Từ tâm chấn Thổ Nhĩ Kỳ

Khi lịch sử hàng nghìn năm hồi sinh từ lòng tốt

Serkan Borklu đứng lặng trước Thánh đường Habib-i Neccar tại Antakya (Hatay). Mảng tường lớn trước mặt ông đã bị xé chéo một vết dài. Mái vòm bằng đá thì xô lệch, nhàu nhĩ như một chiếc hộp giấy bị vò mạnh. Phía đằng sau lưng, dãy nhà cổ hàng nghìn năm tuổi trên con đường ánh sáng Kurtulus đã đổ sập hoàn toàn.
0:00 / 0:00
0:00
Các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hỗ trợ người dân vùng động đất. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hỗ trợ người dân vùng động đất. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Habib-i Neccar, nhà thờ Hồi giáo đã đứng vững trước rất nhiều thảm họa trong gần 2.000 năm qua nay đã gục ngã trước thảm họa động đất kép. Nhưng Serkan tin, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vươn lên, tái thiết tất cả từ tro tàn.

Những biểu tượng… đổ vỡ

Trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, Antakya có một vị trí mang tính biểu tượng cho sự đa dạng nhưng thống nhất về văn hóa của quốc gia này. Từng được ví như Antioch, đô thị cổ lớn nhất Hy Lạp thời cổ đại, Antakya đặc biệt nổi danh bởi những nhà thờ Hồi giáo ẩn chứa trong mình nhiều trầm tích và dấu ấn thời gian.

Serkan khẽ thở dài, đưa ánh mắt u buồn nhìn thành phố trong hiện tại. Antakya hoa lệ ngày nào giờ trở thành phế tích. Dòng Orentos ngăn đôi đô thị cổ đỏ ngầu nước như cuộn lên nỗi đau. Những dãy nhà đổ nghiêng ngả. Những núi gạch đá, bê-tông chất cao ngất đầu người. Tiếng máy móc gầm rú trên những công trình giờ chỉ toàn đổ vỡ. Nhìn từ trên cao, thành phố thủ phủ tỉnh Hatay hoang tàn.

Antakya đón chúng tôi khi lòng thành phố đã gần như trống rỗng. Người dân đã rút ra ngoại ô, tạm trú trong những lều trại. Dọc các con đường chỉ còn bóng dáng quân đội, cảnh sát, tình nguyện viên và lực lượng làm nhiệm vụ dọn dẹp. Dấu của cuộc sống bình yên trước đây thi thoảng còn vương lại qua hình ảnh một chiếc xe nôi đung đưa trên ban công ngôi nhà hai tầng đang chờ sập… Thi thoảng, trực thăng lại ù ù bay trên đầu càng khiến cho mọi thứ trở nên não nề. Những bức tường có bài thơ viết bằng chữ dát vàng, những tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ hàng trăm năm tuổi… nay đã hoàn toàn trở thành lịch sử.

Sencer Con Alper, người bạn đường kiêm phiên dịch chầm chậm đánh vô-lăng đưa chiếc xe bốn chỗ thoát khỏi trục đường chính để tới Thánh đường Habib-i Neccar - nơi anh bảo là biểu tượng của một Antakya kiêu hãnh một thời. Theo lời giới thiệu của anh bạn người Thổ Nhĩ Kỳ, đây là nhà thờ được xây dựng từ năm 638 khi Antakya bị người A-rập Hồi giáo chinh phục và cũng là nhà thờ Hồi giáo đầu tiên được xây dựng của quốc gia này.

Câu chuyện về Habib-i chưa kịp dứt thì chiếc xe đột ngột khựng lại. Phố Kurtulus dẫn tới thánh đường bị chặn lại do gạch đá từ hai bên đổ tràn ra. Phải chờ hơn 20 phút, Sencer mới đưa chúng tôi tới được đại thánh đường cách đó chỉ chừng… 100m.

Serkan Borklu ngồi thừ người khi chúng tôi tới hỏi chuyện. Chua xót nhìn cánh cổng Habib-i Neccar giờ đã bị đẩy xô lệch, ông bảo: Đằng sau bức tường đá này, chúng tôi đã từng tự hào vì ngọn tháp không thể ngã gục của đại thánh đường. Trải qua hàng trăm nghìn thảm họa lớn nhỏ, ngọn tháp kỳ vĩ ấy chưa một lần đổ sập.

“Vậy mà, biểu tượng giờ đã đổ vỡ. Không chỉ Habib-i Neccar, một loạt công trình văn hóa - lịch sử khác của Antakya nói riêng, đất nước chúng tôi nói chung cũng đã không còn”, ông đau buồn kể.

Động đất, như một kẻ thô bạo đẩy ngã những biểu tượng nghìn năm của quốc gia xinh đẹp bên bờ Á - Âu. Từ Habib-i Neccar, Ulu Camii… tại Hatay đến lâu đài La Mã Gaziantep hay nhà thờ Hồi giáo Haji Yusuf ở thành phố Malatya… tất cả đều chịu chung số phận.

GS sử học Mehmet Yuva (Đại học Damascus) khi gặp chúng tôi đã phải thừa nhận ông thật sự đau buồn vì những mất mát mang tính biểu tượng sau thảm họa. Ông bảo, trong hàng trăm năm qua, từng có rất nhiều trận động đất tàn phá mảnh đất này, nhưng chưa lần nào khủng khiếp đến thế. Nhưng, chuyên gia đến từ Đại học Damascus cũng tin: Thêm một lần nữa, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đứng lên từ phế tích.

“Thổ Nhĩ Kỳ có những chuyên gia, các nhà khoa học, các giáo sư đầu ngành chuyên về trùng tu. Bản thân tôi cũng đã liên hệ với các giáo sư trên thế giới có chuyên môn cao trong lĩnh vực này. Có lẽ không lâu nữa, những công trình văn hóa đáng quý sẽ hồi sinh”, vị giáo sư sinh ra và lớn lên tại Hatay nói.

Hồi sinh trên tro tàn và niềm tin vào lòng tốt

Serkan Borklu là một cư dân của Antakya cổ kính. Cũng giống như nhiều người khác, ông may mắn sống sót sau cơn đại địa chấn. Serkan chỉ kịp đưa gia đình thoát ra khỏi căn phòng trước khi cả tòa nhà sụp xuống. Trong thảm họa lần này, ông đã mất đi hơn 10 người thân, bè bạn.

Serkan Borklu đã không rời đi sau động đất. Ông chọn cách ở lại với mong muốn đóng góp một phần sức lực cho hành trình tái thiết thành phố. Ông kêu gọi và lập một điểm cứu trợ miễn phí cho người dân ngay bên hông giáo đường Habib-i Neccar. Quần áo, khẩu trang, nước sát khuẩn, đồ ăn nhanh… tất cả được tập hợp từ khắp các nơi về để phân phát cho bất cứ ai có nhu cầu.

“Cả cuộc đời tôi đã gắn bó với thành phố này. Hơn lúc nào hết, chúng tôi phải mạnh mẽ và tin vào sự hồi sinh”, Serkan quả quyết.

Tại một góc phố khác, Mehmet Serkan Sican, một người buôn đồ cổ cũng đã bày biện những món đồ còn sót lại ra vỉa hè trước căn tiệm cũ. Một bức chân dung của chính trị gia Mustafa Kemal Ataturk - vị tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, vài cuốn tạp chí cũ và đặc biệt là rất nhiều lá quốc kỳ đỏ rực, đủ kích cỡ. Điện đã được nối lại vài ngày qua. Còn Mehmet thì cố gắng tìm cách nối lại nhịp sống bình thường trước kia.

“Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Từ tro tàn, Antakya nói riêng, Thổ Nhĩ Kỳ nói chung sẽ vươn lên mạnh mẽ”, vừa căng lá cờ hình trăng lưỡi liềm lên ngang ngực, Mehmet vừa tự tin nói.

Tại Gaziantep, một địa phương cũng hứng chịu những hậu quả nặng nề của đại địa chấn tháng 2, Tuncer Emlak cũng có cùng tâm trạng. Là phóng viên tờ báo địa phương, đây là lần đầu tiên Tuncer trở thành “nạn nhân” của thảm họa. Mất đi 16 người thân, nhưng chính anh đã cứu được hai người từ trong đống đổ nát.

“Khi thoát ra khỏi tòa nhà đang ở, tôi nghe thấy tiếng kêu cứu ở chung cư kế bên. Tôi lao vào thì phát hiện hai người đang mắc kẹt nên cố gắng đào để đưa họ ra ngoài”, Tuncer giơ bàn tay vẫn còn sứt sẹo lên kể lại.

Trở thành “anh hùng bất đắc dĩ”, hơn ai hết, Tuncer thấm thía nỗi đau mà đại địa chấn đã để lại. Ngày ngày, Tuncer lại lái chiếc xe cũ kỹ của mình vượt hàng trăm kilomet đến với các khu tạm cư. Ông mang theo nước ngọt, đồ ăn, băng vệ sinh và cả những trái bóng bay cho phụ nữ và trẻ em mất nhà tại các thành phố đã đổ vỡ vì thảm họa.

“Bốn ngày sau khi động đất đi qua, tôi và bạn bè đã thực hiện những chuyến đi như thế này. Tôi muốn góp sức mình để mọi người bớt khó khăn. Tại khắp các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi động đất, những hoạt động tương tự rất nhiều”, phóng viên Thời báo Baba Haber của Gaziantep nói với tôi.

Trong những ngày cuối cùng ở vùng tâm chấn, chúng tôi may mắn được gặp Mehmet Tahir Ikiler, Giám đốc nghệ thuật Nhà hát Ankara. Vài ngày sau đại địa chấn, ông bắt đầu lái chiếc xe tải của mình đi dọc 11 tỉnh chịu ảnh hưởng. Tại mỗi địa phương, Mehmet dừng lại 1-2 ngày chỉ để mở các buổi biểu diễn lưu động ngay bên các công trình đổ nát. Tại đó, ông sẽ kể cho lũ trẻ mất nhà nghe những câu chuyện cổ tích đầy nhiệm mầu hoặc làm một vài màn ảo thuật mà ông gọi là ma thuật. Người nghệ sĩ 57 tuổi độc hành ấy đã đi qua những Iskenderun, Samandag, Osmaniye, Afsin, Elbistan, Malatya, Adiyaman, Kahramanmaras… với mong ước nhỏ nhoi “giúp lũ trẻ và cả những người lớn tạm quên đi thực tế phũ phàng”.

“Những đứa trẻ bây giờ giống như nền xi-măng còn đang ướt. Chúng ta để lại dấu ấn gì thì nó sẽ lưu lại như thế trong tâm trí và trái tim các em. Những ký ức đau thương cần phải được xóa đi càng sớm càng tốt. Tôi mong rằng, một chút “ma thuật” và niềm vui này sẽ giúp các em vui vẻ hơn, sớm hòa nhập với xã hội và vượt qua ám ảnh của thảm họa thế kỷ. Tôi cũng hy vọng những đứa trẻ của chúng tôi sẽ có được nụ cười mà chúng đã bỏ lại phía sau. Bởi vì mỗi đứa trẻ là một thế giới. Trẻ em phải luôn vui vẻ. Và xét tới cùng, chính lũ trẻ sẽ là tương lai của chúng tôi”, ông tiếp lời.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, hàng trăm, hàng nghìn người khác vẫn đang tìm cách hàn gắn vết thương thảm họa bằng những cách riêng. Họ đã không còn nhắc nhiều về mất mát, đau thương mà bắt đầu hướng về phía trước. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phát động phong trào “Nhà của tôi cũng là nhà của bạn” để những nạn nhân có thể tìm chỗ tạm cư. Cộng đồng quốc tế, trong đó có cả Việt Nam cũng cam kết và sẵn sàng đồng hành trong quá trình tái thiết.

Và đặc biệt nhất, bất chấp việc trong cả thập kỷ qua, Gaziantep nói riêng, Thổ Nhĩ Kỳ nói chung là một vùng đất đa dạng với sự có mặt của cộng đồng người Syria tị nạn, nhưng Tuncer khẳng định: Ông đã phân phát thức ăn cho bất cứ ai ông gặp trên đường. Bởi, lúc này, tại đất nước này đã không còn sự phân biệt về quốc tịch, dân tộc, giới tính hay thậm chí tín ngưỡng nữa.

Có lẽ quá trình hồi sinh của quốc gia bên bờ Địa Trung Hải sẽ được bắt đầu bởi chính những suy nghĩ như vậy. Bỏ qua những xích mích về kinh tế - xã hội, chung sống hòa bình và cùng nhau tái thiết, hồi sinh dường như đã trở thành một phần bản sắc của Thổ Nhĩ Kỳ trong cả thời bình lẫn giữa cơn hoạn nạn.