Làn sóng đầu tư vào "thủ phủ" làng nghề Thường Tín

Với lợi thế gần trung tâm thành phố, hạ tầng giao thông thuận tiện, hệ thống làng nghề phát triển, huyện Thường Tín (Hà Nội) hội tụ nhiều điều kiện để thu hút đầu tư phát triển khu cụm công nghiệp. Sau một năm gặt hái được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, năm 2024, huyện Thường Tín đặt mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng tăng trưởng.
0:00 / 0:00
0:00
Diện mạo trung tâm huyện Thường Tín hôm nay.
Diện mạo trung tâm huyện Thường Tín hôm nay.

Phát huy lợi thế làng nghề

Đến Trát Cầu, xã Tiền Phong, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự tấp nập, sầm uất của một làng nghề truyền thống. Những chuyến xe tải chở hàng vào ra, tiếng máy dệt từ nhiều ngôi nhà văng vẳng khắp xóm làng... Có tuổi đời hàng trăm năm, làng nghề sản xuất chăn ga gối đệm Trát Cầu đã trải qua không ít thăng trầm để tồn tại và phát triển, khẳng định thương hiệu riêng. Anh Nguyễn Hồng Quân, chủ cửa hàng Quân Huyền chia sẻ: "Sản phẩm của làng đã có mặt trên toàn quốc. Người lao động luôn sáng tạo, tạo ra những mẫu hàng đẹp, thiết thực với người tiêu dùng".

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiền Phong Đỗ Duy Sơn, hiện làng Trát Cầu có hơn 1.200 hộ và có hơn 50 doanh nghiệp sản xuất chăn ga, gối đệm, mỗi doanh nghiệp thường xuyên tạo việc làm cho khoảng 20 lao động. Ngoài doanh nghiệp, hàng trăm hộ làm nghề chăn ga, gối đệm đều đầu tư máy móc hiện đại, như máy chần, máy thêu, dây chuyền sản xuất mút tấm, mút cây, ruột đệm… Nhờ "đắt hàng", thu nhập của người dân được bảo đảm. Năm 2023 tổng giá trị sản xuất thương mại dịch vụ ước đạt 300 tỷ đồng.

Điều đáng nói, chính quyền xã Tiền Phong chú tâm phát triển bền vững các ngành nghề truyền thống; khuyến khích các hộ kinh doanh, sản xuất liên kết thành lập công ty, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, quảng bá sản phẩm làng nghề.

Thường Tín được coi là "thủ phủ" của làng nghề, với 126 làng nghề, trong đó 48 làng nghề truyền thống, tiêu biểu như: sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái); nghề thêu tại các xã: Quất Ðộng, Thắng Lợi, Lê Lợi; nghề tiện gỗ ở làng Nhị Khê (xã Nhị Khê); nghề điêu khắc ở các làng: Nhân Hiền (xã Hiền Giang), Thượng Cung (xã Tiền Phong), Thụy Ứng (xã Hòa Bình)... Riêng 48 làng nghề truyền thống có khoảng 10 nghìn cơ sở sản xuất và hàng trăm doanh nghiệp, tạo việc làm ổn định cho ba vạn lao động với mức thu nhập 5-10 triệu đồng/người/tháng. Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Thường tín, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng năm 2023 ước đạt 26.465 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm và tăng 17,4% so năm 2022. Trong đó tổng giá trị sản xuất công nghiệp-thủ công nghiệp năm 2023 ước đạt 20.424 tỷ đồng.

Làn sóng đầu tư vào "thủ phủ" làng nghề Thường Tín ảnh 1

Từ làng Trát Cầu (xã Tiền Phong), sản phẩm được đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố.

Ảnh: VĂN HỌC

Ðiểm sáng ở cửa ngõ phía nam của Thủ đô

Thường Tín đang được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư để trở thành trung tâm phát triển trong khu vực. Hiện nay, huyện tập trung nhiều khu cụm công nghiệp lớn và gần các trục giao thông huyết mạch, tạo động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững. Trong đó phải kể đến các cụm công nghiệp Liên Phương (18,8 ha), Hà Bình Phương 1 (41,6 ha), Hà Bình Phương 2 (9,1 ha), Duyên Thái (18,4 ha), Quất Động (23,6 ha), Quất Động mở rộng (43 ha), Ninh Sở (5,1 ha), cụm tiểu thủ công nghiệp Vạn Điểm (7,2 ha) và cụm tiểu thủ công nghiệp Tiền Phong (7,6 ha).

Ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín cho biết, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở thường xuyên bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu và chủ đề công tác của thành phố; hành động quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong việc điều hành nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt là trong việc triển khai những việc khó như giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân.

Năm 2024, huyện tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp Thắng Lợi, Tiền Phong giai đoạn 2 và Ninh Sở. Cùng với đó là rà soát các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn và thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về cụm công nghiệp theo phân công, phân cấp. Huyện cũng triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư đối với những dự án được giao năm 2024, trong đó tập trung thực hiện các dự án xây dựng trường chuẩn quốc gia, các dự án thuộc các xã xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Đồng chí Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy Thường Tín khẳng định, xác định năm 2024 là năm đặc biệt quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Thường Tín lần thứ 24, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao, huyện xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, vừa tập trung phát triển kinh tế-xã hội, vừa bảo đảm quốc phòng an ninh, quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của từng ngành, lĩnh vực.