Rút ngắn thời gian, mở rộng không gian
Nếu như trước đây, công tác chuẩn bị cho lễ hội diễn ra trong cả tháng, thậm chí là từ vài tháng trước thì hiện nay, ở một số làng, gần đến ngày khai hội, dân làng mới tranh thủ dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ không gian đình, đền, chuẩn bị đồ cúng, lễ phục,…
Không phải vì người làng thờ ơ dần với truyền thống mà vì cuộc sống thường nhật đã và đang bị tác động quá nhiều trong guồng quay kinh tế thị trường, thời gian thư nhàn để tham gia việc cộng đồng ít ỏi dần. Bên cạnh đó, do chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, người trẻ đi làm công nhân, giờ giấc gò bó, lại tăng ca kíp nên lâu nay, lực lượng chủ yếu tham gia tổ chức lễ hội ở nhiều địa phương cũng thưa thớt gương mặt trẻ, chủ yếu là lớp trung niên và các cụ cao niên.
Theo lệ xưa, lễ hội truyền thống ở nhiều làng thường kéo dài từ 5-15 ngày nhưng nay, hầu hết các lễ hội đều rút ngắn thời gian, hai đến ba ngày là cùng, có nơi chỉ tổ chức vẻn vẹn trong vòng một ngày. Vì thế, quy trình tổ chức phần lễ trong lễ hội được giản lược dần. Trong lễ hội làng Mọc (TP Hà Nội) trước đây, dân làng có thể thực hành nghi lễ rước đến 9-10 giờ tối thì nay, để phù hợp với nhịp sống đô thị, lễ rước chỉ diễn ra đến chiều.
Cùng với thay đổi về thời gian, không gian tổ chức lễ hội hiện nay cũng có những biến đổi nhất định. Tại lễ hội của làng An Phú (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), cụ từ trông coi đình cho biết: "Quá trình rước kiệu, rước lễ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi đi đâu cũng vướng dây điện, dây viễn thông chằng chịt, lơ lửng khắp nơi…". Còn ở khu vực phố cổ Hà Nội, khi việc kinh doanh buôn bán và lượng dân cư tăng lên, không gian chung của cộng đồng càng bị co cụm lại. Nhiều lễ hội đặc sắc, như lễ hội đình Kim Ngân, lễ hội đền Bạch Mã,… có chiều hướng bị mai một dần, bởi không được tổ chức thường xuyên mà nguyên do chính là điều kiện không gian không cho phép.
Theo Thạc sĩ Cao Trung Vinh, cán bộ Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cấu trúc cơ bản của lễ hội truyền thống được gìn giữ, bao gồm từ đám rước cho đến các nghi lễ tế, nghi lễ dâng hương, một số trò chơi dân gian,… Tuy nhiên, nếu như trong truyền thống, người dân quan tâm, coi trọng nhiều nhất đến đám rước, đội tế, và hình thức tế lễ của cộng đồng thì hiện nay, các thành tố này bị giản lược đi rất nhiều và thay vào đó, các thành tố như trò chơi dân gian, trò chơi đương đại lại được gia tăng.
"Loạn" kiệu bay, kiệu xoay
Sự phục hồi của lễ hội truyền thống với nghi lễ rước kiệu quay độc đáo trong đời sống dân sinh đương đại thật sự trở thành một hiện tượng văn hóa đa nghĩa và đa góc nhìn.
Rước kiệu thánh là một nội dung linh thiêng trong lễ hội. Lễ rước là để nghênh đón thần về dự hội của làng, để dân làng được cúng tế thần. Tại một số lễ hội, điểm đặc sắc và thu hút đông đảo người dân, du khách chính là màn rước "kiệu bay": các thanh niên khỏe mạnh của làng rước kiệu chao đảo khắp đường làng, ngõ phố. Có lúc vui đến cực điểm, các kiệu Thánh thăng hoa quay tròn, "bay" liên tục. Theo các cụ phụ lão, kiệu "bay" là do các Thánh chào nhau, thể hiện niềm vui hội ngộ.
Tuy nhiên, những năm gần đây lại nảy sinh hiện tượng các làng thi nhau rước "kiệu bay", dù nhiều lễ hội trước đây không hề có hình thức nghi lễ này. Cá biệt ở một số làng, do kinh nghiệm rước "kiệu bay" chưa có nhiều, hoặc vì nhiều lý do khách quan khác, đã dẫn đến trường hợp tai nạn đáng tiếc như kiệu bay đâm vỡ kính ô-tô, kiệu bay rơi cả long ngai, bài vị, có làng chỉ vì "kiệu bay" mà suýt làm hỏng mất… chiếc kiệu gần 300 năm tuổi.
Nói vậy, không có nghĩa là đô thị hóa chỉ có tác động tiêu cực đến những lễ hội truyền thống. Chúng ta không thể phủ nhận, với sự phát triển của đời sống dân cư, kinh tế-xã hội và khoa học công nghệ, nhiều lễ hội truyền thống đã bị mai một đang dần được phục dựng lại cùng với nỗ lực của cả cộng đồng. Dù với bất kỳ một lễ hội nào, nội dung có thể khác nhau, nhưng đều do cộng đồng sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và khát vọng cố kết cộng đồng. Đây chính là một trong những yếu tố then chốt cho việc hình thành, phát triển của lễ hội.
Tuy nhiên, tâm lý và hành vi của người dân trong bối cảnh đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã và đang có nhiều thay đổi, tác động không nhỏ đến sự tồn tại của lễ hội truyền thống. Chính vì vậy, có lẽ, việc duy trì và phục hồi lễ hội hiện nay rất cần có sự tham vấn của các nhà nghiên cứu văn hóa am hiểu cùng những người có trọng trách ở địa phương, đặc biệt là các bậc cao niên, không nên để người dân tự loay hoay giải quyết bài toán duy trì, bảo tồn lễ hội một cách tự phát. Mục đích cuối cùng là để người dân, bao gồm cả chủ thể của lễ hội và khách tham dự, được thụ hưởng những giá trị tốt đẹp từ lễ hội truyền thống.