Lại băn khoăn về sách giáo khoa mới

Mới đây, việc Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, thu hút sự quan tâm và nhiều quan điểm khác nhau của người làm giáo dục.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc buổi làm việc của Đoàn giám sát. Ảnh: Phạm Thắng
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc buổi làm việc của Đoàn giám sát. Ảnh: Phạm Thắng

Cụ thể, chiều 27/7, tại buổi làm việc, sau khi nghe ý kiến của Đoàn giám sát, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu: "Trong dự thảo báo cáo, Đoàn giám sát đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xem xét và tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Vậy chúng tôi cũng đề nghị Đoàn giám sát, nếu có thể, cho biết chi tiết hơn căn cứ vào điểm yếu hay bất cập lớn nào được đúc rút qua quá trình giám sát khiến đoàn thấy đó là căn cứ và thấy cần thiết phải đưa ra yêu cầu này". Người đứng đầu ngành giáo dục cũng phân tích, nếu Quốc hội vẫn yêu cầu, Bộ sẽ nghiên cứu tác động của chính sách, từ đó có đề xuất cụ thể vì đây sẽ là một thay đổi rất lớn, tác động những năm triển khai tiếp theo của chu trình đổi mới và có thể xem như sự thay đổi chính sách giữa kỳ lớn nhất trong thời điểm này.

Nêu quan điểm với Nhân Dân cuối tuần, bà Nguyễn Thị Diệp - Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Newton (Hoài Đức, Hà Nội), khẳng định: "Qua mấy năm áp dụng chương trình mới, tôi thấy các bộ sách đang được sử dụng đều là những công trình khoa học nghiêm túc. Sự đa dạng trong cách tiếp cận giúp các địa phương có nhiều lựa chọn nội dung sách giáo khoa phù hợp với đặc điểm vùng miền và hoàn cảnh của học sinh. Dù là bộ sách nào, lúc mới ban hành đều có thể có đôi chỗ "sạn", nhưng các tác giả đã tiếp thu và chỉnh sửa, nên hiện tại rất ổn. Vì thế, tôi nghĩ không cần phải có thêm một bộ sách mới nào nữa".

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị: "Đoàn giám sát xem xét, cân nhắc bỏ hoặc điều chỉnh nội dung này. Những khó khăn, vướng mắc của việc Bộ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đã được Bộ báo cáo Chính phủ và Quốc hội vào đầu năm 2020 và đã được Chính phủ, Quốc hội đồng ý không biên soạn một bộ sách bằng Nghị quyết 122, chỉ biên soạn những đầu sách không có đơn vị và cá nhân nào biên soạn. Nay những lý do và nhân tố mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình vẫn còn nguyên, thậm chí khi có nhiều bộ sách giáo khoa lưu hành trong xã hội thì những khó khăn sẽ gia tăng hơn nếu yêu cầu Bộ biên soạn sách giáo khoa".

Là người trực tiếp quản lý một cơ sở giáo dục từ nhiều năm nay, nhà giáo, nhà văn Đào Quốc Vịnh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thẳng thắn: "Cần khẳng định rằng, việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, thực hiện "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" là đúng định hướng tại Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về "xây dựng một nền giáo dục mở", "đa dạng hóa tài liệu học tập" và quy định tại Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội: "Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học". Chủ trương này chẳng những huy động được nguồn lực trong xã hội để không ngừng nâng cao chất lượng mà còn xóa bỏ thế độc quyền trong biên soạn, in ấn và phát hành sách giáo khoa. Tôi đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong cuộc họp với Đoàn giám sát của Quốc hội rằng, việc yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa lúc này là thay đổi chính sách giữa chừng, sẽ gây ra những hệ lụy lớn, khó lường cho xã hội. Các nhà đầu tư trong lĩnh vực này thì thiệt thòi, còn nhà đầu tư trong những lĩnh vực khác sẽ e dè khi thấy rằng môi trường đầu tư thiếu ổn định. Nếu việc xã hội hóa sách giáo khoa đổ bể, các nhà đầu tư đang tiên phong trong lĩnh vực này theo lời kêu gọi của Nhà nước sẽ rơi vào tình trạng phá sản, và thời kỳ độc quyền sách giáo khoa sẽ quay trở lại, ảnh hưởng rất sâu sắc tới việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 của Đảng".

Tuy thế, theo lý giải của Đoàn giám sát, "nếu giao cho tất cả các lực lượng xã hội hóa, các tổ chức, cá nhân thì ai sẽ chịu trách nhiệm trong việc phát triển, cập nhật chương trình, trách nhiệm của Nhà nước ở đâu?", ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát - đặt câu hỏi và giải thích: "Ở đây không chỉ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ chỉ tổ chức, còn như ở nhiều nước vẫn có hội đồng quốc gia chịu trách nhiệm về nội dung sách giáo khoa. Không nhất thiết phải viết bộ sách giáo khoa mới, cái quan trọng cuối cùng vẫn là Nhà nước phải có bản quyền về nội dung một bộ sách giáo khoa và không tính tiền bản quyền về biên soạn, còn các doanh nghiệp có thể khai thác nội dung đó để phát hành sách giáo khoa, phục vụ cho người dân một cách tốt nhất. Hiện, sách giáo khoa chưa ban hành hết, vẫn còn một số lớp chưa xong. Giả sử nếu các đơn vị xuất bản sách giáo khoa hiện nay gặp vấn đề gì đó thì cả nền giáo dục phổ thông của nước ta có dừng lại để chờ các nhà xuất bản khắc phục vấn đề của họ xong rồi làm tiếp không?".

Lo ngại của Đoàn giám sát không phải là không có cơ sở, song nhìn từ góc độ pháp lý, ông Đào Quốc Vịnh phân tích thêm: "Theo Luật Giáo dục hiện hành thì trách nhiệm phát triển chương trình thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà nước bảo đảm an toàn về sách giáo khoa bằng các biện pháp quản lý như thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa, quản lý giá sách giáo khoa, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Còn về việc chuyển nhượng bản quyền (nói đúng luật là quyền sở hữu trí tuệ) từ chủ sở hữu tài sản trí tuệ sang cho Nhà nước thì điều đó cần được thực hiện theo đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ".

Đối chiếu với các quy định của pháp luật, PGS, TS Nguyễn Đức Hạnh, nguyên Phó Chánh Thanh tra Đại học Thái Nguyên khẳng định, việc yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa là không phù hợp với Nghị quyết 22 (19/6/2020) của Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Giáo dục. Và khi đó, với tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi", Bộ sẽ vô tình và gián tiếp xoá bỏ chủ trương xã hội hóa công tác biên soạn, phát hành sách giáo khoa, quay trở lại sự độc quyền về sách giáo khoa như trước đây.

Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, thầy Ngô Mậu Tình, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Lâm Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) cho biết: "Theo tôi, điều Bộ cần làm tốt hơn nữa là sửa đổi Thông tư số 25 về lựa chọn sách giáo khoa, tăng cường kiểm tra, thanh tra để chống tình trạng "đi đêm" trong lựa chọn sách".