Đây là một nhiệm vụ không hẳn quá khó khăn nếu xét đến yếu tố Đồng bằng sông Hồng là khu vực đang có rất nhiều lợi thế. Chỉ tính riêng về mặt dân số, đây là vùng có mật độ dân số, số lượng lao động trẻ… cao nhất cả nước. Trên bình diện chung, các tỉnh phía bắc, hay cụ thể hơn là Đồng bằng sông Hồng đang dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Thống kê của Savills cho thấy, lĩnh vực sản xuất chiếm 48% tổng vốn FDI đăng ký mới khu vực miền bắc, tập trung chủ yếu vào các ngành giá trị cao như ô-tô và điện tử. Miền bắc cũng thu hút 7/10 tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn. Bắc Ninh dẫn đầu với sự góp mặt của 4 tập đoàn lớn, bao gồm Samsung Electronics, Amkor Technology, Hanmi Semiconductor và Victory Giang.
Trong hơn một thập kỷ vừa qua, tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể. Hàng loạt tuyến đường cao tốc đã hoàn thiện đưa vào sử dụng tạo nên một mạng lưới thông suốt giúp tạo lợi thế phát triển cho các địa phương miền bắc.
Trong nửa đầu năm 2024, có khá nhiều tỉnh tăng trưởng ở mức 2 con số. Có 7 địa phương ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP 2 chữ số gồm: Bắc Giang (14,14%), Khánh Hòa (12,73%), Thanh Hóa (11,5%), Hà Nam (10,35%), Hải Phòng (10,32%), Trà Vinh (10,27%), Hải Dương (10%).
Có rất nhiều cách để mỗi khu vực, mỗi địa phương tự mình phát triển 2 con số. Đây sẽ là những bài học quý giá để cho những nơi khác học tập. Một số lợi thế tự nhiên lẫn lợi thế về dân số, hạ tầng… đôi khi vẫn là chưa đủ nếu không có phương pháp quản lý phù hợp. Thêm vào đó, việc đạt được tốc độ nhưng giữ được tốc độ cũng là vấn đề đáng phải suy nghĩ. Nhiều địa phương đã từng có tốc độ phát triển nhanh để rồi lại hụt hơi sau đó. Những bài học từ những nơi đã và đang có tốc độ tăng trưởng 2 con số, làm hành trang quý cho Đồng bằng sông Hồng chắp cánh bay cao trong tương lai.