Lấy lại niềm tin cho bảo hiểm nhân thọ

Cảm xúc tiêu cực của khách hàng đã tăng 19 lần trong vòng một năm qua đã khiến thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung rơi vào “vùng xám”. Làm sao lấy lại niềm tin để hồi sức cho toàn ngành đang là một bài toán khó giải.
0:00 / 0:00
0:00
Tư vấn tuyển dụng tại công ty bảo hiểm nhân thọ. Ảnh: NAM ANH
Tư vấn tuyển dụng tại công ty bảo hiểm nhân thọ. Ảnh: NAM ANH

Doanh thu sụt giảm nghiêm trọng

Tại Hội nghị định phí bảo hiểm Việt Nam 2023, bà Lý Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Quản lý BHNT thuộc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, ngành bảo hiểm đối mặt nhiều thách thức và những thay đổi không nhỏ, đặc biệt cuộc khủng hoảng trên truyền thông, khủng hoảng niềm tin người tiêu dùng. Khó khăn không dừng lại ở một vài doanh nghiệp, mà lan ra toàn ngành.

Cũng theo bà Thủy, tổng doanh thu phí bảo hiểm trong 10 tháng đầu năm 2023 mới chỉ đạt khoảng 127.000 tỷ đồng, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm trước, lần đầu tiên trong 20 năm ghi nhận mức phát triển âm, thể hiện rõ khó khăn.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia trong ngành bảo hiểm cũng đều nhận định rằng, thị trường BHNT đang bước vào thời kỳ khó khăn nhất, thậm chí còn hơn cuộc khủng hoảng của các thị trường Ấn Độ năm 2013, Hàn Quốc năm 1998. Có 81,8% số doanh nghiệp và chuyên gia của Vietnam Report cho rằng, việc xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực về BHNT là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp lĩnh vực này gặp phải trong năm 2023.

Trước đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm (gồm nhân thọ và phi nhân thọ) quý III ước đạt 52.900 tỷ đồng, giảm 10% so cùng kỳ năm 2022. Lũy kế chín tháng, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165.600 tỷ đồng, giảm gần 7% so cùng kỳ 2022, mức giảm doanh số của thị trường phần lớn đến từ BHNT (vốn chiếm 70% doanh thu toàn thị trường).

“Đây là lần đầu tiên sau gần chục năm, doanh thu bảo hiểm chín tháng sụt giảm”, báo cáo của Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

Ngay cả kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance) vốn được xem là mang lại doanh thu lớn cho các doanh nghiệp BHNT cũng ghi nhận sự sụt giảm về doanh thu. Thống kê doanh thu từ bảo hiểm trong chín tháng năm 2023 của 28 ngân hàng thì chỉ có tám ngân hàng đưa ra thông tin chi tiết về khoản mục thu nhập từ hoạt động bảo hiểm nằm trong thu nhập từ hoạt động dịch vụ, nhưng có tới bảy ngân hàng ghi nhận doanh thu “đi lùi”.

Trong số này, doanh thu từ bảo hiểm của SeABank là lớn nhất với hơn 79%, chỉ còn 77 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận 369 tỷ đồng. Bảo hiểm từng chiếm gần 30% nguồn thu từ dịch vụ vào năm 2022, thì đến hết tháng 9 năm 2023, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của SeABank chỉ còn chiếm 9%.

Cũng chịu thiệt hại trong chín tháng năm 2023, doanh thu từ bảo hiểm của Techcombank “bốc hơi” 57%, chỉ còn 458 tỷ đồng; TPBank giảm 56% về 291 tỷ đồng; Kienlongbank giảm gần 52% về 23 tỷ đồng...

Khó hồi sức

Đang đối mặt với nhiều khó khăn nhưng hầu hết các chuyên gia trong ngành bảo hiểm đều cho rằng, thị trường BHNT vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Bởi lẽ, bản chất của BHNT là cách thức dự phòng tài chính an toàn cho tương lai, với mục đích thay thế nguồn thu nhập khi người tham gia gặp rủi ro.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, tỷ lệ người dân sở hữu BHNT là rất cao, như Mỹ 90%, Singapore 80%, Malaysia 50%... nhưng ở Việt Nam con số này mới chỉ đạt khoảng 11%. Toàn ngành đang phấn đấu đến năm 2025 có 15% dân số có sản phẩm BHNT và con số này sẽ tăng lên 18% vào năm 2030.

Tuy nhiên, có một thực tế là những sản phẩm được phát triển bằng niềm tin thì khi đánh mất sẽ rất khó khôi phục. Cuộc khủng hoảng lần này của thị trường BHNT không phải đến từ những khó khăn chung của nền kinh tế, hay các yếu tố vĩ mô mà nó được định vị là “khủng hoảng niềm tin”.

Theo kết quả phân tích của Vietnam Report về các cuộc thảo luận liên quan chủ đề bảo hiểm, trong năm 2022, cảm xúc tiêu cực của khách hàng chỉ chiếm 2,2% nhưng đã tăng mạnh lên 54% trong năm 2023, tương đương mức tăng 19 lần.

Nguyên nhân của những cảm xúc tiêu cực này đến từ việc đại lý tư vấn sai sự thật, nhân viên ngân hàng tự ý “hô biến” tiền gửi của khách hàng thành hợp đồng bảo hiểm, hay mua BHNT trong thế bị ép, sản phẩm đi kèm khoản vay.

Một trong những sự việc lớn nhất phải kể đến người dân gửi tiết kiệm tại SCB bỗng hóa mua hợp đồng BHNT của Manulife. Cho đến nay, không ít khách hàng vẫn phải đối chất với Manulife nhưng chưa được hoàn tiền. Bên nào cũng có lý do chính đáng, song quan trọng nhất là người tiêu dùng mất niềm tin.

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng tung ra hàng loạt chiến dịch truyền thông xoay quanh chủ đề khơi gợi cảm xúc, tình yêu thương gia đình nhưng dường như vẫn chưa hóa giải được những e ngại và hiểu lầm của khách hàng. Nhiều đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng cho biết, tình trạng khách hàng đòi hủy hợp đồng bảo hiểm vẫn thường xuyên diễn ra, việc giữ chân khách hàng cũ đang là một thách thức lớn, còn phát triển khách hàng mới hẳn là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp BHNT cũng cho thấy, doanh thu khai thác mới trong 10 tháng năm 2023 giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Công ty Chứng khoán KBSV cho rằng, trong ngắn hạn, ngành ngân hàng sẽ vẫn phải đối diện với những khó khăn từ làn gió ngược trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động bancassurance.

Bên cạnh đó, suy thoái kinh tế thế giới sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường bảo hiểm mới nổi như Việt Nam và thực tế, lực lượng tư vấn bảo hiểm đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi khó khăn của thị trường. Việc khó bán hàng khiến một bộ phận tư vấn viên bảo hiểm nản chí và không muốn trụ lại với nghề.

Thị trường BHNT sẽ tiếp tục phải đối mặt với thách thức trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngành bảo hiểm nói chung và BHNT nói riêng vẫn có điểm sáng khi đang có sự thay đổi lớn về chính sách, thúc đẩy sự phát triển thị trường theo hướng ổn định, bền vững hơn.