Kiểm soát hàng điện tử bán trực tuyến

Bạn đọc viết:

Đỗ Ngọc Minh (quận Thanh Xuân, Hà Nội):

Ở thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc mua sắm đang dần được chuyển đổi sang hình thức trực tuyến. Từ những mặt hàng có giá trị không cao, đến nay, đã có vô số loại hàng hóa điện tử, có giá trị nhiều chục triệu đồng được giao dịch thường xuyên thông qua các trang bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn là các loại mặt hàng này vẫn đang bị buông lỏng quản lý, dẫn đến nhiều thiệt hại đáng tiếc cho người tiêu dùng.

Đơn cử, khi tìm kiếm một chiếc điện thoại thông minh iPhone đời mới nhất, người tiêu dùng sẽ lập tức nhận được hàng nghìn kết quả từ các gian hàng khác nhau. Đáng nói là, giá trị của chiếc điện thoại này có biên độ dao động vô cùng lớn, từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng. Bên cạnh những người có kiến thức, hiểu biết về các mặt hàng điện tử, thì còn đó vô số khách hàng nhẹ dạ, cả tin, đã mua phải những thiết bị “dở khóc dở cười”. Em họ của tôi ở quê từng đặt một chiếc iPhone X qua trang mua bán trực tuyến lớn với giá chưa tới một triệu đồng. Đến khi nhận được, thì hóa ra đây chỉ là một… mô hình, không có giá trị gì ngoài việc cầm “cho đẹp”. Hay như ông cụ hàng xóm cạnh nhà tôi, cũng từng đặt mua một chiếc điện thoại nhái với giá vài triệu đồng để rồi cuối cùng không sử dụng được. Điều lạ lùng là mọi trường hợp tương tự, khi liên hệ với các công ty cung cấp dịch vụ bán hàng trực tuyến thì chỉ nhận được những câu trả lời thiếu trách nhiệm, hời hợt rồi rũ bỏ trách nhiệm.

Có người nói rằng vụ việc nêu trên là do ham đồ rẻ, lại có người cho rằng đó là vì thiếu hiểu biết. Nhưng tôi lại nghĩ rằng, mọi mặt hàng khi đã đăng bán thì phải được công ty mua bán trực tuyến bảo đảm, kiểm soát kỹ. Không thể để hàng nghìn loại hàng tạp nham, không xuất xứ trôi nổi tràn lan như “mê trận”, rồi đổ lỗi cho khách hàng “thiếu kiến thức”(!?).