Nhà văn Niê Thanh Mai:

Kết nối rộng rãi, thêm động lực cho văn nghệ địa phương

Thời gian qua, nhà văn Niê Thanh Mai - Chủ tịch Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk và các cộng sự có nhiều nỗ lực kiến tạo các sự kiện, hoạt động nghề nghiệp, kết nối văn nghệ sĩ trên các địa bàn tỉnh, thành phố. Thời Nay có cuộc trao đổi với chị về việc đổi mới, sáng tạo trong công tác văn nghệ ở địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Kết nối rộng rãi, thêm động lực cho văn nghệ địa phương

Phóng viên (PV): Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk đang tổ chức cuộc thi sáng tác văn xuôi về TP Buôn Ma Thuột, qua đây chị kỳ vọng gì?

Nhà văn Niê Thanh Mai: Cuộc thi với chủ đề “Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - Những chặng đường phát triển” mang theo rất nhiều niềm hy vọng của chúng tôi, không chỉ những người con rất yêu quý vùng đất nơi mình sinh ra, lớn lên mà cả rất nhiều người dân từ mọi miền đất nước chọn Đắk Lắk làm nơi lập nghiệp và gắn bó.

Chúng tôi mong muốn qua các truyện ngắn, bút ký, ghi chép hay tùy bút, các tác giả sẽ khắc họa hình ảnh vùng đất và con người, những thành quả của nhân dân TP Buôn Ma Thuột trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Chúng tôi cũng kỳ vọng cuộc thi này là lời mời gọi tha thiết các văn nghệ sĩ cả nước chọn Đắk Lắk là điểm khám phá trong những hành trình thực tế sáng tác hay trải nghiệm của mình. Cảm xúc tươi mới của các bạn có thể sẽ làm nên nhiều tác phẩm đặc sắc và rất riêng chăng!

PV: Đáng chú ý khi thời gian qua, Hội mở nhiều trại sáng tác, tọa đàm về văn hóa, văn học nghệ thuật, triển lãm tranh, ảnh. Những sân chơi thường xuyên đó đang giúp cho hoạt động văn nghệ được chú ý, hưởng ứng hơn. Phải chăng đây là một hướng đi mới?

Nhà văn Niê Thanh Mai: Mỗi trại sáng tác hay chương trình tọa đàm, công bố hay giới thiệu tác phẩm đều có sức hút riêng. Mỗi chuyên ngành thì có cách công bố tác phẩm riêng. Nhưng công chúng thì là một. Đó là lực lượng lớn những người có nhu cầu thưởng thức cái đẹp. Cho dù cái đẹp đó là âm nhạc hay hội họa, nhiếp ảnh hay văn học… thì đều là những nguồn năng lượng khiến cho người ta yêu quý cuộc sống này hơn, nhìn cuộc đời với ánh nhìn tươi sáng và tươi mới hơn.

Chính vì thế mà mỗi khi lên kế hoạch tổ chức bất cứ chương trình gì, chuyên ngành gì, tôi luôn trăn trở làm sao để hình thức sự kiện không lặp lại, không nhàm chán. Và làm thế nào để các văn, nghệ sĩ cảm nhận được sự thú vị, khác biệt.

Kết nối rộng rãi, thêm động lực cho văn nghệ địa phương ảnh 1

Một chuyến đi thực tế của Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk đến bảo tàng ở Quảng Trị.

PV: Một cách làm khá mới là sự phối hợp với các đơn vị, Hội Văn học nghệ thuật địa phương khác. Hiệu quả đang được ghi nhận như thế nào?

Nhà văn Niê Thanh Mai: Tại Đắk Lắk, Hội Văn học nghệ thuật phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo và nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Đồng thời chúng tôi tăng cường kết nối với các công ty, doanh nghiệp để phát huy xã hội hóa trong hoạt động, đặc biệt là trong các chương trình hướng đến cộng đồng, hướng về địa phương, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với các Hội Văn học nghệ thuật trong khu vực như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông để tổ chức một số tọa đàm, triển lãm nhiếp ảnh, mỹ thuật… Chúng tôi cũng mạnh dạn giới thiệu tác phẩm, tác giả ở địa phương khác, như mới đây nhất là Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo tôi, việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong và ngoài tỉnh là điều cần thiết phải phát huy. Ít nhất với các Hội địa phương, khi mà còn những hạn chế nhất định về kinh phí, cơ sở vật chất và kinh nghiệm của nhân sự trong việc tổ chức sự kiện.

PV: Từ thực tiễn và kinh nghiệm hoạt động của cá nhân chị, của Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk, theo chị, làm sao để phát triển văn học nghệ thuật ở địa phương?

Nhà văn Niê Thanh Mai: Mỗi địa phương có một cách làm khác nhau. Với Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk, với kinh nghiệm ít ỏi của một người vừa đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội được thời gian quá ngắn, tôi cùng Ban chấp hành hội xây dựng chương trình công tác theo từng năm, hoạt động của từng chuyên ngành được dự thảo từ đầu năm. Đặc biệt tập trung vào tổ chức trại sáng tác kết hợp đi thực tế trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, cần nỗ lực trong việc giới thiệu và quảng bá tác phẩm, không chỉ trong các chương trình tổ chức trên địa bàn tỉnh. Cũng như phải biết phối hợp các Hội văn học nghệ thuật trong khu vực.

Tôi nghĩ rằng, cùng với sự nỗ lực của Ban chấp hành, của từng hội viên, rất cần có Đảng, chính quyền, các cơ quan quản lý văn hóa và nhiều đơn vị trong tỉnh cùng quan tâm, hỗ trợ và phối hợp. Những cộng đồng ấy tất yếu sẽ tạo nên những thành công nhất định trong phát triển văn học nghệ thuật ở địa phương.

PV: Đảm trách vai trò Chủ tịch Hội khi tuổi đời còn trẻ, điều đó có tạo áp lực cho chị?

Nhà văn Niê Thanh Mai: Nếu câu hỏi này đến trước một năm, tôi sẽ gật đầu và đồng ý mình trẻ. Nhưng ngay thời điểm này thì tôi nghĩ chữ “trẻ” là kinh nghiệm ít chứ không phải độ tuổi. Tôi muốn thay đổi điều đó. Có nghĩa muốn mọi người quên chữ “trẻ” ấy thì bản thân tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa để cố gắng làm được những việc có giá trị, xứng đáng với với vị trí là một Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật.

Điều đó có nghĩa là tôi không áp lực cho mình. Tôi luôn nghĩ, việc quản lý và gây dựng phong trào hoạt động văn học nghệ thuật là một việc khó. Việc gì không biết hay chưa biết, tôi sẽ học hỏi các thế hệ anh chị đi trước, tôi sẽ nghiên cứu và làm từng việc một, từ từ. Từ việc nhỏ đến việc vừa, rồi thì việc lớn hơn.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!