Khủng hoảng của Man United

Thất bại nối tiếp thất bại, Man United đang chìm trong khủng hoảng với những màn trình diễn thảm hại từ Premier League đến Champions League.
0:00 / 0:00
0:00
Trận thua 2-3 trước Galatasaray cho thấy Man United vẫn đang lún sâu trong khủng hoảng.
Trận thua 2-3 trước Galatasaray cho thấy Man United vẫn đang lún sâu trong khủng hoảng.

“Chúng tôi hiểu mình cần phải làm tốt hơn nữa. Chúng tôi bước ra sân cùng nhau, cùng chiến đấu, đoàn kết và hướng về phía trước”, người hâm mộ United gần như thuộc lòng những gì HLV Erik ten Hag sẽ nói sau mỗi trận đấu. Và các phát biểu này không mấy khác biệt so với việc đọc bài văn mẫu.

Bởi vì, chỉ sau 10 trận chính thức, những lần đội cúi đầu bước vào đường hầm đang nhiều hơn nụ cười chiến thắng. Trên sân nhà Old Trafford, đội quân của Ten Hag vừa thua ngược Galatasaray 2-3 trong khuôn khổ lượt trận thứ hai vòng bảng Champions League. Sau khi thua Bayern Munich 3-4, United phải nhận thêm ba bàn thua khác ở sân chơi danh giá nhất châu Âu.

Sáu trận thua sau 10 trận đầu mùa là kết quả tệ nhất mà United trải qua kể từ thời điểm 1986-1987, giai đoạn đầu mà Alex Ferguson làm việc. Huyền thoại người Scotland bị CĐV yêu cầu từ chức và đội không sa thải ông. Nhờ vậy, Old Trafford trải qua khoảng thời gian hoàng kim khi Premier League ra đời ít năm sau đó (từ 1992).

Nhiều thập kỷ đi qua và bóng đá thay đổi không ngừng. United đầu tư rất nhiều để phục vụ Ten Hag. Kết quả thu về không tương xứng với hình ảnh CLB có giá trị thương hiệu cao thứ hai bóng đá thế giới (được Forbes định giá 6 tỷ USD, chỉ sau Real Madrid - đội có giá trị 6,07 tỷ USD). Phong độ kém dẫn đến tiếng la ó từ khán đài. Thực tế, làn sóng chỉ trích nhà cầm quân người Hà Lan sớm xuất hiện từ trận thua Crystal Palace 0-1.

Trong trận thua Galatasaray, phải chịu xếp chót bảng A, người duy nhất của United đá tốt là chân sút trẻ Rasmus Hojlund. Cầu thủ 20 tuổi người Đan Mạch ghi ba bàn ở Champions League và cả hai trận anh đều là tác giả pha bóng phá vỡ thế bế tắc cho đội nhà. Nhưng các đồng đội chung quanh anh đều đá dưới sức, từ Casemiro đến Rashford hay Varane. Riêng đội trưởng Bruno Fernandes lại “trốn tìm” ở các trận quan trọng.

United không cho thấy giá trị tập thể, khi các tuyến mất kết nối và phòng ngự rất lỏng lẻo. Ten Hag hầu như không tác động vào trận đấu. Khi đội ngũ không có tiếng nói chung, thủ môn Andre Onana biến thành tội đồ với đường chuyền hỏng, khiến Casemiro phải phạm lỗi với đối phương trong vòng cấm và bị đuổi khỏi sân (thẻ vàng thứ 2). Icardi bỏ lỡ phạt đền, nhưng không lâu sau chính anh lập công ấn định kết quả 3-2 cho đội bóng Thổ Nhĩ Kỳ.

“Tôi sẽ khuyến khích Andre, ủng hộ cậu ấy. Cậu ấy là thủ môn tuyệt vời, là một trong những người giỏi nhất thế giới”, Ten Hag bênh vực Onana, người từng xin lỗi toàn đội vì mắc lỗi trận thua Bayern. “Chúng tôi đã thấy khả năng tuyệt vời cũng như tính cách của Onana. Cậu ấy sẽ phục hồi trở lại, tôi chắc chắn”.

Chưa biết bao giờ Onana, người nhận 18 bàn thua - điều United không trải qua từ năm 1966 sau 10 trận đầu mùa sẽ tạo được niềm tin hay không, nhưng nguy cơ Ten Hag bị sa thải đang tăng cao.