IELTS chưa phải là “chìa khóa vạn năng”

Với nhiều ưu thế trong tuyển sinh, tuyển dụng hiện nay mà chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS đang tạo ra “cơn sốt”. Từ những học sinh nhỏ tuổi ở cấp tiểu học cũng được bố mẹ cho đi luyện để thi IELTS đến lời khuyên của các chuyên gia về việc học và thi chứng chỉ này.
0:00 / 0:00
0:00
Một lớp luyện thi chứng chỉ IELTS do các phụ huynh tự tổ chức.
Một lớp luyện thi chứng chỉ IELTS do các phụ huynh tự tổ chức.

1/Dịp hè này, em Nguyễn Thúy H., học sinh lớp 4 Trường tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, Hà Nội) được bố mẹ “giao” thêm nhiệm vụ luyện để thi chứng chỉ IELTS. Em H. không tỏ ra hứng thú học IELTS chút nào khi hằng ngày, em phải làm bài đọc hiểu đến bốn trang giấy A4 bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, bố mẹ em dù phải bỏ ra 20 triệu đồng tiền học phí vẫn nuôi hy vọng, có chứng chỉ IELTS con mình mới có “đẳng cấp” tiếng Anh!

Không riêng gì gia đình em H., nhiều người cho rằng chứng chỉ IELTS được coi như “chìa khóa vạn năng” khi hiện nay, nó là tiêu chí để xét tuyển sớm vào một số trường đại học, trong đó có cả trường tốp đầu. Thi vào 10 tại Hà Nội vốn được coi là “khốc liệt”, nhưng nhiều trường THPT cũng tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.0. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT thì học sinh có điểm IELTS từ 4.0 trở lên được miễn thi môn tiếng Anh. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan tổ chức lấy IELTS là một tiêu chí tuyển dụng nhân sự. Chính vì vậy, số người học IELTS đang tăng nhanh, số điểm IELTS của thí sinh cũng ngày càng được cải thiện và gần đây câu chuyện luyện IELTS từ sớm đang gây nhiều tranh cãi.

Ths Trần Thị Hiếu Thủy, Giảng viên Khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, IELTS là chứng chỉ quốc tế và có giá trị sử dụng trong vòng hai năm. Khi mà đơn vị tuyển dụng hay nhà trường mong muốn xác nhận năng lực ngoại ngữ đầu vào của ứng viên của mình thì việc họ sử dụng chứng chỉ IELTS để xét tuyển là một điều dễ hiểu. Hay học sinh, sinh viên và những người đi làm họ thấy cần nâng cao năng lực ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng, yêu cầu của nơi tuyển sinh nên họ tham gia các lớp học để luyện thi IELTS, đó cũng là điều bình thường. Nhưng điều chúng ta cần lưu tâm ở đây là sự lãng phí về thời gian, công sức và tiền bạc nếu như người đi luyện thi IELTS tham gia vào lớp luyện thi mà không cần quan tâm xem nó có phù hợp độ tuổi của mình hay không, có phù hợp mục tiêu mình sử dụng chứng chỉ IELTS hay không và liệu mình có sử dụng đủ thời gian để theo đuổi việc luyện thi đó hay không?

Đối với các trường THCS, theo Ths Thủy, bài thi IELTS chưa phải là sự lựa chọn đúng đắn để xác nhận trình độ đầu vào của thí sinh. Hội đồng Anh là một trong ba đơn vị sáng lập hệ thống kiểm tra tiếng Anh quốc tế IELTS cũng thông tin trên website chính thức của đơn vị mình rằng, bài thi IELTS không khuyến khích các thí sinh dưới 16 tuổi tham gia. Bởi lẽ, ở độ tuổi này, thí sinh chưa có sự nhận biết về thế giới chung quanh một cách trừu tượng, chưa có đủ kiên nhẫn cũng như sự phát triển về nhận thức để xử lý những văn bản dài, văn bản khó hoặc có thể trình bày được quan điểm của mình về những vấn đề phức tạp trong xã hội. Hay tiếp cận được những chủ đề về y tế, văn hóa, giáo dục… và đưa ra quan điểm của mình về những vấn đề đó một cách khách quan. Với những yêu cầu như vậy, đối tượng học sinh tiểu học mới hết lớp 5 là quá sức với các em.

2/Thực tế, chứng chỉ IELTS ngày càng được sử dụng phổ biến ở Việt Nam nhưng không phải là duy nhất. Những năm gần đây, nhiều trường đại học cho phép xét tuyển sớm khi kết hợp nhiều chứng chỉ quốc tế như: SAT, ACT, TOEFL iBT, TOEIC. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những tiêu chí đánh giá. Mức điểm quy đổi cho các chứng chỉ ngoại ngữ hay chứng chỉ quốc tế của mỗi trường đại học cũng khác nhau. Còn theo các chuyên gia tuyển dụng, khi đánh giá năng lực ngoại ngữ của các ứng viên, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn sẽ chú trọng vào khả năng giao tiếp chứ không nặng bằng cấp hay chứng chỉ.

IELTS là một bài thi xác định năng lực tiếng Anh thông qua các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Đề thi IELTS có nhiều vấn đề học thuật không chỉ có kỹ năng ngoại ngữ mà còn là kiến thức xã hội khá tổng hợp. Anh Tạ Quang Tú, Chủ nhiệm Trung tâm IPP IELTS cho biết: “Quan trọng nhất là nền tảng Anh ngữ của các học viên phải xây dựng lâu dài. Cái đó mới là vấn đề phụ huynh nên đầu tư, tích lũy cho con chứ không phải chạy theo luyện bài thi”.

Ths Trần Thị Hiếu Thủy khuyên rằng, trẻ ở lứa tuổi nào cũng học tiếng Anh được nhưng nếu đem những bằng cấp để ép các em phải học, phải thi để đạt được thì đó là điều bất cập và không nên. Với học sinh tiểu học, việc học tiếng Anh nên khơi gợi hứng thú, phát triển toàn diện các kỹ năng và đặt mục tiêu cụ thể cho từng chặng chứ không nên đặt nặng áp lực thi cử.