Ký ức diệt giặc dốt sau Ngày Độc lập

Tinh thần cách mạng sôi sục, người học ham con chữ, người dạy ham cống hiến là những điều làm nên một xã hội hăng hái diệt giặc dốt sau khi đất nước ta vừa giành được chính quyền tháng 8/1945, mở ra một kỷ nguyên mới chắp cánh cho tinh thần hiếu học.
0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh người dân tự ôn bài sau giờ lên lớp. Ảnh: Tư liệu
Hình ảnh người dân tự ôn bài sau giờ lên lớp. Ảnh: Tư liệu

Chỉ ước ao cống hiến

Với ông Nguyễn Văn Hạnh, năm nay đã 93 tuổi, dù dòng chảy thời gian trôi nhanh đến mấy thì những ngày tham gia “Nha bình dân học vụ” để đem con chữ cho bà con vẫn còn rõ ràng, như một phần máu thịt thấm vào ký ức.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có cha từng làm Thư ký Bộ lại, sau trở thành đảng viên và công tác ở Mặt trận Việt Minh xã, vậy nên, ông Hạnh được giác ngộ cách mạng từ sớm và mang trong mình ngọn lửa yêu nước nồng cháy. Hơn bạn bè đồng lứa vì có cơ hội học và biết chữ, ông Hạnh đã đau đáu mong muốn cống hiến trong thời kỳ đất nước “ngàn cân treo sợi tóc” sau Ngày Độc lập.

“Bấy giờ Đoàn Thanh niên vận động xóa mù chữ toàn dân, thấy làng xã chưa có lớp nên tôi hưởng ứng ngay. Tôi tự mở lớp, tự tổ chức dạy tại nhà rồi tuyên truyền cho bà con đến học”, ông Hạnh, người dân xã Tiên Kiên, Phú Thọ lúc bấy giờ bồi hồi nhớ lại. Lớp học dựng lên ngày ấy chính là một gian nhà nơi ông sống và sinh hoạt. “Lúc ấy chỉ có nhà cổ cấp bốn, rộng cỡ sáu hàng chân. Tiện là có cửa làm bằng gỗ nên tôi tháo ra làm bàn. Nhà có ba gian, mỗi gian bốn cánh cửa, tháo ra rồi lại lắp trả sau khi tan học”, ông Hạnh tâm sự.

Các lớp hồi đó ông gọi là dựng “tạm” vì không chỉ cánh cửa “lưu động” mà còn vì cơ sở vật chất thiếu thốn. Ghế ngồi được làm từ tre nứa, nếu lớp quá đông, người dân phải kê gạch ngồi hoặc đeo bảng trước ngực để kê lên đùi viết. Tuy khó khăn chồng chất, sức lan tỏa của phong trào vẫn rất mạnh mẽ, thu hút được rất nhiều người tham gia.

Ông Hạnh chia sẻ: “Tôi đứng lớp dạy vào các buổi trưa hoặc tối khi mọi người đi làm ruộng về, ăn cơm xong và tranh thủ đến học. Thiếu đủ thứ nhưng người nào người nấy cũng ham lắm!”. Nếu lớp học bắt đầu vào buổi tối, người dân sẽ tự cắt chai làm đèn rồi cho dầu hỏa vào đốt lên mang đi. Thông thường, ai cũng có một cái đèn, ai không có thì người bên cạnh cũng chẳng ngại dùng chung. Ngày ấy, tình người cũng thắm đượm như tình yêu với chữ Quốc ngữ vậy.

Mỗi buổi học, sĩ số khoảng 10-20 người, khác nhau từ độ tuổi, giới tính đến trình độ học. Chính vì thế, thầy Hạnh hay chia lớp thành ba nhóm: nhóm người mới học, chưa biết chữ; nhóm người đã biết chữ và đang học đánh vần; cuối cùng là nhóm người đang học đọc và viết. Dù khó khăn vì dạy nhiều trình độ nhưng thầy Hạnh rất vui vẻ đón chào. “Ai mong muốn đi học để xóa mù chữ đều được tham gia, chỉ cần họ tử tế không phá phách, không nói chuyện trong giờ học gây ảnh hưởng tới lớp thì tôi đều tiếp nhận”, ông Hạnh kể.

Để các học sinh nhanh thuộc bài, thầy Hạnh không dạy những kiến thức quá phức tạp, khó hiểu mà áp dụng những câu thơ dễ nhớ, dễ hiểu như: “o tròn như quả trứng gà/ô thì đội mũ, ơ thì thêm râu”… Cách dạy hơi hướng tượng hình này giúp bà con dễ tưởng tượng và ghi nhớ, cũng thuận tiện để ôn bài khi về nhà. Đi làm ruộng, nấu cơm, giặt giũ..., mọi người cũng lẩm bẩm những câu thơ. Không chỉ nhẩm theo để thuộc mà có những người còn hát theo một cách lạc quan.

Với ông Hạnh, việc giúp người dân biết chữ lúc ấy không đơn thuần chỉ là diệt giặc dốt, nó còn là hành động mang ý nghĩa nhân văn, đánh thức và nâng cao tinh thần hiếu học của mọi người. Ông chia sẻ: “Khi ấy có bà cụ 60 tuổi tham gia lớp của tôi trong suốt ba tháng. Ban đầu, cụ đến học với mong muốn có thể viết thư cho con mình ở xa quê. Cụ là người lớn tuổi nhất trong lớp nhưng kiên trì không bỏ buổi nào, kết quả là cụ nhanh chóng biết đọc, biết viết, có thể đọc và viết thư cho con, các văn bản báo chí cụ cũng theo dõi được. Điều đặc biệt nhất là mặc dù đã 60 tuổi nhưng cụ là một trong số những người học giỏi nhất lớp lúc bấy giờ”. Chính những người như cụ đã tiếp thêm “lửa” cho ông để vượt qua khó khăn trong quá trình tổ chức, dạy lớp.

Lớp học của ông kêu gọi chủ yếu qua truyền miệng, người dân bảo nhau đến học hoàn toàn miễn phí, không phân biệt tuổi tác, giới tính. Ông cũng hưởng ứng phong trào mà chẳng cần điều kiện gì. Sau này nghĩ lại, ông thấy rất giống và tâm đắc câu hát của nhạc sĩ Vũ Hoàng “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” trong bài ca “Khát vọng tuổi trẻ”. Câu hát ấy đúng với tinh thần của hầu hết những người dạy con chữ thời ấy vì họ không cần lương bổng, khen thưởng. Chỉ ao ước được cống hiến sức trẻ cho đời.

Phong trào mở ánh sáng tương lai

Cũng sống trong thời khí thế diệt giặc dốt sôi nổi muôn nơi, bà Lương Thị Đoàn, 84 tuổi (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) cũng nhớ như in những ngày đầu được ngồi lớp, được cầm phấn, cầm bút tự chế để học viết, học đọc. Bà chia sẻ: “Lúc bấy giờ không biết chữ thì không đọc được giấy tờ, thông báo ở làng. Nhưng điều thôi thúc tôi phải học là hôm mẹ dẫn đi chợ, người người dừng lại trước cổng đọc chữ trên tấm gỗ. Ai đọc được thì vào cổng to, ai không đọc được phải chui cổng phụ, cổng mù. Lần ấy hai mẹ con không đọc được, ngại bỏ về chẳng mua được gì. Bấm bụng, hai mẹ con thay nhau chăng đèn theo lớp học bình dân”.

Những ngày đầu tham gia lớp, bà Đoàn chưa chuẩn bị dụng cụ, bà phải xin những tờ giấy dó từ những người đi học trước đã viết để tách mỏng làm đôi, viết lên phần còn lại. Lúc ấy cũng chưa có bút máy, bút bi, bút mực hiện đại như bây giờ. Muốn có bút viết, bà phải tự tìm vỏ đạn rồi nhờ những người khéo tay cắt bỏ phần đít, mài phần thân xuống đất thành cái đũa lõm và gò thành đầu bút. Bà Đoàn kể thêm: “Ngày xưa thầy cô hiếm lắm mới được phát phấn, dùng tiết kiệm. Học sinh đi học cũng không có, phải lấy hòn đất sét để viết. Nhiều người thậm chí còn lấy những hòn ngói non vẽ xuống sân, xuống đường hoặc vào sau lưng nong nia để ôn bài khi về nhà”.

Cùng lớp với bà còn có hàng xóm láng giềng, đủ mọi lứa tuổi đi học. Mọi người ai cũng tranh thủ những giờ nghỉ ngơi để chăm chỉ học. Người chỉ mong có thể viết tên mình, người mong đọc viết được thư từ cho chồng, con xa xứ. Lại có người ôm mộng viết báo, làm bên xã, trên tổng… Dù mỗi người một hướng nhưng tựu trung lại, ai cũng đều đồng lòng học từ vỡ lòng. Bà Đoàn cho biết: “Lớp cũ mỗi người một tuổi nhưng mọi người chẳng ngại ngùng nhau, không biết thì hỏi, thiếu gì thì mượn. Chẳng ai câu nệ, làm khó nhau một lời. Cái tình yêu nước của người làng chỉ đơn giản thế mà quý lắm!”.

Sau mỗi buổi học, nhiều người yêu thích việc học còn xin thêm bài tập về nhà để làm. Ai cũng chỉ sợ quên mặt chữ, quên mất cách tính cộng trừ. Học ở nhà vừa để nhanh chóng biết đọc biết viết, vừa đỡ mất công thầy cô ôn lại đầu buổi, phí mất thời gian học hỏi cái mới. Bà Đoàn tự hào: “Cũng nhờ được học, tôi với chị Đức cùng xóm được bầu làm đội phó, đội trưởng khu. Mọi người quý mến, tin tưởng lắm. Chúng tôi càng thêm hăng hái xây dựng làng xóm, vận động bà con tham gia Nha bình dân”.

Từ một nước theo ghi nhận của Nha Học chính Đông Pháp, có đến 95% dân số không biết chữ vào năm 1938, phong trào Nha bình dân học vụ lan tỏa đã khơi dòng cho 75 nghìn lớp học được mở, 95 nghìn giáo viên “xung trận diệt dốt” chỉ trong một năm. Phong trào cũng là cánh diều đưa con chữ tới 2,5 triệu người để giúp họ thoát nạn mù chữ. Cùng với cách mạng vĩ đại mở ra kỷ nguyên mới độc lập, tự do cho đất nước, những thành quả giáo dục cũng là những thành công vang dội.

Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-60 ở Việt Nam đạt 97,85%. Trong đó, nhóm tuổi 15-35 đạt 99,3% tính tới năm 2020. Trong giai đoạn 2021-2030, Đề án đặt mục tiêu hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, bảo đảm đến năm 2030, mọi người dân đều bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục suốt đời có chất lượng.