Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã thông báo về tình hình tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, tính đến hết quý I/2025, mức tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái (1,42%).
Tín dụng tăng, doanh nghiệp vẫn khó
Cũng trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I mới được Tổng cục Thống kê công bố, đến ngày 25/3/2025, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,49%. Đáng chú ý, theo số liệu từ NHNN công bố ngày 12/3, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế ước đạt 15,81 triệu tỷ đồng, với mức tăng 1,24%. Như vậy, đến hết tháng 3/2025, tăng trưởng tín dụng đã đạt 3,93%, tức là tín dụng đã tăng thêm 2,69% chỉ trong chưa đầy một tháng.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua ghi nhận kết quả khả quan, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Lý do chủ yếu: do thiếu tài sản thế chấp, thời gian thuê đất ngắn, thủ tục vay phức tạp và lãi suất cao. Một doanh nghiệp về giải pháp tài chính cho biết đã đầu tư gần 100 tỷ đồng vào hạ tầng công nghệ. Giai đoạn tiếp theo cần số vốn lớn, nên bắt buộc phải tìm đến ngân hàng. Doanh nghiệp chỉ có tài sản thế chấp là bất động sản, trị giá khoảng 3 tỷ đồng. Nếu theo đúng phương án của ngân hàng thì chỉ được vay 70% giá trị tài sản thế chấp, tương đương 2 tỷ đồng. Những hạ tầng công nghệ đã đầu tư không được ngân hàng thẩm định.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà-phê Ca-cao Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trong ngành lương thực - thực phẩm luôn mong muốn những nguồn vốn lãi suất thấp. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp ngành này có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, rất khó làm hồ sơ vay vốn.
Ông Nam chia sẻ thêm, các doanh nghiệp chăn nuôi thuê đất từ nông dân hoặc các lâm trường. Thời gian thuê đất thường chỉ từ một đến ba năm, không đủ dài để đáp ứng yêu cầu của ngân hàng. Hơn nữa, thời gian lập hồ sơ vay vốn thường kéo dài, khiến doanh nghiệp không đủ thời gian xoay vòng vốn.
Ngoài ra, các gói vay hỗ trợ lãi suất đã bị gián đoạn trong một thời gian dài, và khi được mở lại, các dự án cũ lại không được hỗ trợ. Khi tham gia các chương trình kích cầu, doanh nghiệp chỉ có thể vay vốn qua Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC), quy trình thẩm duyệt rất khó khăn. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp chọn vay ngắn hạn từ các ngân hàng cho các dự án có thời gian đầu tư trung và dài hạn. Nếu chưa kịp xoay vòng vốn, rất có thể họ lại phải đi vay để trả nợ.
Chủ yếu vẫn mang tính kỹ thuật
Ông Nguyễn Quang Huy, chuyên gia kinh tế cho rằng, phần lớn tín dụng hiện nay chảy vào các doanh nghiệp lớn, có uy tín, hoặc các dự án bất động sản. Ngân hàng thường ưu tiên cho vay những khách hàng sở hữu tài sản thế chấp có giá trị cao và hồ sơ tín dụng tốt, điều này khiến các doanh nghiệp nhỏ, thiếu tài sản bảo đảm, gặp bất lợi lớn trong việc tiếp cận vốn.
Ông Huy cũng chỉ ra thực trạng, mặc dù lãi suất đã được điều chỉnh giảm ở một số thời điểm, nhưng điều kiện vay vốn của ngân hàng vẫn rất khắt khe. Theo đó, họ phải chứng minh khả năng tài chính vững mạnh, có kế hoạch kinh doanh rõ ràng và lợi nhuận ổn định. Tuy nhiên, sau giai đoạn khó khăn do đại dịch và biến động kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng các tiêu chuẩn này. Kết quả là, mặc dù tín dụng có tăng trưởng, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Linh, Trưởng phòng Nghiên cứu tại Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), nhận định rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng “dồn dập” trong những tuần cuối quý I/2025 chủ yếu mang tính kỹ thuật. Điều này phản ánh thực tế là nhu cầu tín dụng hiện tại vẫn còn yếu, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp.
Nhìn lại lịch sử, tín dụng đã nhiều lần ghi nhận sự tăng trưởng bất thường vào các thời điểm quan trọng. Thí dụ, trong năm 2024, mỗi khi kết thúc quý, tín dụng lại “bật lên” và sau đó giảm dần vào đầu quý mới. Trong khi tín dụng tháng 1 và tháng 2 ghi nhận mức tăng trưởng âm, thì đến tháng 3 lại có sự đảo chiều. Tình trạng này lặp lại ở các quý tiếp theo.
Điều này dấy lên lo ngại về nguy cơ dòng tín dụng không được phân bổ đúng mục đích. Theo các chuyên gia, nếu tín dụng được bơm mạnh vào những lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản hay chứng khoán, hệ thống ngân hàng có thể phải đối mặt với những biến động lớn, kéo theo hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, dòng vốn dễ dàng "lệch pha", đi ngược lại với mục tiêu hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phục hồi kinh tế mà nhà điều hành đang hướng tới.
Những lo ngại này được thể hiện rất rõ qua bức tranh nợ xấu của các ngân hàng. Cụ thể, báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy, tính đến cuối năm 2024, tổng nợ xấu đã tăng 17% so với đầu năm. Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn của các ngân hàng này đã tăng 43% so với năm 2023. Không chỉ tăng về giá trị tuyệt đối, tỷ trọng nợ nhóm 5 trên tổng dư nợ cho vay cũng đã tăng từ 0,91% vào cuối năm 2023 lên 1,11% vào cuối năm 2024.
Giới phân tích cho rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn với dòng vốn bởi dư địa để duy trì lãi vay thấp như vừa qua sẽ dần hạn chế, đặc biệt sau khi Mỹ công bố sẽ áp mức thuế quan 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.
Trước tình hình hiện tại, PGS, TS Nguyễn Hữu Huân nhận định, việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, và lãi suất khó có thể giảm thêm mà không gây áp lực lên tỷ giá. Thay vì tiếp tục nới lỏng tiền tệ, Việt Nam nên tập trung vào việc ổn định nền kinh tế vĩ mô, củng cố niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Đồng thời, chính sách tài khóa cần được phát huy như một công cụ chủ chốt để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và thực chất. Để tín dụng tăng trưởng một cách lành mạnh, không chỉ các ngân hàng cần mở rộng tín dụng, mà doanh nghiệp cũng phải chủ động nâng cao năng lực nội tại. Doanh nghiệp cần cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa dòng vốn và quản trị tài chính để sử dụng nguồn vốn vay một cách hiệu quả nhất.