KHƠI DẬY SỨC MẠNH VĂN HÓA

Lan tỏa giá trị di sản báo xuân, báo Tết

Vừa qua, trong Hội báo toàn quốc 2023, không gian trưng bày “Xuân xưa trên báo Tết” đã giới thiệu đến công chúng gần 200 bìa báo đẹp, tiêu biểu được tuyển chọn từ hàng nghìn tờ báo Tết trong bộ sưu tập báo Xuân của Bảo tàng Báo chí Việt Nam trải dài từ năm 1865 đến năm 2000. Hoạt động này gợi nhiều suy nghĩ về vấn đề bảo tồn và khai thác hiệu quả những giá trị quý báu của báo xuân, báo Tết trong bối cảnh đương đại.
0:00 / 0:00
0:00
Tham quan không gian “Xuân xưa trên báo Tết” tại Hội báo toàn quốc 2023.
Tham quan không gian “Xuân xưa trên báo Tết” tại Hội báo toàn quốc 2023.

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, có nhiều tờ báo ra đời vào đúng dịp Tết cổ truyền như “Gia Định báo” số 2 xuất bản ngày 15/2/1866 đúng mồng Một Tết Bính Dần nhưng chưa có phong vị xuân trên báo hay tờ “Thông loại khóa trình” số 10, xuất bản tháng 2/1889 thì chỉ mới đề cập đến không khí xuân ở trang 2 qua dòng “Tân Xuân” bằng chữ Hán và “Chữ viết dán ngày Tết”.

Theo nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, một số tờ báo như Nam Kỳ (1898), Lục Tỉnh Tân Văn (1908)… cũng có đề cập đến Tết trong các số báo ra dịp đầu xuân nhưng phải đến “Nam Phong tạp chí” số Tết năm 1918 thì báo Tết mới thực sự khởi đầu cho trào lưu ra báo xuân hằng năm của báo chí Việt Nam. Nhà nghiên cứu, sưu tầm báo chí Tạ Thu Phong lại cho rằng: Nam Phong tạp chí năm 1918 chỉ là tờ chuyên đề Tết, còn đã là báo Tết thì phải ra thường xuyên. Từ đó, ông cho rằng tờ Phụ nữ tân văn mới là tờ báo Tết đầu tiên bởi tờ báo này ra đời năm 1929, đến năm 1930 thì có số báo Tết đầu tiên và từ đó hằng năm đều ra báo Tết.

Có thể nói, từ những bước khởi đầu này, di sản báo xuân đã từng bước hình thành và phát triển, trở thành nguồn di sản có giá trị trong kho tàng báo chí Việt Nam.

Giá trị di sản báo xuân

Trong 8 năm qua, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã từng bước làm phong phú bộ sưu tập hơn 2.000 tờ báo xuân, được xuất bản từ năm 1865 đến 2000. Trong đó phải kể đến nhiều tờ báo xuân tiêu biểu qua các thời kỳ như Nam Phong, Trung Hòa Nhật Báo, Ngày nay, Dân Chúng, Sự thật, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Cờ Giải phóng, Lao Động, Việt Nam Độc lập…

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, qua những tờ báo xuân, phong vị Tết xưa hiển hiện rõ nét với nhiều điểm nhấn. “Báo xuân không chỉ “ôn cố” mà còn “tri tân”, không chỉ tổng kết những chuyện lắng đọng đã qua mà còn mang tới những niềm vui, những câu chuyện hấp dẫn, kiến tạo bầu không khí tưng bừng, với những phong tục tập quán độc đáo ngày xuân ở ba miền đất nước, hay giới thiệu văn hóa muôn màu, thế giới muôn sắc”, nhà báo Lê Quốc Minh đánh giá.

Lan tỏa giá trị di sản báo xuân, báo Tết ảnh 1

Một số bìa báo xuân được trưng bày tại Hội báo. Ảnh: QUANG HƯNG

Điều đó cho thấy, việc bảo tồn và phát huy giá trị của báo xuân, báo Tết xưa góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa. Ở đó chứa đựng nhiều thông tin về đời sống, văn hóa, tín ngưỡng và phong tục của người Việt Nam. Việc bảo tồn báo xuân, báo Tết xưa giúp cho thế hệ sau tìm hiểu về các truyền thống, phong tục tập quán, tín ngưỡng của người Việt Nam vào dịp Tết. Báo xuân, báo Tết cũng giúp giới thiệu hình ảnh về đời sống xã hội, nền kinh tế và chính trị của Việt Nam trong quá khứ.

Qua di sản báo xuân, chúng ta cũng được tiếp cận với cách làm báo, những thành tựu nổi bật của ông cha ta trong in ấn, mỹ thuật, kỹ thuật chế bản… Bởi lẽ báo xuân chính là ấn phẩm được tạo nên bởi “sức mạnh tổng lực” của cả một tòa soạn, vì nó đặc biệt nên những gì tinh túy nhất, chắt chiu nhất, đều được dành cho báo xuân.

Đưa di sản báo xuân đến với công chúng

Việc bảo tồn báo xuân, báo Tết xưa đòi hỏi sự chăm sóc và bảo quản kỹ lưỡng để bảo đảm sự nguyên vẹn. Các trang báo xưa thường dễ bị ảnh hưởng do thời gian và môi trường. Do đó, việc bảo quản các tờ báo này đòi hỏi sự chuyên nghiệp về kỹ thuật, như lưu giữ trong điều kiện môi trường ổn định, bảo vệ khỏi ánh sáng mặt trời, ẩm ướt và côn trùng, hay số hóa để lưu trữ và phục hồi các bản in cũ.

Ngoài ra, việc bảo tồn báo xuân, báo Tết xưa cũng đòi hỏi sự hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan. Bởi lẽ, các tờ báo này thường được giữ lại trong các bộ sưu tập gia đình hoặc cá nhân, do đó việc tìm kiếm và thu thập các tờ báo xuân xưa này đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực.

Nhìn rộng ra thế giới, việc triển lãm di sản báo chí là một trong những hình thức phổ biến để giới thiệu và quảng bá văn hóa, lịch sử và truyền thống của một đất nước, hay địa phương. Các trưng bày, triển lãm này thường được tổ chức tại các bảo tàng, thư viện, các trung tâm văn hóa và du lịch, tạo nên một phong cách trưng bày độc đáo, gây hiệu ứng truyền thông, khuyến khích du khách tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử và truyền thống của một địa phương.

Mặt khác, chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các nhà sưu tầm báo chí tư nhân trong việc bảo tồn di sản báo xuân, báo xưa. Họ là những người đam mê, có kiến thức sâu rộng về lịch sử báo chí Việt Nam… Nhiều nhà sưu tầm sẵn sàng bỏ hàng chục triệu đồng để mua lại các bản báo xuân xưa, từ đó tạo ra các bộ sưu tập báo xuân đa dạng, phong phú và đầy đủ về thời gian và địa điểm. Như trường hợp nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng, người sở hữu gần 20 tấn báo, tương đương khoảng 400 nghìn tờ báo. Ông đã từng phải bỏ ra 50 triệu đồng để mua về chỉ một tờ báo Cờ Giải Phóng số đầu tiên. Chính vì vậy, khi nói đến báo xuân, báo Tết, nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng cũng rất trăn trở:

“Nước ta, do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, hoàn cảnh chiến tranh, để sưu tầm báo chí xưa đã khó, sưu tầm báo xuân, báo Tết lại càng khó hơn nhiều. Vậy nên để sưu tầm được báo xuân là cả một sự kỳ công. Báo xuân có sự khác biệt rõ rệt với các tờ báo thường ngày, từ cách trưng bày hình thức bên ngoài đến nội dung bên trong. Số lượng báo xuân phát hành thường nhiều hơn báo hằng ngày, nội dung số trang của báo xuân cũng có lượng thông tin lớn hơn rất nhiều, chính vì vậy số trang thường gấp hai, gấp ba lần báo thường. Bên cạnh nội dung đặc sắc, báo xuân cũng được đầu tư nhiều về mặt mỹ thuật, các trang bìa, hình minh họa rất đẹp, thu hút công chúng”.

Mong muốn số hóa bộ sưu tập báo chí của mình, nhưng nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng cũng gặp phải nhiều khó khăn như: khổ giấy báo xưa thường rất lớn, mà máy photo phổ thông lại nhỏ; hoặc như các tờ báo xưa đã rất “sâu” tuổi, nếu đưa vào thao tác số hóa chỉ sợ hư hỏng, không còn được nguyên vẹn… Nhưng ông vẫn khẳng định: “Tôi đã, đang và sẽ tiếp tục chia sẻ bộ sưu tập báo chí của tôi”. Điều đó, thể hiện qua việc ông đã hiến tặng nhiều tờ báo trong bộ sưu tập báo chí của mình cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trong đó có cả những tờ báo xuân quý hiếm.

Dễ dàng nhận thấy, các giá trị của di sản báo xuân, báo Tết phải được gìn giữ, phát huy. Do đó, bên cạnh những biện pháp kỹ thuật, vấn đề quan trọng là cần “thổi hồn” cho di sản, để di sản tư liệu đến với công chúng một cách tự nhiên, sinh động. Muốn thu hút đông đảo công chúng, cần đa dạng hóa cách thức tiếp cận thông qua những tọa đàm, hội thảo, những cuộc trưng bày, triển lãm di sản tư liệu. Quá trình này rất cần sự liên kết giữa những người làm công tác lưu trữ với các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và chuyên gia công nghệ. Vừa qua, trong không gian trưng bày: “Xuân xưa trên báo Tết 1865-2000”, bên cạnh những vách trưng bày kiểu truyền thống, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sử dụng thêm màn hình đứng cảm ứng trình chiếu các bìa báo Xuân để công chúng trải nghiệm. Đó có thể coi như một nỗ lực của bảo tàng nhằm đưa những giá trị di sản quý báu đến gần hơn với

công chúng.