Giãn cách là thời gian khủng khiếp!
Dù con có biểu hiện tăng động, giảm chú ý từ 3 tuổi, gia đình đã đưa con đi khám nhưng vì mải việc mà suốt mấy năm qua, anh Thân vẫn chưa thể cho con đi can thiệp toàn diện và bài bản. Thời gian giãn cách trở thành quãng thời gian anh nhận ra, phải cho con đi can thiệp. Anh Nguyễn Bá Thân (huyện Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Giờ con tôi đã học lớp 2 mà chưa biết gì cả. Hồi cháu còn bé, bố mẹ mải đi làm nên không để ý, khi ở nhà tiếp xúc với con nhiều thì mình cảm thấy bất lực, không dạy được con!”.
Bí bách trong thời gian dài, trẻ tự kỷ phát sinh nhiều hành vi không làm chủ bản thân, không ít những vết thương do chính các em gây ra tự làm đau mình. Mỗi lúc như vậy, anh Hải lại nhẹ nhàng đến bên con, thì thầm trò chuyện, vuốt ve, an ủi bằng sự kiên nhẫn hết mức. Anh Nguyễn Văn Hải (quận Đống Đa, Hà Nội) tâm sự: “Tần số mà bạn ấy cáu gắt trong đợt dịch rất là cao. Thậm chí, còn tự cắn tay, cắn chân mình. Mọi người không thể giữ được cơn bùng phát của bạn ấy. Nếu không có người lớn ở bên cạnh thì không biết hậu quả sẽ ra sao!”.
Giống như anh Hải, chị Vân cũng lo sợ nếu các trung tâm, cơ sở giáo dục chuyên biệt không mở cửa, sự tiến bộ của con gần như sẽ bay biến, mọi thứ sẽ quay về vạch xuất phát như trước khi con chưa đi can thiệp. Chị Vân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Bạn ấy muốn đi ra ngoài, bạn ấy muốn đến trường nhưng mẹ nói do dịch bệnh không được đến, thế là bạn ý tự đấm vào mặt hoặc sẽ ở lỳ trong phòng, đập tay vào cửa. Phòng vệ sinh đã bị bạn ấy đập vỡ cửa kính rồi!”. Chị Vân cũng tâm sự: “Ở nhà với con suốt mùa dịch, tôi rất căng thẳng, thậm chí stress. Bạn ấy luôn công kích vào tôi vì tôi là người ở nhà trông nom bạn ấy. Với người tự kỷ và trẻ tự kỷ, dịch Covid này là quãng thời gian thật sự là khủng khiếp!”.
Nhọc nhằn xây dựng lại
Buổi can thiệp quản lý hành vi 1/1 cho trẻ của cô Đức tại Trung tâm tư vấn, phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ Sao Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hôm nay diễn ra vất vả hơn bởi thời gian nghỉ giãn cách kéo dài đã khiến những kỹ năng mà trẻ học được bị mai một. Cô giáo Nguyễn Thị Việt Đức chia sẻ: “Trước kỳ nghỉ, bạn V. đã biết ăn cơm nhưng bây giờ bạn không nhớ được gì mình đã học và chúng tôi lại phải rèn lại”. Cô giáo Nguyễn Thị Hương Loan cũng cho biết: “Khi các em học sinh tự kỷ bị mất đi kiến thức, chúng tôi phải can thiệp lại còn khó khăn hơn cả lúc chúng tôi xây dựng từ đầu rất nhiều. Can thiệp trong 1 tiếng như thế này, các bạn chỉ đỡ được phần nào thôi!”.
Hiện, Trung tâm tư vấn, phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ Sao Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chưa hoạt động trở lại, các buổi học toàn thời gian chưa được tổ chức. Những buổi can thiệp chức năng theo hình thức 1/1 với thời gian 1 tiếng/ngày chỉ là giải pháp gỡ khó tạm thời để giảm thiểu việc mất đi ngôn ngữ, kỹ năng mà các bé đã học được.
Một số trung tâm chuyên biệt, tư vấn phát hiện, can thiệp cho trẻ tự kỷ đều đã chuyển sang dạy trực tuyến. Nhưng học online với trẻ em nói chung đã khó, với trẻ tự kỷ lại càng khó hơn. Chị Nguyễn Mai Thủy, giáo viên chuyên biệt cho trẻ tự kỷ cho biết: “Khi cáu, các bạn đánh luôn cả bố mẹ. Nếu có các cô giám sát trực tiếp thì các bạn ấy làm theo, nhưng có bố mẹ thì không làm!”.
Không phải phụ huynh nào cũng đủ kiến thức và kiên nhẫn để hỗ trợ, can thiệp đúng hướng khi con mình là trẻ tự kỷ. Tại các trung tâm tư vấn, phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, việc can thiệp sớm cho trẻ đôi khi cũng phải đối mặt những khó khăn khi mà sau mùa dịch, kỹ năng của các em đã bị mai một và các hành vi tiêu cực lại gia tăng.
Bà Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm tư vấn, phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ Sao Mai: “Hiện, nước ta có khoảng 1 triệu người tự kỷ, tỷ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ chiếm khoảng 1% số trẻ em ra đời. Sau đại dịch, phụ huynh cũng như bản thân tôi rất lo lắng cho các cháu, được phát hiện sớm mà không được can thiệp, cứ chờ đợi như thế này thì sẽ thiệt thòi cho các cháu. Bởi sau 3 tuổi các triệu chứng càng nặng lên, càng khó can thiệp, đặc biệt vấn đề về ngôn ngữ.