Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Làm mới cách tuyên truyền, giáo dục lịch sử

Nước ta có rất nhiều ngày lễ lớn, dịp kỷ niệm, sự kiện trọng đại… cùng mạng lưới di tích lịch sử, văn hóa dày đặc với nhiều nội dung, hình ảnh, tài liệu, nhân chứng... Bên cạnh những hình thức tuyên truyền lịch sử, giáo dục truyền thống đã áp dụng bao năm qua, thực tế đang đòi hỏi cần có thêm nhiều đổi mới, sáng tạo để việc khai thác các địa điểm lịch sử, các hoạt động tìm về truyền thống trở nên sinh động, hấp dẫn và hiệu quả hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh xem triển lãm về biển đảo.
Học sinh xem triển lãm về biển đảo.

1/Năm 2019, trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, hàng loạt trường học trong và ngoài địa bàn Hà Nội từ tiểu học đến đại học đã kết hợp lễ khai giảng năm học mới với các hoạt động phong phú nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh, sinh viên. Hàng trăm bức ảnh chủ đề biển đảo Tổ quốc được trưng bày trang trọng trong khuôn viên trường, bên cạnh bản đồ, hiện vật, ấn phẩm sách, bưu thiếp... Toàn bộ không gian, từ cổng trường tới sân khấu và những hàng cây khoác một chân dung mới. Những hình ảnh đó ngay lập tức chạm vào cảm xúc mỗi người. Cùng các em bước vào năm học mới còn có các chú bộ đội hải quân, kỹ sư yêu biển đảo, nhà văn… cùng những tác phẩm, câu chuyện đầy cảm hứng. Rất nhiều câu hỏi thú vị được đặt ra cho các khách mời, về chủ quyền Tổ quốc, về văn hóa lịch sử dân tộc, về sự gian khó nơi biên giới, đảo xa…

Không dừng lại ở đó, mỗi ngôi trường đều có cách thức riêng thể hiện sự sẻ chia, lan tỏa. Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) có chính sách riêng chào đón con em cán bộ, chiến sĩ trong quân đội khi có nguyện vọng học tập, rèn luyện tại trường; trao quà để cùng góp vào 3.000 phần quà Tết Trung thu “Bố ở đảo xa, con ở nhà có bạn” do CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương phối hợp Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức; học sinh nhà trường viết hàng nghìn tấm thiệp, làm đèn ông sao gửi những bạn nhỏ có bố công tác xa nhà.

2/Huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cho xây dựng 25 mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa. Toàn địa phương chung tay với mong muốn các em học sinh từ độ tuổi nhỏ nhất sẽ có cái nhìn trực quan, từ đó chủ động tìm hiểu thông tin về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Địa phương cũng có nhiều hoạt động ý nghĩa, như: nhân giống, trồng cây bàng quả vuông, mù u được đưa về từ quần đảo Trường Sa; liên tục tổ chức các buổi ngoại khóa, triển lãm ảnh và hiện vật; tặng sản vật địa phương cho bộ đội; thi vẽ tranh, viết thư; tích hợp giáo dục văn hóa truyền thống vào các môn học, các hoạt động ngoài giờ lên lớp… Vài năm trở lại đây, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, địa phương đều tặng ra Trường Sa hàng tấn mì gạo, chè, nón lá... Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Đại tá Phan Ngọc Quang, Chính ủy Lữ đoàn 685, Vùng 4 Hải quân thường di chuyển chặng đường khá xa từ Cam Ranh, Khánh Hòa ra Hà Nội và đến với vùng đất Cẩm Khê, tham dự sự kiện tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Món quà anh gửi tặng khi là màn song ca “Gần lắm Trường Sa” với một cô giáo người địa phương, khi là những lá cờ Tổ quốc bạc mầu từng tung bay nơi đầu sóng ngọn gió. Hình ảnh Đại tá Phan Ngọc Quang tiếp nhận và mang theo quà tặng nón lá miền trung du vào Cam Ranh gửi những người mẹ, người vợ của các cán bộ, chiến sĩ hải quân đầy mộc mạc và xúc động.

3/Nhiều năm gắn bó với các địa phương, nhà trường trong việc tổ chức tham quan di tích lịch sử, văn hóa kết hợp giáo dục truyền thống, CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương được đánh giá cao với những hoạt động tiêu biểu, tạo dấu ấn tốt đẹp và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Trước mỗi sự kiện, Ban tổ chức đều tìm tòi, phát huy tính sáng tạo. Thí dụ, gần đây ở các triển lãm ảnh do CLB tổ chức, người xem không phải chờ đợi thuyết minh mà có thể tự mình trải nghiệm, tìm hiểu, lưu trữ thông tin thông qua việc quét mã QR để đọc chữ hoặc nghe thuyết minh tự động về nội dung ảnh, những câu chuyện liên quan, các trích đoạn trong tác phẩm văn học.

Trong năm 2022 và 2023, CLB đã có kế hoạch phối hợp các nhà xuất bản, đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin, văn nghệ sĩ xây dựng Tủ sách “Trường Sa xanh” bao gồm các sáng tác, ấn phẩm đa dạng về thể loại: Tiểu thuyết, thơ, ký sự, tản văn, bưu thiếp, album ca nhạc và múa đương đại… phát hành trên các nền tảng số như: YouTube, TikTok…; đồng thời triển khai các dự án chuyển đổi số, đưa công nghệ sản xuất phim, hình ảnh động với phong cách hiện đại, tương tác đa chiều vào các hoạt động tuyên truyền. Hiệu quả bước đầu được minh chứng qua việc nhiều địa phương ở tỉnh địa đầu Tổ quốc là Hà Giang như Bắc Mê, Vị Xuyên, Đồng Văn, Quản Bạ, Xín Mần… đã đăng ký với CLB để được tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống cho bà con nhân dân, thế hệ trẻ theo hình thức trực tiếp, có bổ trợ các ứng dụng hiện đại từ công nghệ số.

4/Thực tế cho thấy, trong các hoạt động giáo dục truyền thống diễn ra ở các trường học, khi được khuyến khích, học sinh, sinh viên đã phát huy được tính sáng tạo thông qua cách thức thiết kế, trưng bày, truyền tải thông điệp. Tại triển lãm ảnh và tọa đàm về biển đảo ở Trường đại học Xây dựng được tổ chức vào năm 2019, nhiều sinh viên Khoa Xây dựng công trình biển và Dầu khí đã đối thoại với các kỹ sư, thầy cô giáo với mong muốn đưa những bài học, ý tưởng được tích lũy suốt quá trình học tập trở thành giải pháp ứng dụng hữu ích nhằm cải thiện môi trường, bổ trợ các hoạt động quan trọng của Hải quân trên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1. Hoặc trường hợp của diễn viên múa Phạm Ngọc Hoa ở Hà Nội, sau các chuyến công tác liên tục trên biển đảo, chị đã dàn dựng các tiết mục múa đương đại với chủ đề “Nơi đầu sóng” đầy phá cách, ấn tượng, kết hợp nền tảng truyền thống với các kỹ thuật, hiệu ứng hiện đại và biểu diễn trong các nhà trường.

Ứng với mỗi di tích lịch sử, văn hóa và các sự kiện, hoạt động kỷ niệm… là những con người, vùng miền, bản sắc cụ thể. Việc đổi mới cách làm cần khuyến khích sức sáng tạo nội tại từ chính các địa phương, cá nhân… để phương thức truyền đạt, giáo dục, khơi dậy truyền thống dân tộc… trở nên phù hợp, đa dạng sắc màu.