Đức đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng

Chính phủ Đức vừa qua đã chấp thuận kế hoạch tổ chức các cuộc đấu thầu cho bốn nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt chuyển sang sử dụng hydro theo lộ trình 20 năm. Động thái được coi là rất quan trọng trong việc chuyển đổi năng lượng của Đức theo hướng tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo và dần loại bỏ điện than.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy điện than ở Weisweiler, Đức. Ảnh: REUTERS
Nhà máy điện than ở Weisweiler, Đức. Ảnh: REUTERS

Sự bổ sung cần thiết

Đầu tháng 2 vừa qua, Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức thông báo, Chính phủ Đức đã chấp thuận kế hoạch tổ chức các cuộc đấu thầu bốn nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt sẵn sàng chuyển đổi sang sử dụng hydro có tổng công suất lên tới 10GW. Reuters dẫn các nguồn tin cho hay, khoản hỗ trợ của Chính phủ Đức dành cho các công ty xây dựng và vận hành các nhà máy nêu trên có giá trị lên tới 17 tỷ USD, bao gồm hỗ trợ về vốn và vận hành, có hiệu lực trong 20 năm.

Các nhà máy này sẽ chạy bằng khí đốt trong một thời gian ngắn, sau đó chuyển đổi sang sử dụng hydro. Theo Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức, các kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng hydro sẽ được hoàn tất trước năm 2032 để các nhà máy có thể chuyển sang sử dụng hoàn toàn hydro trong khoảng thời gian từ năm 2035 đến năm 2040.

Tạp chí Der Spiegel cho biết, cuộc đấu thầu nhà máy đầu tiên với công suất 2,5GW sẽ diễn ra vào mùa hè tới. Ba cuộc đấu thầu xây dựng các nhà máy có cùng công suất tiếp theo sẽ được triển khai chậm nhất là vào mùa thu năm 2025. Nguồn tin của Der Spiegel cũng cho hay, trong quá trình vận hành, Đức sẽ bù giá đối với khoản chênh lệch giá giữa hydro và khí tự nhiên nhiều nhất là 800 giờ mỗi năm. Cả hydro xanh từ năng lượng tái tạo và hydro xanh từ khí đốt tự nhiên hoặc than đá đều sẽ được hỗ trợ nhưng các loại hydro khác, thí dụ như hydro từ năng lượng hạt nhân, sẽ không được hỗ trợ.

Đức coi các nhà máy điện dự phòng, trước mắt sử dụng khí đốt nhưng sẵn sàng chuyển đổi sang sử dụng hydro là sự bổ sung cần thiết để bảo đảm nguồn cung năng lượng cho đến khi năng lượng tái tạo có thể khắc phục được các vấn đề về lưu trữ và công nghệ lưới điện để thay thế hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch. Bà Claudia Gunther, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu năng lượng Aurora, chỉ ra rằng, Đức dự kiến sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện vào những năm 2030 do nhu cầu điện tăng liên tục, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải và sưởi ấm. Trong bối cảnh đó, các nhà máy điện dự phòng sẽ cung cấp phụ tải cơ bản, tức nguồn năng lượng suốt ngày đêm, vì các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió tạo ra không bảo đảm liên tục.

Tuy nhiên, các nhà máy điện dự phòng như vậy chỉ vận hành ở một số thời điểm nhất định, trong khi chi phí nhiên liệu lại cao hơn đáng kể so với khí đốt tự nhiên nên các doanh nghiệp đều không mặn mà bỏ vốn đầu tư. Vì vậy, Chính phủ Đức buộc phải có các chính sách hỗ trợ để giải bài toán hiệu quả đầu tư cho doanh nghiệp. Thông qua việc đấu thầu, Chính phủ Đức hy vọng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang sản xuất năng lượng carbon thấp và củng cố các nguồn năng lượng sạch không liên tục. Các quan chức Berlin nhất trí cho rằng, những nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt sẵn sàng chuyển đổi sang sử dụng hydro sẽ sớm trở thành một phần trong chiến lược nhà máy điện của Đức.

Hiệp hội Các nhà kinh doanh lĩnh vực năng lượng của Đức (BDEW) đã lên tiếng hoan nghênh kế hoạch của Chính phủ Đức, cho rằng kế hoạch này sẽ tạo cơ sở quan trọng cho con đường hướng tới trung hòa khí hậu, đồng thời duy trì an ninh nguồn cung năng lượng của Đức. Theo BDEW, việc mở rộng các nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt mới như vậy sẽ là cơ sở cho việc loại bỏ dần điện than. Tuy nhiên, Hiệp hội này cũng đề nghị làm rõ việc hỗ trợ, cũng như bảo đảm quá trình đấu thầu xây dựng các nhà máy mới có thể được tổ chức trong năm nay.

Trong khi đó, Nhóm môi trường Deutsche Umwelthilfe của Đức cho rằng, các thông tin liên quan đến kế hoạch, bao gồm cả tài chính và thiết kế đấu thầu vẫn còn mơ hồ và có thể dẫn đến việc xây dựng các nhà máy điện khí đốt không chuyển đổi sang sử dụng hydro như cam kết. Deutsche Umwelthilfe cũng tỏ ra lo ngại về việc thỏa thuận xem xét triển khai các công nghệ đắt tiền vẫn đang được phát triển, thay vì dựa vào các giải pháp hiện có. “Rõ ràng đây không phải là hydro xanh. Chúng ta cần một hệ thống điện phần lớn trung hòa khí hậu vào năm 2035”, Giám đốc điều hành Deutsche Umwelthilfe Sascha Müller-Kraenner nói.

Công ty năng lượng EnBW cũng đánh giá kế hoạch nêu trên là một bước quan trọng nhưng mục tiêu 10 GW là quá thấp để bảo đảm đẩy nhanh việc loại bỏ năng lượng đốt than vào năm 2030.

Đức đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng ảnh 1

Một nhà máy cung cấp hydro tại Đức. Ảnh: SHUTTER STOCK

Đẩy nhanh mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo

Đức đang chạy đua xây dựng nguồn năng lượng ít carbon trong khi loại bỏ dần điện than, với mục tiêu tăng tỷ lệ tiêu thụ năng lượng tái tạo từ khoảng 50% hiện nay lên 80% vào năm 2030. Năm 2023, nước này đã đóng cửa ba nhà máy điện hạt nhân còn lại và kỳ vọng đạt mục tiêu phát thải ròng gần như bằng “0” vào năm 2035.

Thời gian qua, Đức đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang sản xuất năng lượng carbon thấp và củng cố các nguồn năng lượng sạch không liên tục. Trong đó, về mặt luật pháp, năm 2020, Đức bắt đầu thực thi Luật Giảm thiểu và chấm dứt năng lượng sử dụng than với mục đích giảm dần và cuối cùng chấm dứt sử dụng năng lượng chạy bằng than ở Đức vào năm 2038. Đạo luật này cũng sửa đổi Luật về các nguồn năng lượng tái tạo của Đức để hệ thống hóa mục tiêu nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Cũng trong năm 2020, Luật hỗ trợ các vùng than của Đức đã có hiệu lực, theo đó đưa ra các quy định về hỗ trợ tài chính để giải quyết những thay đổi về cơ cấu và bảo đảm việc làm tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi quá trình dừng sử dụng than.

Theo dự kiến ban đầu, Chính phủ Đức sẽ công bố chiến lược nhà máy điện của nước này từ đầu năm 2023. Tuy nhiên, việc Tòa án Hiến pháp Đức ngăn chặn việc chuyển số tiền 60 tỷ euro (65,6 tỷ USD) chưa sử dụng từ các chương trình trong đại dịch Covid-19 sang tài trợ các dự án khí hậu đã khiến kế hoạch này bị trì hoãn. Khi được công bố, đây sẽ là cơ sở rất quan trọng để Chính phủ Đức thuyết phục các nhà sản xuất than nâu ở phía đông, loại than gây ô nhiễm nhất, loại bỏ dần các nhà máy sử dụng than sớm hơn thời hạn chính thức là năm 2038 và giúp Đức đạt được mục tiêu phát thải nhà kính nhanh hơn.

Trong thông báo mới đây, Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức cho biết, Chính phủ Đức cũng sẽ hỗ trợ phát triển các công nghệ mới như phản ứng tổng hợp hạt nhân, hỗ trợ các nhà máy điện chạy hoàn toàn bằng hydro ngay từ đầu. Đồng thời, Đức sẽ xóa bỏ mọi rào cản đối với việc xây dựng các nhà máy điện phân trong nước để sản xuất hydro xanh, đẩy nhanh các thủ tục lập kế hoạch và cấp phép cho tất cả các nhà máy điện khí mới.

Đức cũng sẽ bổ sung vào cơ cấu thị trường điện cơ chế công suất trung hòa về công nghệ, dựa trên thị trường, trong đó phản ánh sự gia tăng thị phần của năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của Đức. Dự kiến, cơ chế này sẽ được thống nhất vào giữa năm 2024 và đi vào hoạt động vào năm 2028. Trong thị trường công suất, các nhà cung cấp không chỉ được trả tiền cho mỗi kilowatt giờ điện mà họ sản xuất và đưa vào lưới điện mà còn được trả tiền để sẵn sàng cung cấp điện.

Theo đánh giá hằng năm về quá trình chuyển đổi năng lượng tại Đức của tổ chức tư vấn Agora Energiewende có trụ sở tại Berlin, lượng phát thải khí nhà kính của Đức trong năm ngoái đã giảm khoảng 20%, xuống mức thấp nhất kể từ những năm 50 thế kỷ trước. Tuy nhiên, khoảng một nửa mức giảm này là do sự sụt giảm “mạnh” trong hoạt động sản xuất điện đốt than vì sản xuất công nghiệp của Đức chậm lại. Chỉ 15% mức giảm lượng phát thải khí nhà kính được xác định là nhờ các cải tiến công nghệ như sử dụng nhiều hơn năng lượng tái tạo. Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck trong một phát biểu hoan nghênh số liệu do Agora công bố. Ông Habeck nhấn mạnh, trong năm 2023, hơn một nửa nguồn cung cấp điện của Đức được tạo ra từ các nguồn tái tạo. Ông Habeck khẳng định mục tiêu duy trì hoạt động sản xuất công nghiệp mạnh mẽ và sớm đạt mục tiêu trung hòa khí hậu.