"Giấc ngủ ngon lành, sâu thẳm với thời gian"
Sáng 1/5, chúng tôi cùng đoàn thiện nguyện "Cầu Giấy yêu thương" đến Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên, bất ngờ trước hình ảnh: Từ hai bên cánh của lối lên nhà đền, phía phải là đoàn các học sinh trong sắc mầu áo đồng phục xanh hòa bình đang tiến từng bậc thang lên đền thờ chính. Còn phía bên trái, là đoàn cựu quân nhân vừa làm lễ dâng hương xong, đang đi xuống. Dường như có một sự tương phản mà lại tôn bồi cho nhau. Những gương mặt ngời sức trẻ - Những gương mặt khắc khổ, mắt đỏ hoe…
Rất nhiều cựu binh đã không thể nhận ra được đâu là chốt mình từng bám trụ. Bởi năm tháng đã phủ xanh lại chiến trường xưa, và bởi trong suốt những năm tháng cao điểm của cuộc chiến, những người lính chỉ hành quân vào mặt trận khi bóng đêm ken dày để tránh pháo kích của địch rót xuống. Rút quân ra cũng vào tầm ba, bốn giờ sáng… Nhìn nhau còn chẳng rõ. Chỉ qua hơi thở mà biết đồng đội vẫn còn đây...
Mai Anh, cán bộ văn hóa xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, khi thuyết minh về những điểm riêng có, độ khốc liệt của chiến trường Vị Xuyên đã không khỏi nghẹn lời. Nếu như trong 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị, có thời điểm sáng chúng ta đưa vào hơn 100 cán bộ, chiến sĩ, đến chiều cả trăm con người hy sinh, thì ở Vị Xuyên, bi tráng thay, cả nghìn cán bộ, chiến sĩ đã cùng ngã xuống trong một ngày cao điểm tiến công của địch…
Tải lương trong điều kiện hết sức khó khăn, vậy nên, chỉ duy nhất có bữa sáng còn bảo đảm. Trưa và chiều, không cách gì giữ nổi cho cơm không bị thiu trong cái nắng vùng cao. Những người lính đã chiến đấu trong điều kiện thiếu từ manh áo mặc, bữa cơm độn đến mảnh chăn đắp. Vùng cao, đêm nào mà không có sương muối buốt giá... Có những điểm chốt là khe núi chật hẹp, có từ sáu đến hơn mười cán bộ, chiến sĩ bám trụ trong nhiều ngày. Khi ra đến bên ngoài, nhìn nhau, ai cũng râu tóc mọc dài, chỉ còn ánh lên đôi mắt. Cái tật bị còng lưng vì sống trong khe cũng theo người sống sót cho đến tận những ngày tháng về lại với đời thường…
Với hơn 30 km đường biên, có điểm, quân địch tiến công sâu nhất vào lãnh thổ của ta là năm km. Để giành lại từng tấc đất quê hương, cắm lên lá cờ đỏ sao vàng khẳng định chủ quyền, lớp lớp những chiến sĩ đã chiến đấu sắt son trong điều kiện ngặt nghèo như thế với lời thề khắc trên báng súng "Sống chiến đấu trên đá, chết hóa đá bất tử".
Từ Đền thờ các Anh hùng, liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên đặt tại cao điểm 468, thuộc xã Thanh Thủy, Mai Anh hướng tầm mắt của chúng tôi trở lại những cứ điểm ác liệt một thời với những tên gọi đã đi vào lịch sử như "Đồi thịt băm" hay "Cối xay thịt" và "Lò vôi thế kỷ"… Chỉ trên phạm vi khoảng 8.000 ha đất, dưới đáy thung sâu, trong những cánh rừng địa hình hiểm trở vẫn còn đó những cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng nằm lại. Có những người ra đi, tay còn nắm chắc cây súng. Vẫn biết thời gian trôi qua, cơ hội tìm kiếm, quy tập và xác định DNA ngày một khó khăn, nhưng những nỗ lực tìm các anh chưa bao giờ ngơi nghỉ… Chỉ có điều, đường về với những người chiến sĩ "hóa đá" còn xa quá.
Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vị Xuyên đã mở rộng thêm về phía bắc, từ hai ha lên 10 ha để đón nhận gần 3.000 phần mộ các liệt sĩ đã hy sinh tại các điểm cao biên giới như 1509, 468 và nhiều nơi dọc tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh Hà Giang… Đến giờ, những hàng mộ chí vẫn đang ngóng chờ các anh trở về… Cả năm 2021, chúng ta mới đưa được mười chiến sĩ trở về. Cũng ở nghĩa trang này, trong hơn 1.857 mộ liệt sĩ, có đến 400 ngôi mộ đau đáu dòng chữ "Không xác định được thông tin". Độ tuổi trung bình của các liệt sĩ Vị Xuyên chỉ từ 18-20 tuổi.
Trong mười năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, chúng ta đưa đến Vị Xuyên các sư đoàn bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương. 4.000 cán bộ chiến sĩ anh dũng hy sinh, đến nay vẫn còn 2.000 cán bộ chiến sĩ chưa thể trở về. Các anh đã hòa vào đất mẹ, vào sắc xanh của cây cối để trả lại sự sống cho chiến trường xưa. Thăm lại Vị Xuyên, cựu binh Phạm Ngọc An khắc khoải:
"Nhẹ nhàng thôi, đừng làm rung cây lá
Trên đỉnh đồi, dưới hang đá khe sâu
Bạn tôi nằm, sau nhiều ngày chiến đấu
Giấc ngủ ngon lành, sâu thẳm với thời gian".
Sắc xanh nơi chiến địa
Đền thờ Anh hùng liệt sĩ Vị Xuyên khởi công năm 2015, khánh thành năm 2018. Lần này, đoàn thiện nguyện "Cầu Giấy yêu thương" huy động sự đóng góp của các nhà hảo tâm để tổ chức trồng cây phong linh tại lối lên Đền và trao quà cũng là "cần câu" mưu sinh cho các hộ dân sinh sống tại những điểm cao, nơi từng là chiến trường khốc liệt.
Hơn 60 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Dao đã trở thành những cột mốc sống, khẳng định sức sống của người Việt trên rẻo đất biên cương. Dẫu cuộc sống còn hết sức khó khăn, có những hộ gia đình thuộc diện nghèo khó khi có lao động chính là nạn nhân của bom mìn còn sót lại, nhưng họ vẫn đổ mồ hôi khẩn hoang, canh tác... Những chiến sĩ biên phòng, và đội ngũ cán bộ của xã, huyện ngày ngày đến với dân, đồng hành cùng tạo dựng cuộc sống tốt hơn cho những mầm non được sinh ra nơi triền núi vẫn còn đó các anh hùng nằm lại. Con đường yên ngựa nối những cột mốc đánh dấu chủ quyền, đang có những hàng cột điện được trồng xuống. Chỉ nay mai thôi, dòng điện sẽ đến với những ngôi nhà lưng chừng núi…
Là huyện động lực trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hà Giang, nhưng Vị Xuyên vẫn phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức trong thu hút nguồn lực. Chia sẻ với chúng tôi về bản đề án định hướng phát triển du lịch huyện Vị Xuyên giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030, ông Hoàng Thanh Tịnh, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên rất tâm đắc với chiến lược phát triển du lịch gắn với "địa chỉ đỏ" trong hành trình tìm hiểu về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Chỉ tính riêng Đền thờ Anh hùng liệt sĩ Vị Xuyên ở thời điểm không có dịch bệnh, đã thu hút 40 nghìn lượt khách/năm. Nay trong bối cảnh bình thường mới, chỉ trong dịp nghỉ lễ vừa qua, những đoàn khách trở lại đã góp phần kích hoạt du lịch Vị Xuyên khởi sắc. Trong ngày 30/4, thống kê chưa đầy đủ đã có hơn 700 khách đến thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Vị Xuyên. Hiện nay các di tích như hang Dơi, hang Làng Lò, Khu vực trạm quân y tại thôn Thanh Sơn… đang được bảo tồn, vừa phục vụ việc nghiên cứu, học tập, vừa trở thành điểm thu hút khách tham quan, thăm lại chiến trường xưa.
"Phát triển sản phẩm du lịch gắn liền với di tích lịch sử cách mạng được ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi sẽ xây dựng không gian tổ chức các dịch vụ về nguồn tại Làng văn hóa du lịch thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy, tiến tới mở rộng không gian tại Làng văn hóa du lịch thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến và các điểm có tài nguyên văn hóa là di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn", Chủ tịch Hoàng Thanh Tịnh chia sẻ.
Vị Xuyên tự bao giờ đã trở thành điểm đến thiêng liêng, một nơi chốn mà du khách có thể tìm thấy sự giao hòa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Nơi mắt ta rưng rưng khi hồi tưởng những câu chuyện đã thành huyền thoại của người lính Vị Xuyên năm xưa, để rồi ánh lên niềm tự hào trước sắc xanh trường tồn nơi biên cương Tổ quốc…