Khát vọng sống...

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng di chứng của nó thì vẫn hiện hữu đâu đó trên khắp đất nước Việt Nam: Những quả bom còn ẩn sâu trong lòng đất mới được phát hiện; những xác máy bay, xe tăng rỉ sét trên những bãi cỏ hoang khi xưa là chiến trường; vết thương trên da thịt đau nhức khi trái gió trở trời. Và, một nỗi đau không gì có thể xoa dịu được mang tên "da cam" mà quân đội Mỹ gieo rắc trên dải đất Việt Nam 50 năm trước khiến hàng triệu người dân trở thành nạn nhân vô tội...

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng nhiều vùng đất vẫn chưa "rửa sạch" được loại chất độc đã bị nhiễm này, những người bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin thì tiếp tục di truyền sang các thế hệ sau khiến con cháu họ phải chịu đựng bệnh tật đau đớn hay những khuyết tật, dị dạng khó có thể diễn tả thành lời...

Ðau cùng nỗi đau của các nạn nhân và gia đình họ, nhiều nhà nhiếp ảnh đã đi sâu vào khai thác đề tài này, với mong muốn thông qua các bức ảnh của mình, là một bằng chứng mạnh mẽ góp phần đòi công lý, cũng như kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin.

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Hùng Cường cũng vậy, anh  hướng ống kính của mình đến những nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ngay chính trên quê hương anh - tỉnh Nam Ðịnh. Năm 1998, trong một lần quay phim ở xã Hải Ðường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Ðịnh, Phạm Hùng Cường dừng chân bên một ngôi nhà tranh vách đất bên đường, đập vào mắt anh là hình ảnh một thân hình gầy guộc như nắm xương khô nằm trên chiếc giường ọp ẹp. Tương phản với tấm thân tàn tạ đó là chiếc chiếu có in hai chữ Hạnh Phúc. Ðồ đạc trong nhà gần như không có gì, trên tường chỉ có những chiếc khung treo bằng chứng nhận, bằng khen cùng bức ảnh chân dung nhỏ của một người lính. Hỏi chuyện mới biết "nắm xương khô" ấy là anh Nguyễn Văn Tú - sinh năm 1970, bị ảnh hưởng chất độc mầu da cam/đi-ô-xin từ cha mình - ông Nguyễn Văn Thẩm, người từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền nam. Anh Tú không tự ăn, tự mặc, tự đi lại được, mọi sinh hoạt hằng ngày đều do người mẹ chăm sóc.

Hình ảnh quá ấn tượng đó gây xúc động mạnh mẽ, ám ảnh Phạm Hùng Cường để rồi 10 ngày sau anh vác máy ảnh quay trở lại ngôi nhà này. Bằng óc quan sát tinh nhạy của một người chụp ảnh chuyên nghiệp, Phạm Hùng Cường chọn góc độ, bố cục và bấm máy mà trong lòng phải kìm nén cảm xúc, mong muốn được sẻ chia, để những cú bấm máy của mình không bị rung tay. Và Phạm Hùng Cường đã có được bức ảnh khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng phải suy nghĩ...

Mới đầu, Phạm Hùng Cường đặt tên cho tác phẩm này của mình là "Chiến tranh còn để lại". Khi được giới thiệu trên một số tờ báo thì đã nhận được những đánh giá tương đối tốt, bởi nội dung ảnh thể hiện được sự khốc liệt của chiến tranh, hậu quả kéo dài qua nhiều thế hệ của những nạn nhân chất độc da cam/ đi-ô-xin. Năm 2000, sau rất nhiều suy nghĩ, trăn trở, anh quyết định gửi tác phẩm này dự cuộc thi ảnh của Áo (có 120 nước tham dự) với tên gọi mới "Khát vọng sống" với mong muốn qua đó thể hiện khát vọng sống, khát vọng hòa bình, khát vọng vươn tới tương lai, đồng thời cũng góp phần nhỏ bé vào cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin... "Khát vọng sống" đã làm lay động trái tim các vị giám khảo quốc tế và đã được trao Huy chương bạc.

Chỉ với hai mầu đen trắng, hình ảnh quá sống động và chân thực đó đã khiến bức ảnh có sức tố cáo chiến tranh mạnh mẽ, đồng thời cũng nhắc nhở người xem cần có sự quan tâm hơn nữa với những con người không may phải hứng chịu hậu quả của chiến tranh, cũng như công lao của những người lính đã cống hiến cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

 Qua tìm hiểu, được biết, gia đình ông Thẩm cũng đã nhận được sự quan tâm của một số tổ chức từ thiện trong và ngoài nước, nhưng đời sống gia đình ông còn quá vất vả.

Không chỉ tại Nam Ðịnh, mà nhiều nơi khác trên đất nước Việt Nam còn có biết bao gia đình có hoàn cảnh như gia đình ông Thẩm. Hậu quả của các loại chất độc do quân đội Mỹ sử dụng ở miền nam Việt Nam trong thời chiến tranh vẫn còn di chứng đến hôm nay, cho dù chiến tranh đã lùi xa nhiều năm.

Phạm Hùng Cường đã có hơn 30 năm gắn bó với chiếc máy ảnh và giành được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi ảnh nghệ thuật, báo chí trong và ngoài nước. Dù ở thể loại nào, điều anh luôn tâm niệm là làm sao để tác phẩm của mình truyền tải được đến người xem tinh thần của khát vọng sống, khát vọng vươn lên và tình yêu của người con Việt Nam đối với quê hương đất nước mình.

Có thể bạn quan tâm