Nhớ Tết ngay giữa Tết
Tết Dương lịch vừa rồi, sau những thập niên Tết an toàn không tiếng pháo ở quê nhà, tôi lần đầu chứng kiến một đêm giao thừa ngay giữa lòng châu Âu, với tưng bừng pháo nổ và những tiếng reo hò đón chào năm mới. Người Đức vốn nổi tiếng kỷ luật và nghiêm túc, nhưng nổ pháo đón chào năm mới đã thành một trong những thói quen truyền thống khó bỏ. Nghe đâu việc đốt pháo ở xứ sở này cũng đang được đưa ra để bàn cãi, vì những hậu quả khôn lường cho an toàn sức khỏe và môi trường. Hóa ra ở đất nước văn minh, không có nghĩa tất cả đều đã đạt chuẩn văn minh; vì sức khỏe và tính mạng của con người, vì môi trường xanh, thế giới đây đó vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục nhìn nhận và rạch ròi hay - dở để có được những quyết định cần thiết.
Bỗng thấy những hân hoan trong tiếng pháo đón xuân không thể nào sánh được với tiếng thở phào nhẹ nhõm của ta khi nhớ lại những cái Tết năm xưa, vào một ngày đầu năm sau chỉ thị cấm pháo cùng đồng nghiệp ghé qua phòng cấp cứu bệnh viện thành phố. Lệ làng và phép nước giúp người ta vượt qua được những phong tục và thói quen tưởng như không thể từ bỏ được, để đem về hai chữ bình an đơn sơ và quý giá cho những mái nhà từ phố thị tới thôn quê.
Giá trị của Tết, những điều đẹp đẽ mà Tết mang đến, luôn gắn với con người, gia đình, họ hàng dòng tộc và quê hương đất nước. Vì thế, những mùa xuân quê hương có lẽ luôn là những mùa xuân đáng nhớ nhất của đời người. Dù đi đâu về đâu, đêm giao thừa xa nhà, xa quê, không ruột rà thân thích bên mình, làm sao có xuân ấm, xuân vui!
Dẫu góc bể chân trời nào, người có ký ức Tết trong tim vẫn luôn là người giàu có nhất. Ký ức về những cái Tết đơn sơ, ấm cúng bên cha mẹ, anh chị em thuở hàn vi không hiểu sao cứ găm sâu, nằm lòng, đã và sẽ theo ta suốt đời. Mâm cỗ năm mới có chất ngất đến đâu, rượu chè ngon ngọt cỡ nào, mà ký ức Tết không đọng lại, gắn với nụ cười hạnh phúc của mẹ cha, ngọn lửa ấm áp trong ngôi nhà tuổi nhỏ, những ước mơ và khát vọng thuở thiếu thời, thì có khác chi những bữa tiệc thường ngày dễ dãi khi bạc tiền rủng rỉnh!
Tết là gia đình, là quê hương. Nhớ Tết ngay giữa Tết là thế! Để mỗi Tết đến và qua đi vẫn trong dư vị ngọt ngào Tết xưa…
365 ngày và Tết của đời người
Kết quả của 365 ngày lao động, sáng tạo, kiên trì và nỗ lực hiện thực hóa những ước mơ, dự định trong suốt một năm liền chính là… Tết! Tết không dành cho những kẻ lười biếng nằm mát ăn bát vàng, há miệng chờ sung…, cũng không thuộc về những ai đó coi Tết chỉ là gạch nối thuần túy của thời gian, là “sản phẩm lãng mạn” của cha ông thời thiếu đói.
Một số bạn trẻ có đầu óc phóng khoáng, từ đùa cửa miệng đến nghĩ và quan niệm rằng, không chỉ Tết là một khái niệm cũ kỹ lạc hậu, mà những giá trị văn hóa của thế hệ trước để lại, sớm muộn cũng không thích nghi được với xã hội hiện đại.
Tôi gặp nhiều người có tuổi, sống và làm việc xa quê. Mỗi năm về nước một lần đối với họ là một việc khó. Những năm tháng xa nhà, Tết là dịp họ tâm trạng nhất. Nhớ nhà, nhớ quê, muốn được cùng ăn một bữa cơm có canh rau muống có cà dầm tương với cha mẹ, muốn được ra vườn hái vài trái ổi thơm, đôi ngọn húng quế… mà không thể. Một nam thanh niên xa nhà hơn 10 năm, anh tới châu Âu bằng đường “chui”, không giấy tờ tùy thân, giờ, đường về Tết với anh là con đường xa nhất, vì chẳng biết bao giờ mới làm được giấy tờ để đường đường chính chính hồi hương… Một phụ nữ có hơn ba mươi năm sinh sống tại Đức kể với tôi, mẹ chị hơn 90 tuổi, hiện ở với người giúp việc. Tết nào chị cũng bươn bả về với mẹ. Đêm nào ngủ cũng giật mình sợ mẹ đi mà mình không kịp về đưa tiễn. Thực hiện nghĩa vụ làm con, làm chồng, làm vợ, làm cha mẹ… nhiều khi là một khát khao mà những tờ bạc nhiều màu, những món quà vật chất xa xỉ đều không thể bù đắp hay thay thế.
Có thể thấy rõ, những giá trị đạo đức nhân văn nghìn đời để lại, như nước giếng khơi trong, không bị vẩn đục, cạn kiệt, đã và đang được gìn giữ trong mỗi gia đình Việt bởi những thế hệ tiếp nối. Ở bang Saarbrucken (Đức), một gia đình có bố người xứ Nghệ, mẹ người Thái Bình, hai đứa con một trai một gái đều học giỏi và ngoan ngoãn, hiếu thảo, nói tiếng Việt khá sõi, cho chúng tôi cảm nhận gần gũi và ấm áp rất “nhà Việt” trong dịp sum vầy Tết Dương lịch. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên đất Đức, biết dành những ngày Tết để cùng bố mẹ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, làm cơm và tiếp đón các vị khách đồng hương với tất cả sự mộc mạc, chân tình. Dạy con được như thế, không phải ai cũng làm được. Biết bao bậc phụ huynh Việt hôm nay, ngoài mặt vẫn cười tươi đấy mà trong lòng héo hắt, khi những đứa trẻ của họ chưa kịp lớn khôn thành người đã lạ xa, kỳ thị với ngay chính cha mẹ đẻ, huống chi gốc gác, họ hàng, làng xóm, thờ ơ và bỏ ngoài tai mọi lời “như rót mật vào tai” về nhân nghĩa, đạo lý và tự cho mình được “đặc quyền” ích kỷ…
Mỗi cá nhân khi bước vào các mối quan hệ phức tạp, nhiều giá trị bị đảo lộn của xã hội hiện đại, trước mọi mất mát, buồn vui, đều cần sự cân bằng, cần điểm tựa gia đình vững chắc… Trong mọi hoàn cảnh, thì Tết, gia đình và những giá trị tinh thần trong đời sống nếu được gìn giữ và chuyển giao thì đó sẽ là những món quà đẹp nhất cho năm mới, cho tương lai!
Hẳn là, những khoảng lặng năm mới dành cho gia đình, bạn bè, người thân, cho những điều đã làm được, cho những điều còn day dứt vì chưa làm được, cho những giá trị sống tiếp tục định hình đâu đó bất chấp dòng chảy xô bồ của thời gian, cũng là một phần quan trọng không thể thiếu của hôm nay và ngày mai…
Khoảng lặng đầu xuân...
Mỗi độ xuân về, là một lần những thành viên của các gia đình hiện đại về gần với truyền thống hơn. Những đứa con xa chờ phút giây sum họp; những “công dân toàn cầu”, những người con dân Việt xa xứ, đều bằng cách này hay cách khác “về nhà”, với đầy đủ nghĩa của từ này. Đây cũng là lúc người ta có thể cùng ngồi lại với nhau, nhìn về một hướng, nhìn về 365 ngày vừa qua với bao buồn vui được mất, và hướng tới một năm mới với rất nhiều dự định cho những ban mai đang tới.
Sum vầy trong những ngày xuân, nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Huyền Nguyễn |