Dù thị trường có những bước phục hồi tích cực, song việc tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, nhất là ngành dệt may, da giày, khi nhiều năm nay luôn trong tình trạng thiếu nguồn lao động bổ sung.
Cạnh tranh khốc liệt giữa các ngành, lĩnh vực
Hoạt động trong lĩnh vực dệt may, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, nhờ sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, nhất là sự phục hồi của kinh tế châu Âu và Nga, doanh nghiệp đã có nhiều đơn đặt hàng đến hết tháng 10. Do đó, doanh nghiệp liên tục tập trung tuyển dụng lao động không giới hạn số lượng thông qua các trang thông tin tuyển dụng và các nhóm tìm việc lao động phổ thông. Tuy vậy, số lao động đến tuyển dụng rất ít do phần lớn các ngành đều phục hồi và có nhu cầu tuyển dụng cao.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), do sự dịch chuyển lao động, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị nào giảm ít nhất cũng mất 6%, nơi giảm nhiều có đến 18 - 20% số lao động nghỉ việc. Hiện các doanh nghiệp trong ngành đang thiếu khoảng 500.000 lao động, tập trung vào lao động có tay nghề, lao động cấp trung, quản lý, thiết kế sản phẩm…
“Các doanh nghiệp sản xuất trong nước kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn về cuối năm với mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD. Song, ngành dệt may Việt Nam cũng chịu áp lực ngày càng lớn về lực lượng lao động”, ông Giang lo ngại.
Tương tự, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành da giày Việt Nam tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường, đồng thời chú trọng duy trì thị trường truyền thống như Mỹ, EU do sức mua và dung lượng thị trường lớn, đặc biệt, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường có các FTA. Dự báo kim ngạch xuất khẩu ngành năm 2024 sẽ đạt khoảng 26-27 tỷ USD. Để đáp ứng đơn hàng, các doanh nghiệp đang liên tục tuyển dụng công nhân trở lại để đẩy nhanh tiến độ sản xuất sau giai đoạn phải cắt giảm. Tuy vậy, do nhu cầu tăng ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau khiến thị trường tuyển dụng lao động ngày càng cạnh tranh.
Trên thực tế, ngoài việc tăng lương cơ bản trước thời gian theo quy định của Chính phủ ba tháng và tăng thưởng theo năng suất để khuyến khích người lao động, nhiều doanh nghiệp cũng tăng mức hỗ trợ cho công nhân mới để bảo đảm họ có đủ thu nhập trong 6 tháng đầu khi vào làm việc. Thậm chí, doanh nghiệp tăng mức thưởng cho người giới thiệu lao động và cho công nhân mới để có thể thu hút được thêm lao động. Ngoài chính sách tốt, không ít doanh nghiệp phải đi các tỉnh xa để tìm kiếm người lao động.
Vẫn đang thời kỳ cơ cấu dân số vàng
Còn theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc miền Bắc Công ty Navigos Search (công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp trung và cao), để thu hút, tuyển dụng và giữ chân người lao động hiệu quả trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các ngành nghề, lĩnh vực, mỗi doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm bắt thông tin, xu hướng thị trường tuyển dụng và tâm lý của người lao động nhằm xây dựng kế hoạch thu hút, tuyển dụng và giữ chân người lao động hiệu quả.
Một khảo sát của Navigos Search tiến hành cuối năm 2023 đầu năm 2024 đã chỉ ra ba yếu tố khiến cho ứng viên quan tâm khi ứng tuyển công việc mới. Thứ nhất là mức lương. Doanh nghiệp cần bắt đầu từ việc xây dựng cơ chế lương - thưởng minh bạch và hấp dẫn; chú trọng vào lương như một yếu tố thu hút ứng viên khi tuyển dụng; bảo đảm các chính sách về lương, thưởng cho nhân viên; tăng/đa dạng thêm các khoản thưởng hoặc tài trợ về tài chính… Thứ hai là môi trường làm việc. Doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình thăng tiến cho mỗi nhân viên, chú trọng nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên. Lắng nghe và đặt niềm tin nhiều hơn vào nhân viên, trao cho họ quyền tự hành động và quyết định trong một khuôn khổ cụ thể. Thứ ba là văn hóa doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần xây dựng và lan tỏa văn hóa doanh nghiệp đến rộng rãi người lao động thông qua các hoạt động xây dựng thương hiệu tuyển dụng; đa dạng hóa các kênh tuyển dụng nhằm tiếp cận tối đa tới nguồn ứng viên tiềm năng…
Trong khi đó, theo ông Giang, với một dây chuyền sản xuất đã ổn định, khi tuyển công nhân mới thì phải đào tạo ít nhất 6 tháng đến 1 năm. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn hơn trong quản lý nguồn nhân lực và có chính sách đãi ngộ tốt để giữ chân người lao động. Đồng thời, Nhà nước đã triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội, cần phải đẩy nhanh tiến độ thực thi chính sách này để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp ở các khu công nghiệp hoặc vùng sản xuất, tránh tình trạng dịch chuyển lao động như hiện nay.
Còn theo ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Thống kê dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng hằng năm, đây là lợi thế để bổ sung lực lượng lao động, bao gồm cả lao động có việc làm. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, lao động có việc làm đạt 51,4 triệu người, tăng 195,8 nghìn người so với 6 tháng đầu năm 2023.
Tuy vậy, để thị trường lao động phục hồi bền vững, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.
Mặt khác, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội. Việc mở rộng cơ sở giáo dục cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường tỷ lệ lao động qua đào tạo liên tục.