Loay hoay gỡ vướng cho ngân hàng máu

Nhiều tháng qua, khó khăn của ngân hàng máu tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa được tháo gỡ. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều trị cho người bệnh của 74 cơ sở y tế trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Kỹ thuật viên Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra túi máu trước khi chuyển cho các tỉnh miền Tây. Nguồn: Bệnh viện Chợ Rẫy
Kỹ thuật viên Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra túi máu trước khi chuyển cho các tỉnh miền Tây. Nguồn: Bệnh viện Chợ Rẫy

Thiếu máu do thủ tục đấu thầu chậm

Bệnh viện Huyết học-Truyền máu Cần Thơ hiện là một trong năm trung tâm chính (bên cạnh Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Trung tâm Truyền máu Khu vực Huế, Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy và Bệnh viện Truyền máu-Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh), nhưng đang rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn máu.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Hoàng Phúc, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp của Bệnh viện Huyết học-Truyền máu Cần Thơ, nơi cung cấp các sản phẩm máu cho tất cả các bệnh viện của các tỉnh, thành phố: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ... cho biết: "Thật sự công tác chuyên môn đang rất khó khăn, đặc biệt là từ ngày 15/9, Bệnh viện Huyết học-Truyền máu Cần Thơ đã ngưng cấp máu theo kế hoạch, chỉ dự phòng ưu tiên cho cấp cứu. Nhưng cấp cứu cũng chỉ đáp ứng được 20-30%, còn lại không biết xoay xở từ đâu". Cũng theo bác sĩ Phúc, hiện mỗi ngày bệnh viện này có khoảng 60 ca phẫu thuật theo kế hoạch, trong đó có sáu đến bảy ca phải dự phòng máu, như các ca đa chấn thương, gãy xương đùi, mổ tim... nhưng tất cả đều phải chờ máu.

Còn theo Bác sĩ chuyên khoa 1 Cao Hùng Minh, Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Điều trị, Bệnh viện Huyết học-Truyền máu Cần Thơ, hiện tại để giảm nguy cơ tử vong cho người bệnh, chỉ còn cách là sử dụng thuốc cầm máu liên tục, nhằm duy trì và giảm bớt biến chứng xuất huyết. Cũng theo bác sĩ Minh, nhu cầu sử dụng khối hồng cầu của các bệnh viện ở đồng bằng sông Cửu Long từ 12.000-15.000 đơn vị/tháng; tiểu cầu là 1.200 đơn vị/tháng. Nhưng tám tháng qua, bệnh viện chỉ đáp ứng được khoảng 10-20%. Lượng máu ít ỏi này hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn máu mua lại từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Truyền máu-Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương.

Về nguyên nhân dẫn tới khó khăn của đơn vị, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học-Truyền máu Cần Thơ cho biết, từ cuối năm 2022, bệnh viện đã làm hồ sơ gói thầu gồm 394 mặt hàng với tổng trị giá gần 150 tỷ đồng. Theo trình tự, phải thực hiện ba vòng, gồm: trình quyết định mua sắm, quyết định dự toán và quyết định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Sau khi có ba quyết định trên mới tiến hành các thủ tục mời thầu, đấu thầu tiếp theo... Tuy nhiên, đến nay đã gần hết quý III/2023, việc thẩm định chậm cộng với những thay đổi về văn bản hướng dẫn đã khiến việc đấu thầu mua sắm vẫn chưa thể diễn ra. Bác sĩ Việt cho biết, ban đầu hồ sơ gói thầu được bệnh viện thực hiện theo Thông tư 14 năm 2020 của Bộ Y tế, nhưng làm được một phần ba chặng đường thì ngày 14/4/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư 08 năm 2023 bãi bỏ Thông tư 14 năm 2020. Lúc này, do không có văn bản hướng dẫn mới của bộ chuyên ngành nên bệnh viện được yêu cầu làm lại gói thầu từ đầu theo thông tư hướng dẫn chung của Bộ Tài chính.

Đại diện Sở Y tế thành phố Cần Thơ cho biết thêm, gốc rễ của những vướng mắc trong đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế tại Cần Thơ là do vướng Nghị quyết 01 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ. Theo nghị quyết này, các đơn vị chỉ được tự quyết đấu thầu mua sắm ở mức dưới 500 triệu đồng, hơn 500 triệu đồng sẽ phải thông qua Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

Chủ động các giải pháp

Phía Bộ Y tế cho biết, vừa qua một số nơi khan hiếm máu do không có vật tư (túi đựng máu). Việc mua sắm bảo đảm loại vật tư y tế này do các địa phương thực hiện. Về triển khai đấu thầu mua sắm trong y tế, Bộ Y tế lưu ý thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị cần triển khai đầy đủ, đồng bộ các giải pháp về lựa chọn nhà thầu. Bộ Y tế cũng lưu ý mua sắm đấu thầu cần chuẩn hóa chất lượng cán bộ làm công tác đấu thầu. Chủ động khẩn trương xác định các dự án, gói thầu được hưởng cơ chế đặc thù để thực hiện lựa chọn nhà thầu theo quy định... Việc đấu thầu tập trung hàng hóa cho công tác lấy máu cần được các sở y tế thực hiện linh hoạt để bảo đảm cho công tác lấy máu trong thời gian tới.

Theo chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Huyết học-Truyền máu Trung ương, Viện vẫn định kỳ chuyển máu đến Cần Thơ, Tây Nguyên... Như vậy, không chỉ nhu cầu về máu điều trị mà về túi đựng máu cũng tăng lên nhiều so với mức thông thường của viện. "Thực tế là không thiếu người hiến máu nhưng để tiếp nhận được máu hiến thì phải có túi đựng máu. Viện cũng thực hiện đấu thầu mua sắm theo các quy định hiện hành, tuân thủ các điều kiện bảo đảm về minh bạch, chất lượng... chứ không có cách riêng nào khác", ông Thanh nói. Vì vậy, theo vị chuyên gia, nếu đủ sinh phẩm, vật tư lấy, đựng máu... thì không xảy ra tình trạng thiếu máu cứu người bệnh. Việc mua sắm tập trung từ sở y tế các gói thầu cần được thực hiện theo quy định mới đã hình thành và sẽ gối đầu lên gói thầu cũ để không có tình trạng thiếu hụt nguồn máu.

Cùng với giải pháp gỡ vướng đấu thầu, mua sắm, các chuyên gia đề xuất, phong trào hiến máu cứu người cần tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa. Bộ Y tế cho biết, sau 15 năm từ khi Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện được thành lập (năm 2008), toàn quốc đã vận động, tiếp nhận hơn 16 triệu đơn vị máu. Lượng máu thu được năm sau luôn cao hơn năm trước, từ hơn 500.000 đơn vị máu (năm 2008) lên hơn 1,4 triệu đơn vị (năm 2022), trong đó, 99% lượng máu tiếp nhận là từ người hiến máu tình nguyện; chất lượng máu ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, dù phong trào đã lan tỏa mạnh trong cộng đồng nhưng do nhu cầu về máu trong xã hội còn rất lớn, nên nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng thiếu máu. Vì vậy, các cấp chức năng cần tiếp tục thúc đẩy hiệu quả hơn nữa công tác vận động hiến máu tình nguyện; đặc biệt quan tâm đến chất lượng, an toàn, tính bền vững của hoạt động hiến máu tình nguyện.

Nhiều ý kiến đề xuất, hiện ngân hàng máu tại một số trung tâm chính đã có dấu hiệu quá tải, vượt công suất hoạt động so với mục tiêu ban đầu đề ra, trong khi nhu cầu cung cấp chế phẩm máu ngày càng lớn và ngân hàng máu của các bệnh viện đang đuối sức. Do đó, rất cần thiết xây dựng ngân hàng máu mới với quy mô lớn hơn. Như Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông qua quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng ngân hàng máu cho Bệnh viện Truyền máu-Huyết học thành phố, với diện tích 3.500 m2, tổng vốn đầu tư là 699,482 tỷ đồng từ ngân sách của thành phố; thời gian thực hiện từ năm 2023 đến 2026. Cùng đó, cần củng cố, xây dựng các điểm hiến máu, ngân hàng máu ổn định, đầy đủ và an toàn; chủ động điều tiết lượng máu trong cả nước bảo đảm hợp lý, khoa học để phục vụ người bệnh.