Lãng phí kép

Nhiều cảng cá, khu neo đậu trên cả nước liên tục bị bồi lấp, trong khi các dự án nạo vét gặp nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho hoạt động của các tàu cá lớn, nhỏ. Thực trạng này dẫn đến sự lãng phí kép, khi các tàu lớn phải đỗ từ xa, thuê tàu trung chuyển cá vào bờ, còn tàu nhỏ cũng hay bị va vào bãi cát, phải sửa chữa, lai dắt thường xuyên, vừa tốn tiền vừa tốn thời gian.
0:00 / 0:00
0:00
Cảng cá Cửa Tùng bị bồi lấp khiến tàu lớn không thể ra vào cảng, ảnh hưởng đến mưu sinh của ngư dân.
Cảng cá Cửa Tùng bị bồi lấp khiến tàu lớn không thể ra vào cảng, ảnh hưởng đến mưu sinh của ngư dân.

Nhiều năm qua, những tàu cá 3.000 CV trở lên và tàu chở hàng lớn không thể vào cảng Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị, do bị bồi lấp. Hầu hết các tàu này phải đậu ở ngoài xa, thuê tàu nhỏ trung chuyển vào cảng. Cuối năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị triển khai Dự án nạo vét luồng lạch cửa sông Bến Hải (đoạn luồng lạch vào cảng cá Cửa Tùng). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như sóng, biến đổi dòng chảy, bão lũ… luồng chạy tàu tại khu vực cảng cá Cửa Tùng tiếp tục bị bồi lấp. Các cồn cát bồi lấp gần hết cửa sông làm luồng chạy tàu biến đổi, khúc khuỷu hình chữ Z, chiều rộng luồng có đoạn dưới 10 m, độ sâu luồng nhiều vị trí chỉ có 50 cm, gây khó khăn, mất an toàn giao thông cho các phương tiện thủy, tàu cá ra khơi đánh bắt thủy hải sản.

Tháng 12/2022, Sở Giao thông vận tải Quảng Trị tiếp tục đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải bổ sung hạng mục nạo vét bãi cạn Cửa Tùng (Km 0 đến Km 2 sông Bến Hải), khối lượng nạo vét dự kiến khoảng 50.000 m3, kinh phí dự kiến khoảng bảy tỷ đồng nhưng đến nay, việc nạo vét vẫn chưa được triển khai.

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho hay, việc luồng lạch cảng cá bị bồi lấp ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các tàu cá, khiến các thương lái tốn thời gian thu mua, chất lượng hải sản bị suy giảm. Kế hoạch đi biển vì thế cũng bị động và chậm trễ, tàu thuyền bị hỏng hóc do va vào bãi cát. Tàu ra vào cảng cá Cửa Tùng phải chờ thủy triều dâng. Khó khăn chồng chất khó khăn.

"Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh tiếp tục đề xuất phương án để duy trì nạo vét, đáp ứng nhu cầu tàu vào ra cập cảng, đặc biệt trong mùa khai thác sắp tới", ông Vinh cho hay.

Thực trạng bồi lấp cũng diễn ra tại Khu neo đậu tránh, trú bão Cửa Hội, cảng cá Xuân Hội ở huyện Nghi Xuân, Cửa Sót ở huyện Lộc Hà, Cửa Nhượng ở huyện Cẩm Xuyên (thuộc tỉnh Hà Tĩnh); cảng cá Lạch Bạng thuộc phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa); cảng Lạch Vạn ở huyện Diễn Châu (Nghệ An)… Theo ngư dân Nguyễn Văn Hải, phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), thu nhập từ nghề đi biển của ngư dân đã giảm nhiều so thời điểm từ năm 2018 trở về trước, ngoài nguyên nhân giá xăng dầu tăng cao còn do việc đi lại vào cảng Lạch Bạng khó khăn. Nhiều người đã bỏ nghề biển, đi làm những nghề khác. Tại phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn, nhiều người dân cũng phải bỏ nghề, do tàu thuyền nhiều lần mắc cạn, phải tốn tiền thuê đội thợ cứu hộ ở Cảng Hới (Sầm Sơn) hoặc ở Nghệ An giải cứu.

Để phát triển kinh tế biển thì việc nâng cấp cảng cá, nạo vét cửa lạch là rất cần thiết. Bởi khi cửa lạch được mở rộng, nạo vét thông thoáng, thì tàu to máy lớn mới hoạt động được. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, chưa có giải pháp mang tính căn cơ, các tỉnh miền trung liên tục phải hứng chịu những trận bão hoặc mưa lớn, nên tình trạng bồi lắng vẫn tái diễn khá mạnh. Ông Thân Quốc Tế, Phó Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá, bến cá Hà Tĩnh cho biết: Việc khơi thông luồng lạch, cảng là cần thiết, song ngân sách địa phương hạn chế, khối lượng thực hiện nhiều, lại chưa có cơ chế khuyến khích xã hội hóa, nên việc nạo vét gặp nhiều khó khăn.

Nhiều địa phương kiến nghị, các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu cơ chế, chính sách, hỗ trợ việc nạo vét cảng cá, bảo đảm việc đi lại thông suốt để có thể khai thác, phát huy tốt nguồn lực.