THEO Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển pencak silat Việt Nam Nguyễn Văn Hùng, toàn đội phải đối diện với nhiều khó khăn cả về mặt nhân sự, thể thức thi đấu và quy định của ban tổ chức. Thế mạnh của chúng ta (những hạng cân lớn từ 75-95kg) đã bị cắt bỏ. Những trường hợp như Duy Tuyến (hạng 85kg), Văn Toàn (hạng 95kg) hay Thu Nghĩa (Huy chương vàng hạng cân 75kg tại SEA Games 31) cũng phải ép cân xuống để thi đấu những hạng thấp hơn. Đây chính là bất lợi lớn, bởi chúng ta vẫn có các vận động viên giỏi ở các hạng cân nhẹ, nhưng khó có khả năng áp đảo hoàn toàn.
Từ nhiều năm nay, pencak silat vẫn được xem như "mỏ vàng" của thể thao Việt Nam. Bởi vậy, việc bộ môn này bị cắt giảm nhiều hạng cân vốn là thế mạnh của chúng ta cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, việc phải ép cân đột ngột để thi đấu ở những hạng thấp hơn luôn tiềm ẩn nhiều nỗi lo với các vận động viên. Khi trọng lượng giảm sâu, cơ thể mất sức nhanh hơn rất nhiều. Các võ sĩ sẽ sớm bị mệt, dẫn đến khả năng chấn thương tăng cao. Hơn thế nữa, nước chủ nhà Campuchia đưa ra quy định giới hạn số lượng nội dung mỗi quốc gia tham dự ở mức 70%. Điều này buộc ban huấn luyện phải có nhiều thay đổi và tính toán sao cho hợp lý với nguồn lực hiện có.
Ở kỳ SEA Games 32 sắp tới, bộ môn pencak silat sẽ áp dụng nhiều thể thức đánh và cách tính điểm mới, khiến các võ sĩ và ban huấn luyện phải chạy đua với thời gian để cập nhật. Cụ thể, với những tình huống túm hai tay quật ngã nay chỉ được dùng một tay. Các đòn túm đấm, túm đá chỉ được công nhận dùng hai tay trong trường hợp một tay nắm, một tay xòe. Hay như các tình huống bám biên đánh trong luật cũ có thể đá bật ra ngoài nhưng với luật mới sẽ bị nhắc nhở... Đây là những yêu cầu bắt buộc các vận động viên phải luyện tập thành thục trong thời gian chưa đầy một năm. Việc thay đổi quá nhanh như vậy khiến các võ sĩ nếu không có nhiều thời gian cọ xát sẽ rất dễ lúng túng khi thực chiến.
THÔNG thường, tại các kỳ Đại hội, lực lượng nhân sự của tuyển pencak silat Việt Nam bao gồm hơn 20 vận động viên dàn trải cho 13-15 nội dung đối kháng, số còn lại được chia cho các nội dung quyền. Với số lượng như vậy, đội tuyển không sở hữu lực lượng đủ dày để tạo nên sự cạnh tranh ở mỗi hạng cân.
Hiện tại, Đội tuyển pencak silat Việt Nam có bốn huấn luyện viên và 38 vận động viên (29 võ sĩ đối kháng và chín người thi đấu quyền biểu diễn). Với các nội dung đối kháng, chúng ta không có sự phục vụ của hai nhân tố chủ chốt là Trần Đình Nam và Nguyễn Văn Trí. Ban huấn luyện đã đôn lứa trẻ sinh năm 2002-2004 lên thay. Còn với đội quyền biểu diễn, đây gần như là những vận động viên mới, chưa có kinh nghiệm thi đấu quốc tế.
"Dù các võ sĩ trẻ có tiềm năng, chúng ta chưa thể ngay lập tức yêu cầu các em thay thế vị trí của lứa đàn anh. Thực tế, công tác đào tạo vận động viên trẻ luôn tồn tại nhiều khó khăn. Phải mất một vài năm, các em mới có thể đáp ứng về chuyên môn. Tuy nhiên, mỗi kỳ SEA Games lại có nhiều thay đổi (có năm loại bỏ những hạng cân nhẹ, có kỳ lại không tổ chức hạng cân nặng). Chúng ta cần phải đào tạo đủ số võ sĩ để đáp ứng được yêu cầu của mỗi kỳ. Mỗi hạng cân cần tối thiểu hai người mới có sự va chạm và cạnh tranh tốt hơn" - ông Hùng nhận định.
NHỮNG ngày này, Đội tuyển pencak silat Việt Nam đang tích cực tập luyện với cường độ ba buổi mỗi ngày, chủ yếu tập trung cải thiện nền tảng thể lực, xây chắc cơ bắp, tập va chạm nhằm tăng sức chịu đựng và rèn luyện các kỹ thuật mới. Giai đoạn tiếp theo, đội tuyển sẽ chuyển sang các bài tập lồng ghép chuyên môn. Ban huấn luyện sẽ tổ chức thi đấu nội bộ hoặc mời một số đơn vị khác cùng đấu tập, giúp các võ sĩ rèn luyện bản lĩnh, kinh nghiệm thi đấu một cách tốt nhất. Sau khi kết thúc SEA Games 32, toàn đội sẽ quay lại xây dựng chu kỳ mới hướng tới ASIAD 19.
Từ ngày 5-15/3 vừa qua, nhiều võ sĩ đã tham dự Giải vô địch các Câu lạc bộ pencak silat quốc gia 2023 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Đây là bước đệm giúp các vận động viên cọ xát và nâng cao chuyên môn. Đồng thời, ban huấn luyện cũng tận dụng sự kiện này nhằm kiểm tra khả năng nắm bắt những thay đổi của từng cá nhân dựa trên luật thi đấu mới. Gần nhất, Tổng cục Thể dục-Thể thao đã phê duyệt kế hoạch cử các tuyển thủ quốc gia đi tập huấn tại Indonesia vào tháng 4 để có sự chuẩn bị tốt nhất hướng tới SEA Games 32.
"Đội tuyển pencak silat Việt Nam sở hữu thế hệ võ sĩ chất lượng. Tuy nhiên, về lâu dài, vấn đề tuyển chọn và đào tạo tài năng trẻ cần phải được tính toán kỹ lưỡng hơn nữa. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức thêm các giải đấu phong trào để tuyển chọn được nhiều hơn võ sĩ trẻ tài năng ở lứa tuổi học đường" - là chia sẻ của Vụ trưởng Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục Thể dục-Thể thao) Hoàng Quốc Vinh.