Nguồn cung rau xanh giảm sút
Chị Liên đã có thâm niên bán rau ở chợ Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) kể lại không khí đìu hiu tại chợ đầu mối sáng 11/9 khi các vùng trồng rau là nguồn cung cho Hà Nội bị gián đoạn do ảnh hưởng của bão, lũ. “Hằng ngày, hàng trăm người bán buôn rau, củ, quả đến từ các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình… bỏ mối. Nhưng sáng nay, trời vừa mưa lại thưa thớt người bán, chỉ đông người mua. Nguyên do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi các vùng cung cấp rau xanh đang bị ngập lụt, rau xanh bị ngập úng do mưa lũ kéo dài dẫn đến việc thu hoạch, vận chuyển gặp khó khăn. Cảnh tranh nhau khi xe tải đến, giành từ cân bắp cải, mớ rau muống đến quả bí xanh. Hôm nay, tôi cũng chỉ lấy được mấy cân rau xanh. Như mọi ngày, tôi lấy được hàng yến”.
Nguồn cung giảm nên giá rau xanh tại các chợ dân sinh Hà Nội sáng 11/9 đã tăng đáng kể. Tại chợ Xuân La, các loại rau muống, rau ngót, mồng tơi, rau cải… đều tăng lên mức từ 18.000 - 20.000 đồng/bó, gần gấp đôi so với ngày thường; giá các loại củ, quả như cà rốt, bí xanh, bí đỏ… cũng tăng thêm từ 5.000 - 15.000 đồng/kg, tùy loại.
Chị Nguyễn Thị Hà (tiểu thương đến từ Lập Thạch, Vĩnh Phúc) chia sẻ, do mưa suốt ngày và đêm qua nên việc thu hái nông sản của nông dân và vận chuyển hàng hóa của thương lái khó khăn. Các loại củ, quả thì có sẵn, nhưng rau xanh khan hiếm nhiều. Bởi vậy mà giá cả đều tăng, cao hơn khoảng 1-1,5 lần so với ngày thường.
Theo ghi nhận của phóng viên sáng 11/9 tại các chợ truyền thống như Xuân La, chợ Bưởi (quận Tây Hồ), Nghĩa Tân, Đồng Xa (quận Cầu Giấy)… nguồn cung ứng thực phẩm, rau xanh vẫn bảo đảm nhưng giá các mặt hàng đều tăng mạnh.
Trong khi đó, giá một số mặt hàng thực phẩm khác như thịt lợn, thịt gà, thịt bò... không có nhiều biến động so trước bão. Theo chia sẻ của một số tiểu thương, do nguồn cung ổn định (nhập hàng từ nhiều hộ chăn nuôi lợn, bò...) nên giá các loại thịt không tăng nhiều trong đợt mưa bão. Giá thịt lợn dao động từ 180.000-250.000 đồng/kg (tùy loại); thịt bò có giá bán ở mức từ 310.000-360.000 đồng/kg (tùy loại); thịt gà ta từ 130.000-160.000 đồng/kg (tùy loại)... Một số loại thực phẩm khác cũng duy trì mức giá ổn định: cá chép dao động từ 60.000-70.000 đồng/kg, cá rô phi 45.000-55.000 đồng/kg, cá trắm 80.000 đồng/kg; cá mè giá từ 40.000-50.000 đồng/kg; cá lóc 70.000-80.000 đồng/kg; ốc mít 70.000 đồng/kg; trứng gà 35.000 đồng/10 quả...
Trong khi giá thực phẩm, rau xanh tại các chợ dân sinh có dấu hiệu tăng, thì ghi nhận vào khoảng 15 giờ ngày 10/9 tại các siêu thị như Big C, Winmart khu vực Tây Hồ, Cầu Giấy… những sản phẩm thiết yếu như thịt bò, thịt lợn, rau, thịt, trứng, cá vẫn dồi dào, giá cả bình ổn. Cụ thể, bí xanh có giá 19.900 đồng/kg; bí đỏ dài 14.200 đồng/kg; cà chua 35.900 đồng/kg; dưa leo 15.900 đồng/kg; cà rốt 28.700 đồng/kg; cải chíp giá 10.900 đồng/kg; cải ngọt 12.800 đồng/kg; cải ngọt 13.900 đồng/kg… Tuy nhiên vào chiều 10/9, sau khi Hà Nội có thông báo khả năng ngập lụt tại khu vực ngoại thành thì tại các hệ thống WinMart, lượng khách tới siêu thị đông hơn ngày thường, lượng rau, củ quả hết nhanh vì hàng chưa về nhiều.
Để bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa cho người dân, Sở Công thương TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp, hệ thống phân phối, bán lẻ cung cấp đầy đủ hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân, không để xảy ra tình trạng tăng giá sau bão. Không chỉ sau mưa bão, mà bảo đảm nguồn cung và duy trì ổn định giá cả hàng hóa vẫn là công tác xuyên suốt được các doanh nghiệp và địa phương tiếp tục thực hiện từ nay cho tới cuối năm.
Theo chia sẻ của đại diện các hệ thống siêu thị, do có sự chuẩn bị nguồn cung từ các trang trại, doanh nghiệp thuộc hệ thống, cũng như sự kết nối từ các nguồn cung, các nhà cung cấp từ trước khi bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội, nên tại các siêu thị hàng hóa, rau xanh không thiếu, giá cả ổn định.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long, cho biết, nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa, ngay khi có thông tin về bão số 3, siêu thị đã chủ động liên hệ với các đơn vị thu mua và nhà cung cấp tăng sản lượng nguồn cung, đặc biệt là các nhóm sản phẩm thiết yếu như rau, thịt, trứng, cá… với sản lượng dự trữ tăng khoảng 200 - 300% nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô. Bên cạnh đó, chất lượng các mặt hàng cũng luôn được bảo đảm, giá cả ổn định…
Bảo đảm cung ứng đủ thực phẩm cho người dân vùng lũ
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão Yagi đổ bộ các tỉnh, thành phố miền bắc, gây ngập úng cho hơn 124.500 ha lúa, hơn 28.880 ha hoa màu và cây ăn quả. Các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Giang... là những địa phương chịu nhiều thiệt hại.
Mưa, lũ lụt ảnh hưởng tới nguồn nhập hàng của các chuỗi siêu thị miền bắc. Các nhà cung cấp mặt hàng tươi sống (rau củ, quả, hải sản) cho các siêu thị tại phía bắc của AEON Việt Nam bị ảnh hưởng bởi bão, ngập lụt. “Mưa lớn làm cây trồng, hoa màu dập nát, úng ngập nước. Biển động nên đánh bắt hải sản cũng khó khăn”, bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc thu mua Khu vực miền Bắc & Trung AEON Việt Nam cho biết.
Bốn nông trại WinEco - nơi cung cấp 80% sản lượng rau, củ cho Winmart - cũng bị thiệt hại sau bão. Chưa kể, nhiều địa phương ngập sâu và sạt lở do hoàn lưu bão Yagi cũng khiến vận chuyển hàng từ kho đến các siêu thị, cửa hàng gặp trở ngại. Theo MM Mega Market, họ gặp khó khi chuyển hàng hóa tới người tiêu dùng cuối, do phải sử dụng ô-tô tải thay vì xe máy. Thời gian giao hàng vì thế kéo dài hơn trước.
Đại diện Central Retail Việt Nam cho biết, từ cuối tuần trước, họ tăng nhập hàng từ các đơn vị cung ứng ở Đà Lạt. Sản lượng hàng giao cho các siêu thị của chuỗi này tại miền bắc và trung tăng gấp đôi, trung bình 75-80 tấn mỗi chuyến. Hai ngày qua có bốn chuyến hàng, khoảng 150 tấn rau củ quả được chuyển từ miền nam tới các siêu thị phía bắc.
Nguồn hàng từ miền nam cũng sẽ bù đắp thiếu hụt do thiệt hại của các nông trường miền bắc sau bão, nhất là các loại rau phổ biến như mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, bầu, bí, mướp đắng. Hai ngày qua, gần 100 tấn rau củ mỗi ngày được vận chuyển, phân phối cho các siêu thị của Winmart tại phía bắc.
Tại MM Mega Market, thông thường, nông sản từ Lâm Đồng đi Hà Nội khoảng 12-15 tấn mỗi tuần, nay tăng lên 3 chuyến với 40 tấn cung ứng cho các siêu thị ở Thủ đô. “Mộc Châu (Sơn La) bị lũ, rau củ phân phối cho khu vực phía bắc phải vận chuyển thêm từ Lâm Đồng”, đại diện MM Mega Market cho biết.
Bốn ngày qua, trung tâm phân phối của Saigon Co.op cũng hoạt động hết công suất, tăng gấp 3 chuyến xe so với ngày thường. Họ tăng mua các mặt hàng rau xanh (rau muống, cải ngọt, bí đao, cải thảo, dưa leo, cà chua ...) từ Đồng Nai, Lâm Đồng và một số tỉnh Tây Nam Bộ. Ngoài thay đổi nguồn nhập, các chuỗi bán lẻ cũng làm việc với nhà cung cấp để tăng dự trữ hàng thiết yếu (gạo, mì tôm, đồ đông lạnh, sữa...) tại kho và siêu thị, đáp ứng khi sức mua tăng. MM Mega Market cho biết, hai tuần tới họ sẽ dự trữ thêm thực phẩm để tránh gián đoạn nguồn cung nếu các vùng sản xuất ở Hải Dương và Mộc Châu tiếp tục bị ngập.
Bộ Công thương yêu cầu các sở công thương rà soát các khu vực có nguy cơ chia cắt do mưa lũ để có phương án cụ thể cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng. Theo báo cáo sơ bộ của các Sở Công thương, doanh nghiệp phân phối, sức mua thực phẩm tươi sống, mì gói, nước uống có tăng nhưng nguồn cung vẫn đáp ứng tốt nhu cầu. Hệ thống siêu thị tại các địa phương lũ lụt nặng như Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái… đã chủ động làm việc với nhà cung cấp tăng gấp đôi nguồn cung hàng hóa rau củ quả tươi sống bảo đảm không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến, tăng thời gian mở cửa kéo dài đến 23 giờ thay vì 22 giờ như ngày thường, chủ động dự trữ lượng lớn nhu yếu phẩm, thực phẩm khô đủ sức tăng gấp 3-5 lần thông thường. Riêng thực phẩm tươi sống như rau, thịt cá đã tăng lượng hàng đến 2-3 lần.
“Ngày 11/9, Bộ Công thương đã có Công văn số 6813/BCT-TTTN gửi Sở Công thương tại 35 tỉnh, thành phố để chuẩn bị, điều phối hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng xăng, dầu nói riêng để kịp thời cung ứng, bảo đảm số lượng hàng hóa, lương thực, thực phẩm sẵn sàng huy động đưa ra thị trường phục vụ nhân dân” ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết.