Kể chuyện làng biển ở Mân Thái

Đôi thúng bầu, dầm chèo thuyền, những chiếc lu mắm hơn trăm tuổi, vài chiếc đèn gió, mấy chục đôi đũa buộc dây theo cặp đã gắn với máu thịt của ông Huỳnh Văn Mười (56 tuổi) ở làng chài Mân Thái, quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng). Nét đẹp làng biển trong phố được ông Mười khắc họa theo cách sinh động, thống nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian trưng bày văn hóa nghề biển của ông Mười.
Không gian trưng bày văn hóa nghề biển của ông Mười.

Tìm lại hình bóng quê hương

Mân Thái, hai chữ đơn giản nhưng đó là cả niềm tin, cả một cuộc đời của ông Mười. Tất cả những gì thuộc về ngôi làng biển này đều nằm trong trí nhớ của ông. Người từ phương xa khi ghé làng sẽ ấn tượng bởi tính cởi mở, hồn hậu từ đám trẻ cho đến những thế hệ cao niên nơi đây. Tuy nhiên, nằm trong một thành phố có tốc độ đô thị hóa cao như Đà Nẵng thì Mân Thái ít nhiều sẽ giảm bớt tính truyền thống vốn có.

Cả ngày, bãi biển Mân Thái nhộn nhịp bóng người. Lúc chiều tà, nhóm ngư dân kéo nhau lên ghe ra khơi giăng lưới rồi bình minh hôm sau lại khiêng cá về. Lớn lên bằng vị mặn nước mắm, ăn con cá, con tôm biển khơi, ông Mười luôn trăn trở việc lưu giữ những hình ảnh thân thuộc đó. Nghĩ là làm, ông quyết định tạo một không gian bảo tồn làng biển trong phòng khách của ngôi nhà đang ở.

“Các món đồ gắn với cuộc đời đi biển của cha tôi được trưng bày ở đây. Từ mái dầm, cột chèo, bộ lưới giăng cho đến nồi xoong nấu ăn, đũa chén… tôi đang cất giữ cẩn thận. Hồi tôi được 1 tuổi, gia đình mua một chiếc máy gắn lên ghe chạy đi biển. Giấy tờ mua máy vẫn còn cho đến hiện tại. Đó là kỷ vật chứng minh nghề nghiệp của gia đình nên tôi phải bảo quản kỹ lưỡng”, ông Mười nói.

Nhận thấy tiềm năng làm du lịch hiệu quả, ông Mười hướng đến việc gắn với làng nghề và văn hóa miền biển. Gần cả cuộc đời chứng kiến bao đổi thay của làng chài xưa và nay, điều ông Mười nhận thấy là tất cả hình ảnh không đọng lại lâu dài. Do đó, việc phục dựng câu chuyện nghề, nét đẹp của người ngư dân là mấu chốt cho mục tiêu bảo tồn nét đẹp làng biển.

Hàng trăm năm qua, Mân Thái có nước mắm nhỉ. Gia đình ông Mười vẫn gìn giữ công thức xa xưa nhất để làm mắm. Dù cả ngày tất bật bên mẻ mắm rồi đến cá tôm, ông vẫn dành ra một khoảng thời gian đi sưu tầm văn hóa. Từng câu từ, thói quen sử dụng ngôn ngữ mà dân miền biển thường dùng được tập hợp trong cuốn sách của “tác giả” Huỳnh Văn Mười.

“Lớp con cháu trẻ hiện nay có thể xa lạ với những từ ngữ xưa. Các hình ảnh do tôi tập hợp đều có chú thích rõ ràng. Đơn cử như về “thuốc rê”, bọn trẻ vùng biển đều không biết. Vậy nên khi đưa vào lưu giữ, tôi cần trình bày “thuốc rê” là gì, nó có đặc điểm nào để người đọc sách hiểu được. Lịch sử làng Mân Thái hiện nay đã gần 300 năm nên tập trung thông tin có tính nhất quán, đồng bộ rất quan trọng. Khi làm một việc nào đó cho làng, tôi luôn đặt vị trí, giá trị của con người lên trên hết”, ông Mười chia sẻ.

Góp vui cho đời

“Chiều về trên biển quê nhà/Xót xa thương nhớ bóng Cha từng ngày/Trải qua tháng ngắn, năm dài/Thuyền nan sóng gió, chèo tay vượt trùng/Được mùa cá ruốc vui chung/Cơm than, bạc má, nục suôn, trích, lầm/Dẫu cho gió lớn, mưa dầm/Bao nhiêu mặt lưới, Cha thầm bước qua… Đời người dòng nước uốn quanh/Phong ba bão tố: Câu gành - Lưới sưa/Hiu hiu gió bấc sớm trưa/Thuốc rê Cha quấn, cơn mưa bão bùng...”, đó là một trích đoạn trong ca khúc “Tình cha hồn biển” với phần lời thơ của ông Huỳnh Văn Mười do nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái phổ nhạc.

Nói về cuốn sách, ông Mười say sưa phân tích, người miền biển Mân Thái dù sống trong thành phố nhưng họ có cách nói khác một chút. Ngày xưa, ngư dân thường lấy những từ ngữ về cơ thể con người để đưa vào nghề biển. Với chữ “nây” ý chỉ vòng bụng con người đã được thay cho “kích cỡ” khi đan lưới. Hoặc chữ “ghim” ý chỉ tính cách hay để bụng, nó trở thành tên gọi dụng cụ đan lưới. Ngược lại, từ ngữ nghề biển lại dùng trong gia đình. Thí dụ, khi ra biển, từ “cột chèo” là cụm bộ phận bơi thuyền thúng thì trong gia đình, “cột chèo” là chỉ anh em làm rể chung một nhà, phải gắn bó, đoàn kết. Cuộc đời ngư dân lênh đênh biển giã, không biết phía trước là gì, từ đó mới có câu chuyện đôi đũa buộc dây. Có thể hình dung, mỗi gia đình ở làng Mân Thái khi có người ra khơi, những ai ở nhà đều trông ngóng, dõi theo. Hình tượng đôi đũa buộc dây mang ý nguyện cầu mong chuyến đi biển bình an, trọn vẹn, tất cả đều nằm trong cuốn sách, tài liệu của ông Mười.

“Muốn câu chuyện giá trị văn hóa biển Mân Thái tồn tại lâu dài, chúng ta nên có một ngôi nhà tập trung, trưng bày những sản phẩm do ngư dân làm ra. Không những bảo tồn biển Mân Thái mà cả vùng miền trung. Từ đó, các nhóm khách du lịch được nghe hát bá trạo, thưởng thức vị nước mắm nhỉ, hiểu hơn về làng”, ông Mười gợi mở.