Vùng tài nguyên, vùng văn hóa
Nói về huyện “phố núi” Con Cuông mọi người đều nhớ danh miền Trà Lân. “Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” được biết đến trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, ghi dấu chiến tích oanh liệt thời chống quân xâm lược nhà Minh của nghĩa quân Lam Sơn.
Thành Trà Lân bây giờ hoang phế nằm địa bàn xã Bồng Khê phía tây bắc tả ngạn sông Cả, cách huyện lỵ Con Cuông hơn 2 km. Thành được xây dựng theo hình chữ V, lưng tựa vào núi, mặt quay ra sông Cả, chung quanh có thành quách, hào sâu yểm trợ, ngoài cùng là một lũy tre gai và cả nhiều ngọn núi của động Đào Nguyên bảo vệ thành thêm vững chắc. Theo sách sử ghi, tướng giặc giữ thành là Cầm Bành, sức chứa của thành hàng nghìn quân sĩ bảo vệ, chốt giữ vùng miền tây Nghệ An. Hơn 600 năm trước nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi dấy nghĩa, đánh chiếm thành, làm nên “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”. Sau khi chiến thắng, Lê Lợi chiêu binh, luyện quân, tập hợp lực lượng. Nghĩa quân dùng vùng xã Thạch Ngàn để luyện voi tập trận, làm căn cứ địa để tiến đánh các vùng khác, giải phóng đất nước.
Theo truyền miệng, nghĩa quân còn có sáu đêm trú quân ở “cửa núi” (Môn Sơn) đã thành tên gọi xã “Lục Dạ” bây giờ. Về “Mường Trong” (Con Cuông), vào nơi có câu ca nổi tiếng “cơm mường Quạ, cá sông Giăng”, vùng đất giáp biên này nền văn minh lúa nước đến sớm với cánh đồng “Kẻ Quạ” và những bản làng người Thái trù phú bên dòng Nậm Khặng (sông Giăng) thơ mộng thao thiết chảy bao đời. Chi bộ Đảng miền tây nam Nghệ An khai sinh từ nơi đây vào ngày 14-4-1931 là nòng cốt lãnh đạo nhân dân miền tây cướp chính quyền về tay nhân dân.
Vườn quốc gia Pù Mát nằm ở sườn đông dãy Trường Sơn, trải dài trên ba huyện: Anh Sơn, Tương Dương, trong đó Con Cuông diện tích chiếm lớn nhất. “Pù Mát” theo người Thái có nghĩa là những con dốc cao. Năm 2002, Vườn quốc gia Pù Mát thành lập và được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2007. Theo tài liệu khảo sát, vườn có diện tích rừng tự nhiên 194 nghìn ha, trong đó vùng lõi 94 nghìn ha và vùng đệm 100 nghìn ha. Đỉnh Pù Mát cao 1.840 m, quanh năm mây phủ. Pù Mát là một trong những khu bảo tồn sinh học lớn Việt Nam với hơn 2.400 loài thực vật, trong đó có 37 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 20 loài trong Sách đỏ thế giới. Hệ động vật ở đây cũng rất phong phú với hơn 240 loài thú, trong đó có các loài thú quý hiếm. Ở Vườn quốc gia Pù Mát còn có sông Giăng trong vùng lõi khu rừng, tạo nên những ghềnh, suối và những thác nước đẹp hùng vĩ như thác Kèm... Khu vực vùng lõi và vùng đệm còn là những bản làng của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn giữ được nhiều phong tục, tập quán truyền thống đặc sắc của người Thái, Đan Lai…
Thêm nhiều “sao” cho phố núi
Đầu xuân lên Mường Trong, vào Mường Quạ (Môn Sơn) sang Mường Chon (xã Bình Chuẩn), nhìn ra những cánh đồng lúa đã bén xanh chúng tôi được nghe chuyện mường quê này đang bứt phá đi lên với khí thế Trà Lân.
Xây dựng bản nông thôn mới (NTM) ở miền núi rất khó. Lâu nay việc đầu tư dàn trải thiếu tập trung, thực tế cho thấy dù cấp ủy, chính quyền cả hệ thống chính trị đã rất quan tâm chăm lo phát triển kinh tế nhưng thiên tai khắc nghiệt, điều kiện xa trung tâm, giao thông cách trở vẫn là lực cản trên con đường phát triển kinh tế miền núi. Thấy rõ điều đó, Con Cuông xác định lựa chọn những xã, thôn bản có điều kiện, thế mạnh từ đó khuyến khích, động viên, hỗ trợ nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất. Năm 2018, huyện đã lựa chọn các thôn, bản sát đúng, có các “đặc sản” như nông nghiệp sạch, nghề thủ công, du lịch cộng đồng để tập trung chỉ đạo về đích NTM, Chủ tịch UBND huyện Vi Văn Sơn cho biết.
Bản Xiềng, xã Môn Sơn nằm trong nôi quê hương giàu truyền thống cách mạng nhưng trước khi đăng ký về đích NTM vẫn chưa đạt các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, nhà ở. Trưởng bản Xiềng Vi Văn Tư chia sẻ: Xây dựng NTM, huyện, xã, bản đã tích cực tuyên truyền cho người dân kỹ thuật thâm canh trong nông nghiệp, truyền dạy các lớp mây tre đan, dệt thổ cẩm... Hiện, bản Xiềng đã có năm hộ tổ chức dịch vụ phục vụ ăn uống, du lịch cộng đồng, 15 hộ chạy xuồng máy phục vụ khách chơi thuyền trên sông Giăng, nuôi cá lồng... Nhờ đa dạng ngành nghề, thu nhập bình quân của bà con trong bản đạt 28 - 30 triệu đồng/người/năm.
Khe Rạn, một bản thuần Thái, thuộc xã Bồng Khê nằm bên dòng sông Lam thơ mộng có cầu treo bắc qua. Từ nghèo khó chênh vênh bên những ghềnh đá, nay bản Khe Rạn đã thay da đổi thịt và có thương hiệu về du lịch cộng đồng (homestay) với các câu lạc bộ cồng chiêng, văn nghệ, những món ăn bản địa hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Phong trào làm du lịch cộng đồng ở bản Khe Rạn, bản Nưa, bản Xiềng... trở thành một nghề thu nhập khá cho các hộ, đồng thời là một “đặc sản”của phố núi Con Cuông. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông Lô Văn Lý chia sẻ: Đến nay huyện đã có năm sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP là: Rượu men lá, Trà túi lọc (dây thìa canh, cà gai leo, giảo cổ lam), điểm du lịch cộng đồng bản Nưa, Khe Rạn... Sắp tới tiếp tục triển khai với hơn 30/60 sản phẩm có thể đạt tiêu chuẩn này.
Nói về một số thành tựu trong 5 năm qua, Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng cho biết: Thu nhập bình quân năm 2020 ước đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm, tăng 1,6 lần so đầu nhiệm kỳ. Từ những trăn trở, đưa ra nhiều giải pháp để khai thác thế mạnh về nông - lâm nghiệp, huyện thu hút được các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến dược liệu, hình thành các sản phẩm từ cam, rượu men lá, dược liệu. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tập trung.
Cùng với đó, công tác quản lý, bảo vệ, trồng và chăm sóc rừng được thực hiện tốt góp phần nâng độ che phủ rừng đạt 86%. Nhiều giải pháp giảm nghèo hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32,01% năm 2015 xuống khoảng 14,18% năm 2020... Nhiệm kỳ tới, Đảng bộ Con Cuông xác định một số nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao nguồn nhân lực, chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu hội nhập; huy động các nguồn lực cho đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ ở đô thị và nông thôn, nhất là hạ tầng giao thông và thương mại - dịch vụ. Tập trung nguồn lực hoàn thành cầu Thành Nam qua sông Lam; ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp; thu hút đầu tư chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, phát huy giá trị kinh tế rừng, vườn rừng, kinh tế dưới tán rừng và phát triển trang trại, gia trại với các sản phẩm an toàn, chất lượng cao; bảo vệ tài nguyên du lịch, tăng cường phối hợp quảng bá, kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ hiện có. Chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa - lịch sử...
Xuân về, hoa lúa, hoa ngô, hoa cam, hoa dược liệu, hoa đào, hoa ban... lại đua khoe sắc thắm trong tiếng cồng, tiếng pí, tiếng khèn ngân vang. Mang tâm thế “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”, vùng quê giàu truyền thống cách mạng sẽ từng bước vượt khó xây dựng “Mường Trong” trở thành “phố núi” sinh thái và trung tâm kinh tế - xã hội vùng tây nam Nghệ An.