Khát vọng của đội ngũ doanh nghiệp

Đưa thương hiệu Việt, giá trị Việt ra thế giới không chỉ là khát vọng của doanh nghiệp Việt, nhưng họ là một trong những nhóm người tiên phong.
0:00 / 0:00
0:00
Cho đến nay, gốm Chu Đậu đã đi khắp thế giới, trở thành thương hiệu quốc gia.
Cho đến nay, gốm Chu Đậu đã đi khắp thế giới, trở thành thương hiệu quốc gia.

Dám mơ lớn, dám hành động

Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành "Digital Hub" của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APAC) - nơi trung chuyển, kết nối dữ liệu và hạ tầng viễn thông của khu vực APAC. Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC đã ôm tham vọng này từ lâu.

"Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đang tiến rất gần đến mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu, với hàng loạt công việc đã đạt được trong năm 2022 - năm tổng tấn công về chuyển đổi số của Việt Nam", ông Chính tự tin về hành trình phía trước.

Đặc biệt, ông nói đang rất kỳ vọng vào những điều kiện, cơ chế mở hơn mà Chính phủ đang nghiên cứu dành cho doanh nghiệp công nghệ để thu hút nhân tài, nguồn lực; trong việc giao cho tư nhân đảm nhận các dự án về cơ sở hạ tầng kinh tế số của đất nước, xây dựng trung tâm dữ liệu, hạ tầng viễn thông, thành phố thông minh tại nhiều vùng trên cả nước…

Song, các doanh nghiệp cũng thừa nhận, cách mạng công nghệ thông tin đã phát triển tới mức định hướng và hình thành cấu trúc kinh tế toàn cầu mới, đặt các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với áp lực đột phá trong cải tiến công nghệ cũng như trong đổi mới chiến lược quản trị, nâng cấp trình độ nghiên cứu phát triển và chất lượng nguồn nhân lực. Đó là chưa kể, sức ép đang lớn lên trước những biến động địa - chính trị ngày càng khó đoán định trên toàn cầu.

Nhắc tới "trào lưu" ngủ đông, doanh nghiệp sản xuất co cụm, ngại cạnh tranh, không dám làm, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG kiến nghị: "Để nền kinh tế phục hồi và phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp tư nhân cần được đánh thức, được khích lệ, dám nghĩ, dám làm và có nhiều khát vọng lớn hơn". Trong cuộc gặp Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đầu tháng 4 vừa qua, bà Nga cũng đề xuất: "Chính phủ tham khảo các quốc gia như Nhật Bản, Singapore trong việc xây dựng các chính sách dành riêng cho các thương hiệu quốc gia mà các doanh nghiệp tư nhân đã tạo dựng được".

Tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt khu vực tư nhân đã có chặng đường phát triển đầy thành tựu, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV dành nhiều cảm xúc khi nhắc đến đội ngũ doanh nhân Việt với khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, có trách nhiệm xã hội. Nhắc đến những thương hiệu Việt tiêu biểu được hình thành trong thời gian qua, có thể kể tên Vingroup, Thaco, Masan, BRG, FPT, Vinamilk, CMC…

"Chính tinh thần luôn đổi mới, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân tư nhân đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ đến các khu vực kinh tế khác và toàn xã hội, thúc đẩy và tạo động lực cải cách, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh và hoàn thiện thể chế của đất nước", TS Lực nhấn mạnh.

Hiện tại, kinh tế tư nhân huy động nguồn vốn lớn cho phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp khoảng 46,4% vào GDP của Việt Nam… Song ở một góc độ khác, TS Lực khá lo ngại khi năng lực hội nhập và cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân còn hạn chế, mức độ tham gia sâu chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn thấp, chủ yếu vẫn là gia công, nhập khẩu để gia công.

Chỉ khoảng 21% số doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia một số chuỗi giá trị toàn cầu; 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài… TS Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ, đã suy nghĩ rất nhiều về việc này, xác định rõ cần phải tư duy dài hạn về tái cấu trúc chuỗi cung ứng, cũng như định vị lại vị thế của mình.

"Không còn đơn thuần là gia công công đoạn (CMT), lợi nhuận thấp, thường xuyên bị ép giá mà phải sớm chuyển đổi sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng). Nếu thiếu đi tư duy dài hạn và tầm nhìn lớn, doanh nghiệp Việt không thể tận dụng cơ hội này để đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Việt chia sẻ.

Tuy nhiên, đầu tư cho công nghệ, quy trình sản xuất "xanh" hay xây dựng thương hiệu riêng không dễ dàng, giá thành cũng không rẻ, doanh nghiệp cần có nguồn vốn, nguồn nhân lực trình độ cao cũng như khung hành lang pháp lý thông thoáng. Thời gian qua cũng đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, cải tiến công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, số lượng chưa nhiều.

"Chính sách tốt có vai trò rất quan trọng để duy trì các mối quan hệ trong chuỗi cung ứng và cho phép doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển và lớn mạnh", ông Việt đề xuất khi nói đến yêu cầu hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, tập trung vào các công đoạn có lợi thế cạnh tranh rõ rệt để thu hút đầu tư FDI. Đặc biệt, ông chờ đợi việc quy hoạch và hình thành Trung tâm thiết kế thời trang tại TP Hồ Chí Minh - địa phương đóng góp hơn 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước - thay vì là công xưởng gia công.

"Chúng tôi mong Chính phủ thúc đẩy việc công khai, minh bạch về cơ hội, điều kiện đối với kinh tế tư nhân trong tiếp cận các nguồn lực quốc gia để phát triển kinh tế. Và quan trọng nhất chính là kiện toàn các chính sách kinh tế vĩ mô, tạo đòn bẩy để kinh tế tư nhân nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế", ông Việt bày tỏ.