Mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam đang có những bước tiến quan trọng. Trong kỳ đánh giá gần nhất, FTSE Russell tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên Thị trường mới nổi hạng hai (Secondary Emerging Market). Kết quả đánh giá phân loại thị trường của FTSE Russell dự kiến sẽ được công bố vào rạng sáng ngày 9/4/2025 (theo giờ Việt Nam).
Nỗ lực bền bỉ
Từ năm 2018, TTCK Việt Nam đã được FTSE Russell đưa vào danh sách theo dõi để xem xét khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi, trong bối cảnh FTSE Russell, cùng với sự tham gia của cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế, đã thiết lập một hệ thống tiêu chí đánh giá rất nghiêm ngặt để xác định mức độ phát triển và sự hấp dẫn của các thị trường chứng khoán. Kể từ đó đến nay, TTCK Việt Nam đã không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng nội tại để tiến gần hơn đến mục tiêu được nâng hạng.
Cụ thể, thị trường đã có sự phát triển đáng kể, thể hiện qua các con số ấn tượng. Cụ thể, chỉ số VN Index đã tăng 2,3 lần, vốn hóa thị trường tăng 6,4 lần và thanh khoản tăng 3,8 lần. Số lượng tài khoản giao dịch tăng 6,7 lần, trong khi số lượng mã số giao dịch chứng khoán (MSGD) cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tăng 2,8 lần.
Đặc biệt, chỉ tính riêng trong năm 2024, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 21,2%, đạt gần 70% GDP; chỉ số VN Index tăng 12,9%. Số lượng tài khoản giao dịch vượt mốc 9 triệu, tương đương 9% dân số. Gần 50.000 mã số giao dịch đã được cấp cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó 12,4% là nhà đầu tư tổ chức. Thanh khoản duy trì ở mức cao, với giá trị giao dịch bình quân trong ngày đạt khoảng 21,1 nghìn tỷ đồng, tăng 19,9% so với năm trước.
Không chỉ tăng trưởng về quy mô, nhiều chính sách cải cách quan trọng đã được đưa ra nhằm đáp ứng các tiêu chí của FTSE Russell, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài. Đơn cử như giải pháp gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch với giao dịch mua cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường, công bố thông tin bắt buộc bằng tiếng Anh.
Ngoài ra, còn cải thiện quy định về giao dịch ngoài sàn, và áp dụng bỏ phiếu điện tử/họp trực tuyến nhằm hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quyền bỏ phiếu tại đại hội cổ đông của các công ty đại chúng. Đáng lưu ý, mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra công bố bằng tiếng Anh trên trang thông tin điện tử chính thức, giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận thông tin ngay lập tức mà không cần nhờ đến dịch thuật hay công cụ AI.
Ông Gary Harron, Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam chia sẻ, khi gia nhập HSBC Việt Nam vào giữa năm 2024, tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức môi giới quốc tế còn khá hoài nghi về khả năng nâng hạng của TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, tiến độ cải thiện trong thời gian gần đây đã trở nên rõ ràng và dễ nhận thấy hơn, giúp thay đổi những đánh giá ban đầu và tạo niềm tin hơn về triển vọng của thị trường.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định rằng, việc nâng hạng TTCK Việt Nam có thể sẽ có hiệu lực từ tháng 9 năm nay và điều này đang đóng vai trò như một chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy thị trường phát triển.
Các nhà đầu tư hiện đang rất kỳ vọng vào việc Việt Nam sớm nhận được thông điệp chính thức về việc nâng hạng TTCK. Sự kỳ vọng này đã tạo động lực cho chỉ số VN Index tăng trưởng liên tục trong hai tháng qua, vượt qua ngưỡng tâm lý 1.300 điểm, mặc dù nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Đầu tư chứ không “chơi” chứng khoán
Theo ông Gary Harron, mặc dù các cải cách dường như tập trung vào nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, thực tế, việc nâng cao chất lượng TTCK mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân trong nước - nhóm chiếm gần 90% giao dịch.
Một khuôn khổ pháp lý vững chắc, hệ thống giám sát thị trường hiệu quả, quản trị doanh nghiệp cải thiện, cơ sở hạ tầng hiện đại và tính minh bạch cao hơn sẽ giúp củng cố niềm tin của mọi nhà đầu tư. Việc được FTSE Russell nâng hạng không chỉ đánh dấu một cột mốc quan trọng mà còn mở ra cơ hội phát triển lớn hơn cho thị trường vốn Việt Nam.
Báo cáo của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC ghi nhận Việt Nam là TTCK có hiệu suất tốt nhất khu vực ASEAN năm 2024. Tuy nhiên, thị trường vốn trong nước vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do nhiều năm qua, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng.
Một trong những thách thức lớn của TTCK Việt Nam là sự thiếu vắng nhà đầu tư tổ chức. Hiện nay, nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 90% giao dịch, điều này có thể dẫn đến biến động mạnh và làm giảm sức hấp dẫn của thị trường đối với các công ty niêm yết chất lượng. Trong khi đó, tại các thị trường phát triển, sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức dài hạn, như quỹ hưu trí hoặc các quỹ đầu tư lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sự ổn định và phát triển bền vững.
Theo chuyên gia của HSBC, một thị trường vốn vận hành hiệu quả sẽ giúp huy động và phân bổ vốn tốt hơn cho nền kinh tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP và giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. So với các nước ASEAN khác, nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc quá mức vào tín dụng ngân hàng thay vì tận dụng dòng vốn từ TTCK.
Sự mất cân đối này có thể gây ra rủi ro lớn, như từng xảy ra vào cuối năm 2022, khi Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, khiến tăng trưởng tín dụng suy giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là bất động sản.
Do đó, việc nâng hạng TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ cải thiện khả năng huy động vốn, hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế. Ước tính, việc nâng hạng có thể thu hút khoảng 6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tương đương hơn 1% GDP của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Don Lam, Tổng Giám đốc kiêm cổ đông sáng lập VinaCapital nhấn mạnh rằng, cần tiếp cận chứng khoán một cách chuyên nghiệp. Đây không phải là “chơi” mà là đầu tư thực thụ. Bên cạnh đó, ông cũng khuyến nghị đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp và IPO để gia tăng tính thanh khoản và tính hấp dẫn của thị trường.
Quan trọng hơn, Việt Nam cần bảo đảm việc nâng hạng diễn ra đúng lộ trình, nâng cao yêu cầu về xếp hạng tín dụng đối với cả trái phiếu và doanh nghiệp phát hành, nhằm nâng cao chất lượng thị trường vốn trong dài hạn.
Đồng quan điểm, TS Trần Văn Bình, chuyên gia tài chính cho rằng, việc được nâng hạng đã là một thách thức, nhưng duy trì được vị thế sau khi nâng hạng còn quan trọng hơn. Thực tế, không ít quốc gia từng rớt hạng do không đáp ứng được các tiêu chí duy trì.
Trường hợp điển hình là Argentina, dù từng thành công trong việc nâng hạng nhưng sau đó lại không thể giữ vững vị thế và bị hạ bậc. Điều này cho thấy, duy trì hạng sau khi được nâng cấp không chỉ là mục tiêu mà còn là một thách thức lớn đối với thị trường Việt Nam.
Trên thực tế, khi thị trường được nâng hạng, dòng vốn nước ngoài có thể đổ vào mạnh mẽ, thậm chí tăng đột biến. Tuy nhiên, dòng tiền này cũng có thể rút đi nhanh chóng nếu xuất hiện những dấu hiệu rủi ro. Chẳng hạn, nhà đầu tư có thể đưa vào hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD, nhưng chỉ sau vài ngày, nếu họ nhận thấy thị trường có dấu hiệu bất ổn hoặc bị thao túng, họ có thể rút vốn ồ ạt. Khi đó, thị trường có nguy cơ rơi vào tình trạng suy giảm nghiêm trọng, gây ra những biến động lớn cho chứng khoán Việt Nam.