò ngoài sân phải nhìn cho rõ !/ - Ta là mẹ. Có người mẹ nào không nhận ra con?/ Nó đang bậm miệng vào rễ cây/ Ðã hai hôm nay con ta không được bú/ - Mày chỉ nói hai tiếng thôi là tao mở cửa...' (Chương Sáu - Ðối thoại và lời ru).

'Hai tiếng' mà bọn ác ôn nhọc công dùng mọi cách tra tấn, mọi thủ đoạn lừa gạt, giăng bẫy để người tù nói ra ấy là hai tiếng 'ly khai' - Ly khai tổ chức, ly khai lý tưởng sống, trở thành kẻ phản bội cách mạng. Nhưng bao nhiêu người Cộng sản kiên trung cũng như người mẹ tù nhân trong trường ca 'Lời chào' giữ vững khí tiết trước kẻ thù. Người chiến sĩ cách mạng nhìn suốt dòng chảy lịch sử, vận mệnh của dân tộc; nhìn thấu tim đen bọn cướp nước và bè lũ tay sai, trong lòng bừng sáng niềm tin yêu nhân dân đất nước, thanh thản nói lời chào vĩnh biệt để 'Ði đến tận cùng cái chết sạch trong'.

Sau ngày toàn thắng 30-4-1975, một Côn Ðảo hồi sinh đến hôm nay còn bao thương tích, bao nỗi đau từ quá khứ kinh hoàng. Xin hãy nghe lời thầm thì của những người sống sót, 'những người ở lại':

'Chào anh em ở lại, chúng tôi đi Hàng Dương !/ Em ơi, anh và em/ Chúng ta - Những người ở lại/ Vào vườn và hái trái / Những nấm mộ Hàng Dương chỉ gió với mây trời... (Chương Tám - Chào anh em ở lại).

Côn Ðảo hôm nay lồng lộng vươn mình với lời nhắn nhủ ân cần thiết tha - những câu thơ cập bến vùng đảo ngọc:

Về đi, về với nắng mưa sóng gió/ Ðảo Phù Luân mà chẳng lạc loài/ Ðất chi lạ quanh năm sen nở/ Bốn mùa hương dành cả cho người...