Không gian đọc cho những người lầm lỗi

Nổi bật trong mỗi buồng giam là một tủ sách với nhiều ấn phẩm về văn hóa, giáo dục, đạo đức, kỹ năng sống, v.v. Đó là hình ảnh sẽ thu hút sự chú ý với bất cứ ai có dịp đến thăm Trại giam Ngọc Lý (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) - một điển hình về phát triển hiệu quả văn hóa đọc, đã và đang góp phần giúp hàng nghìn phạm nhân sớm hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Nhà xuất bản Phụ nữ cùng các tác giả trao tặng sách cho Trại giam Ngọc Lý. Ảnh: ĐỖ TIẾN THÀNH
Lãnh đạo Nhà xuất bản Phụ nữ cùng các tác giả trao tặng sách cho Trại giam Ngọc Lý. Ảnh: ĐỖ TIẾN THÀNH

TRONG khi trò chuyện với chúng tôi, phạm nhân Nguyễn Thị Hiền ôm gọn trong lòng cuốn sách "Đức Phật trong tù". Đây là một trong số nhiều ấn phẩm mới được Nhà xuất bản Phụ nữ cùng hai nhà tài trợ cá nhân (thầy Quế Văn Từ và cô Bùi Phương Chinh) gửi tặng trại giam. Hiền sinh năm 1981, đang là giáo viên dạy mỹ thuật thì cơn "sốt đất" tràn qua, "do lòng tham lại thiếu hiểu biết pháp luật, em dấn sâu và phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đang phải trả giá đây ạ"- nữ phạm nhân ngậm ngùi. Nhưng khi nhắc đến tủ sách và cuốn sách đang cầm trên tay, Hiền như hoạt bát hẳn lên: "Em thích đọc sách. Vào đây, em được các cán bộ giao làm thành viên Ban tự quản sách. Sách đã giúp em ổn định tinh thần rất nhiều".

Và, trên tủ sách trong các buồng giam nơi đây, còn không ít những tựa sách hay được các phạm nhân chọn đọc như: Những bước chân hy vọng, Hạnh phúc hay không do ta quyết định, Cùng nhau nhân từ, Từ Trường Sơn đến Trường Sa, Trẩy hội non sông, Đắc nhân tâm, Gươm đàn nửa gánh, Phẩm cách phụ nữ,... Đặc biệt, cuốn sách "Đức Phật trong tù" (Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, năm 2022) là một tập hợp những câu chuyện về hành trình chuyển hóa, hoàn lương kỳ diệu của những người tù mà tác giả Cường Lữ ghi chép trong vòng sáu năm. Dưới góc nhìn của tác giả, người tù là những con người khổ đau, đã trải qua cuộc đời nhiều thăng trầm, giông bão.

Trại giam Ngọc Lý bao gồm năm phân trại, đang giam giữ, cải tạo hơn 5.000 phạm nhân. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Giáp, Phó Giám thị, mấy năm gần đây, Trại tăng cường thêm sách từ nhiều nguồn khác nhau. Ấn phẩm được lựa chọn phù hợp với đối tượng phạm nhân và mang tính giáo dục cao. Trong số đó, có nhiều cuốn sách là hồi ký của chính những người từng là phạm nhân. Họ có một thời lầm lỡ song đã cải tạo tốt và sau khi ra trại, đã nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng, làm người lương thiện.

NHẰM góp phần khuyến đọc tới các phạm nhân, nhất là phạm nhân nữ, Ban Giám thị thường xuyên phối hợp với các đơn vị xuất bản và tác giả sách tổ chức tọa đàm, giao lưu tại Trại, để cổ vũ, động viên tinh thần phạm nhân.

Dịp kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10) vừa qua, Trại tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề "Chọn một con đường, chọn một lối đi" cho gần 800 nữ phạm nhân. Tham gia sự kiện có diễn giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương, tác giả Tô Giang và một số cán bộ Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản bày tỏ ấn tượng với các tủ sách tại đây và xúc động khi thấy sách được các phạm nhân đón nhận.

Chia sẻ tại buổi trao tặng sách, tác giả Tô Giang đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin yêu cuộc sống cho các phạm nhân từ chính câu chuyện đời anh. Là tác giả của hai cuốn sách: "Đường xanh viễn xứ" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2021) và "Nếu không có ngày mai" (Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, năm 2022), Tô Giang kể về quãng thời gian lầm lỗi đã qua của mình ở xứ người và hành trình tìm lại thiện lương trong những ngày ở tù. Năm 2017, anh bị bắt, nhận án tù gần ba năm vì tội trồng cần sa ở Australia. Trong những ngày thụ án, nhờ những nhân duyên tốt lành tới từ một vị thiền sư và các quản giáo, nhờ cả những cuốn sách trong nhà giam xứ người, anh đã chuyển hóa sang suy nghĩ tích cực, cải tạo tốt, được giảm án và tìm lại con đường lương thiện.

Sau khi tiếp xúc, lắng nghe các phạm nhân tâm sự, diễn giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương bày tỏ sự đồng cảm và gửi lời khuyên: hãy đến với sách! Cảm nhận được sự đồng cảm, tin cậy đến từ các vị khách mời, phạm nhân Trịnh Thị Hà, đã ngoài 60 tuổi, chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình: Không biết đến cha mẹ từ nhỏ, thời gian chủ yếu là "ở cùng Công an" như cách bà cay đắng diễn đạt. Sáu lần đứng trước tòa án Việt Nam và hai lần ở Hồng Công (Trung Quốc), Singapore, nay đang thụ án phạt 20 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản, bà nói, cuộc đời bà tưởng chừng bế tắc nhưng qua đọc sách, thấy nhiều thân phận còn bi đát hơn mà họ vẫn vươn lên làm lại cuộc đời. "Từ ngày trại có tủ sách cho phạm nhân, tôi thích đọc sách hơn, mơ ước sẽ viết một cái gì đó, kể lại cuộc đời mình, tuy chẳng có gì hay, nhưng để mọi người đừng theo vết xe đổ ấy"-bà Hà mạnh dạn bộc bạch.

Phạm nhân Sùng Thị Chư, dân tộc H’Mông quê Lào Cai, cũng có hoàn cảnh riêng thật éo le. Cô sinh năm 1988, chỉ học hết lớp hai. Chư được gả cưới khi mới 15 tuổi, lại là một cuộc hôn nhân cận huyết, cả ba đứa con của cô thường xuyên đau ốm. Sau ly hôn, ôm con về nhà bố mẹ, Chư bị lừa gạt làm vận chuyển ma túy, bị kết án 5 năm 6 tháng tù, hiện mới thụ án được hai năm… Cầm trên tay cuốn "Đức Phật trong tù", mắt Sùng Thị Chư như sáng lên trong lúc đánh vần từng chữ. Cô nhỏ nhẹ: "Sẵn sách đây, em sẽ cố gắng đọc, cùng với sự giúp đỡ của cán bộ trại, để dần nhận lại mặt chữ, giữ tinh thần, sau này ra trại, còn biết làm việc có ích, nuôi các con nhỏ". Mắt Chư đỏ hoe ngước nhìn chúng tôi, mỉm cười.

TRONG cuốn "Đức Phật trong tù", có đoạn: "Đức Phật dạy rằng, tất cả chúng ta đều bị giam hãm trong nhà tù của thân thể và tâm thức. Vì không hiểu được bản chất chân thực của mình nên ta mất tự do và đau khổ. Phật pháp - những lời dạy của Đức Phật về sự tỉnh thức - là để trao cho ta chiếc chìa khóa tự giải thoát chính mình, khi bị giam cầm trong tù ngục kiên cố hay là trong tù túng chật hẹp của những cố chấp riêng ta". Những người từng một thời lầm lỡ kia, khi có nhiều thời gian hơn với sách, mỗi người đọc sẽ có những cách tiếp nhận, cảm nhận khác nhau. Song, dù trong hoàn cảnh nào, những cuốn sách giá trị luôn mở ra những chân trời, dẫn hướng tâm hồn người đọc đến với những giá trị tốt đẹp hơn của cuộc sống.