1/Có một thực tế là người ta có thể dễ dàng bắt gặp những khu đô thị bỏ hoang ở nhiều nơi trên cả nước. Những dãy nhà hoang nhiều năm hay những “đô thị ma” này không chỉ ngày càng nhiều tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng mà còn lan sang nhiều tỉnh, thành phố khác.
Mặc dù vậy, việc xử lý, giải quyết tình trạng này không hề đơn giản do vướng từ thể chế, chính sách đến sự tác động của thị trường bất động sản. Thí dụ, một căn biệt thự đơn lập hạng sang tại khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức) có diện tích từ 500-800m2, giá bán khoảng 110-130 triệu đồng/m2, nhưng ở thời điểm “sốt đất”, những căn biệt thự này thậm chí được giao bán với mức giá 200 triệu đồng/m2 dù chung quanh khu vực này không có nhiều người ở, để cỏ dại xâm lấn đến hơn chục năm nay.
Tình trạng hàng chục nghìn căn biệt thự hay căn hộ hạng sang có giá hàng chục tỷ đồng đang tạo ra nhiều nghịch lý và mất cân đối trong sự phát triển thị trường nhà ở nói riêng và quản lý xã hội nói chung. Cùng với đó, một lượng lớn quỹ căn hộ chung cư được xây dựng để hỗ trợ cho người dân tái định cư cũng đang xảy ra tình trạng tương tự. Điều đáng nói là những khu đô thị bỏ hoang này lại thường có vị trí đắc địa và chiếm diện tích khá lớn nên vấn đề càng thêm nhức nhối, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người dân có thu nhập thấp đang phải đi thuê những chỗ ở tạm bợ, không bảo đảm chất lượng cuộc sống.
Dưới tác động của quá trình đô thị hóa, các dãy nhà mọc lên như nấm ở những nơi mà cuộc sống của người dân gắn liền với canh tác nông nghiệp là chủ yếu. Điều đáng buồn là sau nhiều năm bị thu hồi đất, những “bờ xôi, ruộng mật” trước kia lại được thay thế bằng những khối bê-tông lạnh lẽo chứ chẳng thấy một khu đô thị hiện đại, sầm uất đúng nghĩa ở đâu. Trong khi ấy, nông dân nằm trong diện giải tỏa không được cấp phép xây dựng, cải tạo do vướng quy hoạch, phải dời bỏ làng quê để tìm về nơi phố thị kiếm kế mưu sinh.
Hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang hóa trong thời gian dài đã gây lãng phí rất lớn, ảnh hưởng nặng nề đời sống người dân, còn các dự án treo thì tiếp tục bế tắc, kẹt vốn. Ở một số nơi, diện mạo khu vực nông thôn tuy đã có nhiều thay đổi so trước đây, nhưng người dân vẫn sống trong cảnh bị cái nghèo, cái đói bủa vây bởi không có ruộng đất, không có tư liệu để sản xuất. Đây là một nghịch lý khó chấp nhận, gây lãng phí rất lớn về tài nguyên đất đai và tiền của, cản trở sự phát triển của đất nước cần được xử lý nhưng vẫn bỏ ngỏ trong thời gian qua.
2/Báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 4 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” cho thấy, hiện trên cả nước có hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Trong đó, số lượng, diện tích đất chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích diễn ra ở hầu hết các địa phương. Nhiều dự án vi phạm kéo dài thậm chí hàng chục năm, nhưng chưa được khắc phục, xử lý. Tình trạng quy hoạch treo, dự án treo khá phổ biến, chỉ tính riêng 7/15 địa phương đoàn giám sát làm việc đã có 1.739 công trình, dự án được UBND cấp tỉnh phê duyệt nhưng không triển khai phải hủy bỏ, với tổng diện tích 12.015ha…
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, bên cạnh một số quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển thì nguyên nhân chủ yếu là việc tổ chức thực hiện. Trong đó có kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện chưa nghiêm, có hiện tượng buông lỏng quản lý, nể nang, né tránh tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương. Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ thống kê đầy đủ các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà, đất, tài sản công, các công trình phúc lợi công cộng, trong đó lưu ý thống kê đầy đủ các dự án nhà ở tái định cư được hình thành nhưng đến nay bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.
Nhiều năm qua, câu chuyện quản lý đất đai, xử lý dự án chậm triển khai mặc dù luôn được người dân quan tâm, các cấp, ngành coi trọng, chỉ đạo sát sao. Thậm chí có cả nghị quyết đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như biện pháp xử lý nghiêm đối với từng trường hợp vi phạm như xử phạt, công bố công khai, thu hồi, không giao dự án mới, nhưng rồi “đâu vẫn vào đấy”. Đã đến lúc việc thúc đẩy tiến độ, kiên quyết thu hồi các dự án “treo”, vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai được các cấp, ngành vào cuộc khẩn trương nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của 61/63 tỉnh, thành phố, tính đến ngày 31/12/2021, có 908 dự án có khó khăn, vướng mắc với diện tích là 28.155ha chậm hoặc chưa đưa đất vào sử dụng, nhưng mới xử lý thu hồi đất và chấm dứt hoạt động 172 dự án với diện tích là 6.922ha; chưa xử lý 404 dự án với diện tích là 18.308ha…